05:40 ICT Thứ sáu, 03/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Thả Diều sáo - Nét đẹp văn hóa của người Khmer

Thứ ba - 04/10/2011 14:42
Bình Phước là nơi hội tụ nhiều cộng đồng dân tộc sinh sống như S’tiêng, M’nông và đặc biệt là cư dân Khmer, với dân số khoảng 8.599 người, cư trú rải rác trên khắp các huyện, thị xã trong tỉnh, đã tạo nên một diện mạo văn hóa vô cùng phong phú và đặc sắc.

Là cư dân nông nghiệp làm ruộng lúa nước và rất sùng tín đạo Phật. Mọi hoạt động sản xuất nông nghiệp của họ đều gắn với ý niệm nước - nắng, ẩm - khô… Nghề thủ công cổ truyền thể hiện đời sống tâm linh của họ đều tập trung vào việc làm diều.

Diều (Khlèn) - nghĩa gốc là Chim Diều hâu. Trong ý niệm của người Khmer, Chim Diều là biểu tượng của mặt trời - nắng. Diều thả cũng nằm trong ý niệm đó. Người Khmer thả diều khi gió mùa Đông Bắc tràn về xua tan mây mù để nắng trở về, thường là vào tháng Kádek (tương ứng với tháng 10 âm lịch). Thả diều là một biểu tượng cầu nắng để hạt lúa chóng chín, chóng được gặt hái.

 Diều thả của người Khmer có khá nhiều lọai, nhưng phổ biến nhất là Khlèn phnon, còn gọi là Por kón (mang con) hoặc Mékón (mẹ con). Diều được làm bằng tre và vải trúc bâu, tơ chuối hoặc tơ dâu. Tơ chuối được sử dụng từ thời cổ xưa nhất. Người ta tước tơ từ bẹ chuối, đem phơi nắng và phơi sương cho mềm và dai, buộc quả dọi vào sợi tơ rồi treo lên, khâu lại bằng chỉ gai hoặc chỉ vải rồi đem bọc ra ngoài sườn diều. Xong quét lên toàn bộ diều một lớp nước sắc dây “cây chân bò” giã nát, sau đó đem phơi ngoài trời cho khô. Dùng vải trúc bâu cũng quét nước sắc này. Nếu dùng tơ dân thì cũng phải giã nát vỏ cây dâu rồi đun sôi lên. Sau đó vớt các váng nổi trên mặt, cũng có thể đổ nước vỏ dâu đun sôi lên một tấm vải rồi đem phơi nắng.

Khlèn phnon (diều mẹ con) thường có kích thước lớn, dài 1,50m đến 2,40m. Ở đuôi diều gắn hai dải dài từ 10m đến 20m kết bằng lá thốt nốt gọi là kraman hoặc kantuy. Dây thả diều dài từ 50m đến 300m làm bằng sợi tơ, sợi gai hoặc các loại sợi cây khác. Khi thả diều phải có ít nhất từ 3 người trở lên để tung diều lên không trung.

Khlèn phnon bao giờ cũng gắn sáo (êk). Sáo lớn bằng cả sải cánh diều, được gắn trước mũi diều. Sáo bé gắn ở hông diều. Âm của 2 sáo được hòa vào nhau.

Khi làm sáo phải đòi hỏi sự chuyên môn cao, tinh tế trong thao tác, thính về âm điệu. Lấy một thân tre già dài uốn cong thành một cánh cung, chuốt mỏng 2 đầu, khoét một cái mấu một chỗ ở trên thân tre làm sao để móc được các sợi dây tơ tằm hoặc tơ chuối để buộc lưỡi gà cân đối, chặt chẽ vào thân cây tre nhằm tạo ra được âm thanh mong muốn.

Lưỡi gà được làm bằng thân cây mây chẻ ra, chuốt mỏng, mài trơn bằng thóc hoặc giấy ráp thủy tinh rồi hơ bóng trên lửa. Có khi chỉ cần khoét 3 lỗ nhỏ ở 2 đầu để xỏ dây buộc. Hai đầu mút lưỡi gà và các dây buộc đều được nhúng sáp ong. Để thử âm thanh của sáo, người ta buộc dây vào cây sáo rồi quay nhanh quanh người. Nếu âm lượng chưa đủ thì cho thêm sáp ong vào. Lưỡi gà cũng có thể làm bằng cây thốt nốt hoặc lá chuối, song âm thanh không vang bằng.

Ngoài Diều sáo còn có Diều đèn (Khlèn kôm) cũng gọi là đèn bay (kôm hòk) hình hộp hoặc hình ống trụ. Có chiếc cao đến 5m đồ sộ như một kinh khí cầu và phải cần đến 4 - 5 người để thả. Ban ngày Diều sáo vi vu trên trời cao, ban đêm diều đèn lung linh trong ánh trăng thanh.

 Giá trị văn hóa của thả diều là cầu nắng cho mùa màng, đã in đậm trong tâm thức của người Khmer nói chung và của người Khmer ở Bình Phước nói riêng. Hàng năm đến ngày lễ hội thả diều, người dân trong cộng đồng đều đến tụ hội quanh ngôi cùa của mình với tâm thức hướng về cái thiêng, cái thiện. Cái thiêng, cái thiện đó đã giúp cho họ thêm tin tưởng vào cuộc sống của mình trong cộng đồng.

Thả Diều sáo là nét đẹp văn hóa mang đậm phong cách truyền thống của người Khmer cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy./.

Tác giả bài viết: Tô Huê

Tổng số điểm của bài viết là: 13 trong 3 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước