10:00 ICT Thứ năm, 16/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Nhà ở của người S’Tiêng Bình Phước – những thay đổi trong đời sống hiện nay

Thứ tư - 01/08/2012 09:34
Ngôi nhà truyền thống của người S'tiêng Bù Đek

Ngôi nhà truyền thống của người S'tiêng Bù Đek

Cũng như bất kỳ một thành phần dân tộc nào khác, xuất phát từ nhu cầu cư trú, người S’tiêng Bình Phước làm nhà để ở. Do có sự khác nhau về địa điểm cư trú như địa hình, môi trường xã hội đã tạo ra nhiều quan niệm khác nhau về phương pháp làm nhà, cấu trúc bên trong của ngôi nhà cũng như chức năng cụ thể của ngôi nhà.

Về cơ bản, ngôi nhà của họ chủ yếu làm bằng các vật liệu đơn giản, trong ngôi nhà được chia làm hai phần, phần quan trọng nhất là để ngủ chiếm quá nửa diện tích ngôi nhà và phần còn lại là bếp và nơi để các vật dụng, dụng cụ lao động sản xuất. Nhà ở vừa có công năng cho con người cư trú và sinh hoạt, vừa thể hiện tư duy thẩm mỹ trong nhận thức của cộng đồng người S’tiêng. Tùy theo đặc điểm địa lý và văn hóa của từng nhánh cộng động mà đặc điểm trong lối kiến trúc có những điểm tương đồng và khác biệt.

Người Stiêng nhánh Bù Lơ thường sinh sống ở vùng cao, gồm các xã của huyện Bù Gia Mập và Bù Đăng. Họ thường ở nhà dài trệt nền đất, mái tranh hoặc lá mây, được làm bằng các loại tre đan lại thành tấm liếp hoặc xếp những thanh tre lại thành những bức vách khá dày, nhà thấp, có cửa ra vào ở phía đầu hồi nhà. Người S’tiêng nhánh Bù Lơ gọi ngôi nhà là “Yau”. Các ngôi nhà thường tập trung trong một khu dân cư với nhiều gia đình khác nhau của cộng đồng.

Người S’tiêng Bù Đek sinh sống chủ yếu ở các vùng thấp thuộc các huyện Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Phú, thị xã Bình Long và một số xã ở huyện Bù Gia Mập. So với nhánh S’tiêng Bù Lơ, người S’tiêng nhánh Bù Đek có địa bàn cư trú khá rộng, với nhiều dạng địa hình cư trú khác nhau cả đồng bằng và đồi núi, dân cư đông hơn và đặc biệt có cả sản xuất lúa rẫy và lúa nước. Trước đây nhà sàn của người S’Tiêng Bù Đek cũng có độ dài tương tự như nhà dài của nhánh S’Tiêng Bù Lơ. Người S’tiêng nhánh Bù Đek gọi ngôi nhà là “Nhir”, kiểu nhà truyền thống là nhà sàn với hai loại là nhà sàn dài và nhà sàn ngắn, tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi gia đình. Vách nhà thường nghiêng loe về phía trên, cột thường rất lớn và vững chắc, vật liệu chính là gỗ, tre, mây, tranh… Cư dân sinh sống trong một Sóc, các nhà được bố trí khá gần nhau.

Ngày nay, trước sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật đã tác động lên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống con người và tự nhiên. Trong điều kiện sống hiện nay, với mối giao lưu nhiều mặt trong đời sống xã hội với các cộng đồng dân tộc trong vùng trên nhiều lĩnh vực như loại hình nghề xây dựng, kiến trúc và trang trí của người S’tiêng chịu nhiều tác động. Điều kiện sống thay đổi, xu thế hướng tới tiện ích, tiện nghi và phân lập trong cấu trúc hộ gia đình truyền thống, kinh tế khó khăn, nguồn nguyên vật liệu khai thác không như trước, giá cả cao... nên cư dân S’tiêng khó bảo tồn được các kiến trúc cổ truyền, duy trì lối nghệ thuật trang trí truyền thống.

Nhà ở của là một trong những di sản văn hóa của người S’tiêng Bình Phước. Nó là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc khẳng định và thể hiện các giá trị như quan niệm thẩm mỹ, quan niệm tâm linh, phục vụ các lễ hội, nghề truyền thống… của cộng đồng. Nhưng ngôi nhà truyền thống và cách làm nhà truyền thống đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về khách quan, trước sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các chất liệu truyền thống trở nên khan hiếm và đắt đỏ thì các chất liệu mới đám bảo các yếu tố như giá thành, sự đa dạng, độ bền cao… được thay thế là điều tất yếu cho nhu cầu của người dân. Khi các vật liệu được thay đổi đã kéo theo sự thay đổi gần như tổng thể kết cấu ngôi nhà của người S’tiêng Bình Phước. Do sự thay đổi về kết cấu nên những giá trị văn hóa gắn liền với ngôi nhà cũng đã có sự biến đổi, các quan niệm về hướng nhà, cách chọn vật liệu trước kia không còn, cách thức làm một ngôi nhà của truyền thống cũng không còn, các quan niệm thẩm mỹ… cũng dần được thay đổi để phù hợp với xu thế chung của thời đại.

Về chủ quan, các nghệ nhân truyền thống không còn nhiều và đều ở độ tuổi cao, các thế hệ sau không nắm rõ các nguyên tắc cũng như các kinh nghiệm truyền thống, còn thế hệ trẻ thì hòa mình vào trào lưu mới nhiều hơn là quay về với truyền thống của ông cha, nên nguy cơ thất truyền đã được thể hiện rất rõ trong cộng đồng người S’tiêng Bình Phước. Vì vậy, việc bảo về và gìn giữ các ngôi nhà truyền thống hiện nay là công việc không chỉ riêng của cộng đồng của người S’tiêng Bình Phước mà đây là công việc chung của xã hội.

Ngày nay, trước sự mai một về các giá trị văn hóa (cả về văn hóa vật thể và phi vật thể) gắn với ngôi nhà của người S’tiêng, thiết nghĩ chúng ta nên có một số giải pháp như gìn giữ các ngôi nhà truyền thống hiện có trong cộng đồng S’tiêng sinh sống và đưa ra các biện pháp chống xuống cấp mang tính khoa học; tổ chức phục dựng và truyền dạy cho các thế hệ dựa trên kinh nghiệm và các phương pháp của các nghệ nhân vẫn lưu giữ trong cộng đồng nhưng độ tuổi đã cao; thực hiện các chính sách xã hội hóa để chính quyền và nhân dân cùng nhau bảo vệ, lưu giữ các giá trị văn hóa nói chung và nhà ở nói riêng.

Ngôi nhà truyền thống của người S'tiêng nhánh Bù Lơ

Tác giả bài viết: Đinh Nho Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước