23:09 ICT Thứ năm, 02/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Nghi lễ vòng đời người và nghi lễ vòng cây trồng của người M’nông ở Bình Phước

Thứ hai - 17/10/2011 16:42
Nghi lễ vòng đời người và nghi lễ vòng cây trồng của người M’nông ở Bình Phước

Nghi lễ vòng đời người và nghi lễ vòng cây trồng của người M’nông ở Bình Phước

Nghi lễ vòng đời người của người M’nông là hệ thống nghi lễ gắn chặt với từng giai đoạn và cuộc đời của một con người. Có thể nói hệ thống nghi lễ này xuất hiện khi con người chỉ đang là một bào thai trong bụng mẹ cho đến nghi lễ tiễn đưa linh hồn của một ai đó về thế giới của tổ tiên.

Theo hệ thống và một trật tự nhất định có thể chia nghi lễ vòng đời người theo từng giai đoạn: nghi lễ trước khi sinh, nghi lễ sau khi sinh, nghi lễ liên quan đến sự trưởng thành của con người, nghi lễ liên quan đến việc cưới hỏi, nghi lễ liên quan đến tang ma.

Nghi lễ trước khi sinh: lễ cúng khi có thai, lễ bảo vệ thai nhi. Nghi lễ sau khi sinh: lễ cúng người mẹ sau khi sinh, lễ mở mắt cho con, lễ cắt rốn, lễ tạ ơn ông bà nuôi dạy chăm sóc, lễ đặt tên. Các nghi lễ này cho thấy, từ khi mang thai cho đến lúc sinh con, người phụ nữ trải qua những biến động hết sức lớn lao không chỉ trong cơ thể của mình mà còn trong mối quan hệ của họ với gia đình, xã hội. Qua đó còn nói lên truyền thống nhận thức của người M’nông với sự ra đời của một con người.

Nghi lễ liên quan đến sự trưởng thành là nói đến các nghi lễ như: lễ cắt tóc, lễ xỏ tai, lễ thổi tai, lễ trưởng thành.

Khi đến tuổi trưởng thành, đã có khả năng tự lập thì một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong vòng đời người là cưới vợ, gả chồng để duy trì nòi giống. Vì vậy Nghi lễ liên quan đến việc cưới hỏi gồm: lễ dạm hỏi, lễ ăn hỏi, lễ cưới, lễ lại mặt.

Nghi lễ liên quan đến tang ma: lễ cúng làm áo quan, lễ chôn người chết, lễ tiễn hồn người chết, lễ vĩnh biệt linh hồn người chết… Có thể thấy người M’nông có rất nhiều các nghi lễ liên quan đến vòng đời người. Nhưng có hai lễ lớn đó là lễ cưới và lễ tang thể hiện rất sâu sắc quan niệm nhận thức về thế giới của dân tộc này.

Qua lễ hội ta thấy được cuộc sống của người M’nông có nhiều sự chi phối, ràng buộc bởi một thế giới thần linh - thế giới đa thần.

Lễ nghi của người M’nông chưa có phần hội riêng biệt nhưng xuyên suốt các lễ nghi là tiếng sáo, tiếng cồng chiêng, những câu ca dao, tục ngữ, những truyền thuyết sự tích, trường ca… là những kiến thức, kinh nghiệm sống - cách đối nhân xử thế, nhận biết họ hàng, kinh nghiệm làm rẫy, đi rừng, săn bắt, hái lượm và cao hơn nữa là cả một kho tàng kiến thức về lịch sử; lịch sử tự nhiên, lịch sử hình thành dân tộc, nhận thức quan niệm về một thế giới siêu nhiên. Kho tàng kiến thức sẽ là những bài học có tác dụng giáo dục cho lớp trẻ - những người kế thừa, có trách nhiệm kiến thiết xây dựng một xã hội mới, theo qui luật của sự vận động.

Nghi lễ cũng là dịp để bà con họ hàng sum họp, chia sẻ nhau những kinh nghiệm sống, để gặp mặt tâm tình, trai thanh nữ tú M’nông có dịp bày tỏ tình cảm của mình. Không gian lễ hội là nơi khởi đầu của một tình yêu mới.

Ngoài các nghi lễ liên quan đến vòng đời người thì người M’nông còn có một hệ thống các nghi lễ nông nghiệp liên quan đến vòng cây trồng mà chủ yếu là cây lúa.

Là cư dân có truyền thống sản xuất nông nghiệp canh tác lúa rẫy từ rất sớm. Cây lúa (ba) từ lâu đã cùng với rẫy (mir), chòi giữ rẫy (tum) trở thành thân quen gắn bó mật thiết với họ. Từ xa xưa người M’nông đã biết đến nhiều giống lúa, ngoài lúa nếp (ba mbêt), còn có hàng chục giống lúa khác nhau: lúa ba tháng (ba ang), lúa sáu tháng (ba bu).

Trong quá trình canh tác cây lương thực, ngoài những kinh nghiệm, kỹ thuật, người M’nông ở Bình Phước có rất nhiều kinh nghiệm ứng xử với cây lúa, đất rẫy, rừng, suối, thời tiết… Và một hệ thống các nghi lễ liên quan đến cây lúa: lễ khẩn đất phát rẫy, lễ đốt rẫy, lễ cúng khi trỉa lúa, lễ kết vòng cúng lúa, lễ cắm nêu cúng lúa, lễ cúng lúa mới, lễ cúng lúa ra đòng, lễ cúng bắt đầu tuốt lúa, lễ cúng được 70 gùi lúa, lễ cúng được 100 gùi lúa, lễ mừng tuốt lúa xong, nhỗ rạ và rước hồn lúa về nhà, lễ cúng tắm lúa.

Người M’nông cho rằng tất cả các hiện tượng tự nhiên liên quan đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp đều chịu sự chi phối của các thần linh bra, yang. Đó là các vị thần lúa bra ba hoặc Yang ba thần rẫy Bra mir, thần nước Bra đak, thần đất Bra neh, thần rừng Bra bri, thần mưa Bra mi… Ngoài ra còn các vị thần được coi là tổ tiên của người M’nông luôn luôn giúp đỡ họ trong sản xuất nông nghiệp, các vị tổ thần sinh ra ngô, lúa, đậu, rau, sả, ớt… và dạy họ cách trồng trọt, thu hoạch.

Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh - mọi thứ xung quanh đều có thần, sự cầu mong cho mọi vật sinh sôi nảy nở, cuộc sống no đủ, công việc sản xuất được thuận buồm xuôi gió, được các thần phù hộ, người M’nông luôn làm lễ cúng cho từng công đoạn trong một chuỗi hoạt động sản xuất. Lễ nghi với các lễ vật thường là cây nêu, heo, gà, rượu cần, là trâu… Tùy theo tính chất và mức độ của sự việc mà tính chất quy mô mà lễ vật cúng lớn hay nhỏ. Lễ nghi nông nghiệp tổ chức tại rẫy, nhưng không sử dụng hết thức ăn trên rẫy mà để phần đem về nhà, đêm đến người M’nông lại tập trung bà con, dòng họ, anh em  đến uống rượu cần, ăn cơm ống, thịt heo, gà, trâu nướng. Trong tiếng ngân vang của cồng chiêng làm nền cho những điệu múa của các chàng trai cô gái bên ánh lửa bập bùng.

Cũng như trong các nghi lễ vòng đời người, nghi lễ vòng cây trồng là dịp để mọi người có thời gian quây quần bên nhau, chuyện trò trao đổi những kinh nghiệm sản xuất, kinh nghiệm sống, nghe những thiên truyện, những áng sử thi Ot n’nrong, lời nói vần Nao mpring đậm chất tự sự, trữ tình, chứa đựng một kho tàng kiến thức về nhân sinh quan, vũ trụ quan về loài người và thế giới tự nhiên đầy huyền bí và hiện thực./.

Tác giả bài viết: Tô Thị Huê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: nghi lễ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước