07:50 ICT Thứ sáu, 03/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Nghi lễ Sen Dolta của người Khmer Bình Phước

Thứ ba - 04/10/2011 14:50
Gia đình đang chuẩn bị các lễ vật trong lễ Sen Dolta

Gia đình đang chuẩn bị các lễ vật trong lễ Sen Dolta

Giống như cộng đồng người Việt có lễ Vu Lan báo hiếu, người Khmer cũng có lễ Sen Dolta. Lễ Sen Dolta là lễ cúng ông bà tổ tiên nhằm tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ, cầu siêu cho linh hồn đã khuất và tri ân tổ tiên đã khai phá đất đai qua đó để ông bà phù hộ cho con cháu được mạnh khỏe làm ăn tấn tới, bà con trong phum sóc đoàn kết.

Theo quan niệm của người Khmer Bình Phước, tháng tám được xem là tháng buồn, là tháng dành để tưởng nhớ về những người quá cố, ông bà tổ tiên, nên trong tháng này các nông sản ngoài đồng như khoai mì, khoai từ, mía… con cháu không được phép động đến (không được ăn), chỉ khi nào lễ Sen Dolta được tiến hành xong, nghĩa là ông bà cha mẹ đã dùng rồi thì khi đó con cháu mới được phép sử dụng. Họ cho rằng chỉ trong tháng này nhà tù âm phủ sẽ thả những thân nhân đã quá vãng của họ được về với con cháu nên hầu như tất cả các gia đình trong phum sóc đều tiến hành tổ chức lễ Sen Dolta. Tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình mà có quy mô tổ chức khác nhau, nghi lễ được diễn ra trong ba ngày ở hai địa điểm tại nhà và tại chùa với nhiều nghi thức đặt dưới sự hướng dẫn của già làng và các vị sư.

Các nghi lễ trong lễ Sen Dolta được diễn ra theo một trình tự cụ thể. Vào ngày thứ nhất, nghi lễ được diễn ra tại nhà dưới sự chứng kiến của gia làng, thân tộc. Sáng sớm, các gia đình dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ Phật, chuẩn bị chăn, màn, chiếu, gối và bộ quần áo mới để rước ông bà về dự. Một mâm cơm được bày lên gồm thức ăn với chén, đũa, rượu, trà, bánh… để nơi giường thờ. Tất cả anh em họ hàng phải tập trung ngồi quanh mâm cúng theo thứ bậc chắp tay lạy những người thân đã quá cố. Sau ba lần rót rượu và trà khấn vái, gia chủ gắp thức ăn mỗi món một ít, rót một chút rượu, trà và bốn chén cơm để cúng, sau đó đem đi đổ bốn góc rào xung quanh nhà, mỗi nơi cắm một nén nhang mời ông bà về dự cùng con cháu. Khi đó người chủ gia đình đọc lời khấn vái “Bữa nay là bữa Dolta, xin mời ông bà, cha mẹ nội ngoại ở đâu lên ăn bữa cơm. Ăn rồi quay lưng phổ độ cho con cháu mạnh giỏi, làm ăn phát đạt…”. Theo từng gia đình, từng đối tượng mà có lời khấn vái khác nhau, ví dụ như lời cúng của người vợ đối với người chồng quá cố “Ba thằng nhóc ơi, bữa nay tôi cúng mâm cơm Dolta, lên ăn đi. Ăn rồi quay lưng phổ độ cho tôi và các con mạnh giỏi, làm ăn phát đạt…”. Sau khi mời ông bà ăn xong (cúng xong) thì con cháu, bà con làng xóm và các vị khách mới được phép ăn(thể hiện sự tôn trọng với ông bà), cứ như thế lần lượt từng nhà trong phum sóc đều được cúng.

Ngày thứ hai được tổ chức tại chùa vì họ quan niệm linh hồn ông bà cha mẹ đã ở chùa từ tối hôm qua. Các gia đình chuẩn bị lễ vật mang lên chùa để cúng như: mía, bánh tét, khoai mì, khoai từ (còn sống)… Mọi người mời vị sư tụng kinh cầu siêu cho linh hồn tất cả mọi nhà trong phum sóc. Buổi chiều, họ rước linh hồn ông bà về nhà, làm mâm cơm cúng và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu.

Ngày cuối cùng là ngày cúng tiễn, gia đình làm một mâm cơm, đặt bốn chén cơm và bốn đôi đũa ở bốn góc giường thờ cúng tiễn đưa vong linh ông bà. Gia chủ sẽ gắp thức ăn mỗi thứ một ít cùng khoai mì, khoai từ, bánh tét…đặt vào thúng để gửi ông bà mang xuống thế giới bên kia. Sau ba ngày được thả ra trở về, ông bà, tổ tiên được chứng kiến sự thành kính và cuộc sống ấm no của người thân, con cháu, bây giờ các linh hồn này phải trở lại cõi vĩnh hằng.

Không giống như lễ hội Chôl Chnăm Thmây (lễ mừng năm mới) vui vẻ, nhộn nhịp với nhiều điệu hát múa truyền thống, lễ Sen Dolta diễn ra buồn và thâm trầm, suốt ba ngày lễ, trong phum sóc không được tổ chức hát múa vì như vậy sẽ vi phạm vào điều kiêng kị. Nếu gia đình nào đến ngày lễ Sen Dolta mà không tổ chức cúng ông bà tổ tiên thì những âm hồn sẽ oán trách rằng “Trong một năm có một lần, con người ta người ta cúng, được ăn no. Con nhà mình không cúng, mẹ khóc, mẹ tìm không thấy. Tại sao con không cúng cho mẹ ăn với, mẹ đói quá, mẹ đi giựt của người ta về ăn… ”. Vi phạm vào điều cấm kị này người đó được xem là có tội, không có đức, con cháu sẽ bị bệnh tật, làm ăn không phát đạt, mọi người trong phum sóc sẽ không xem trọng.

Lễ Sen Dolta đã thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”,mang nhiều giá trị nhân văn và tính giáo dục sâu sắc, góp phần không nhỏ trong việc xây dựng lối sống truyền thống tốt đẹp giữa các thành viên trong từng gia đình nói riêng, cộng đồng người Khmer Bình Phước nói chung.

Tác giả bài viết: Lâm Thị Hồng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: ông bà

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước