01:48 ICT Thứ ba, 07/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Trống đồng Long Hưng – Niềm tự hào về văn hóa Đông Sơn trên quê hương Bình Phước

Thứ năm - 23/02/2012 09:43
Trống đồng Long Hưng

Trống đồng Long Hưng

Ngày 24/4/1998 trong lúc lao động sản xuất ông Trần Đình San, ngụ ấp 3 xã Long Hưng huyện Phước Long (cũ) nay là huyện Bù Gia Mập, phát hiện 1 trống đồng dưới 1 gốc cây lớn cách mặt đất 130cm. Sau khi thông báo cho các cơ quan chuyên môn, ngày 5/5/1998 đoàn cán bộ Bảo tàng tỉnh và Sở Văn hóa Thông tin tiếp nhận về Bảo tàng tỉnh để tiến hành nghiên cứu và bảo quản lâu dài.

Ngày 12/5/1998 Trung tâm khảo cổ thành phố Hồ Chí Minh tiến hành giám định bước đầu. Theo nhận định ban đầu của các chuyên gia “Trống đồng Long Hưng thuộc dòng trống HEGER I Đông Sơn muộn, niên đại 1900 – 2000 năm cách ngày nay”.

Mặt trống Long Hưng (tên gọi theo địa danh phát hiện) được trang trí bằng  các hoa văn thừng tết, hình răng lược, chim hạc bay, ngôi sao 12 cánh và được trang trí theo các đường tròn đồng tâm. Giữa các cánh sao được trang trí hoa văn hình quả trám cân xứng trong đường tròn đồng tâm. Ngôi sao trên mặt trống là biểu trưng cho mặt trời và tục thờ mặt trời là một hình thức tín ngưỡng sùng bái tự nhiên trong phong tục tập quán cổ truyền của các cộng đồng người Việt cổ.

Trên thân và tang trống có 3 loại hoa văn chủ đạo gồm hoa văn thừng tết, hoa văn hình răng lược và hoa văn các vòng tròn tiếp tuyến. Điểm nối giữa thân và tang trống Long Hưng cũng như các loại trống thuộc dòng trống HEGER đều được  bố trí 2 đôi quai kép đối xứng nhau. Trên mỗi quai trống được trang trí với hoa văn hình thừng tết, các loại hoa văn hình răng lược và vòng tròn tiếp tuyến.

Trống đồng Long Hưng có đường kính mặt là 39 cm, cao 27 cm và cân nặng 5,40 kg. Có lẽ điểm nổi bật ở trống Long Hưng là phủ toàn thân và mặt trống các lỗ vuông, gờ các lỗ vuông có hoa văn mờ nhạt. Hoa văn trang trí của trống không phong phú như các trống được phát hiện ở phía bắc như trống Ngọc Lũ, trống Hoàng Hạ, trống Quảng Xương… Trên thân và tang trống chưa tìm thấy các hoa văn như hình người hóa trang lông chim, hình thuyền,  hình một số chim, thú thông thường… mà chủ yếu là các loại hoa văn hình học.

Trống đồng Đông Sơn là sản phẩm tiêu biểu cho nền Văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Trong những nghi lễ trang nghiêm hay dịp hội hè đình đám , tiếng trống đồng trầm hùng vang vọng tạo ra một không khí uy nghi, làm tăng lòng tự hào dân tộc và làm cho kẻ thù khiếp sợ. Nhìn chung chức năng chủ yếu của trống đồng vẫn là chức năng của một nhạc khí. Ngoài ra, trống đồng còn tượng trưng cho quyền lực của Nhà nước văn minh Đông Sơn Việt cổ - như một thứ quyền trượng được ban đi từ thủ đô Phong Châu của các Vua Hùng để thể hiện uy quyền của Nhà nước đối với các vùng phên dậu của đất nước.

Có thể nói, phát hiện trống đồng Đông Sơn trên địa bàn tỉnh Bình Phước là sự mới mẻ trong công tác nghiên cứu về địa bàn phân bố, các giá trị văn hóa cũng như các loại hoa văn trang trí trên trống. Điều này đang cần có những khám phá mới lạ của các nhà chuyên môn và các nhà nghiên cứu để giải đáp các thắc mắc chung về chiếc trống Long Hưng đang được Bảo tàng tỉnh bảo quản và lưu giữ.

Trống đồng Long Hưng hiện đang lưu giữ tại bảo tàng tỉnh Bình Phước

 (Trong bài viết có sử dụng tư liệu)

Tác giả bài viết: Đinh Nho Dương - Bảo tàng tỉnh

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước