10:38 ICT Thứ ba, 21/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Nhạc sỹ Xuân Hồng người viết tuyên ngôn về lòng yêu nước của đồng bào S’tiêng

Thứ năm - 17/11/2016 14:16
Nhạc sĩ Xuân Hồng tên thật là Nguyễn Hồng Xuân, Ông tham gia cách mạng ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp và đã dùng âm nhạc để động viên, cổ vũ nhân dân tham gia đấu tranh, đánh đuổi ngoại xâm.

Bài hát "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo" được Ông viết hoàn chỉnh vào năm 1966 là bài hát mà Ông tâm đắc nhất, một tác phẩm có sức sống mãnh liệt, đã tạo nên một sức hấp dẫn đặc biệt, hào hùng như huyền thoại đẹp của người S'tiêng. Vào đầu năm 1965, Quân ủy và Bộ chỉ huy miền quyết định mở chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài, với vai trò là nhạc sĩ của Cục chính trị Quân giải Phóng, Xuân Hồng đã đến các buôn, sóc ở vùng Bù Đăng, sinh hoạt và ở lại với đồng bào S'tiêng. Nhận được chủ trương của Đảng cần gấp mấy tấn gạo tiếp tế cho bộ đội đi đánh giặc thì già làng Điểu Đếch cùng với những người cốt cán ở Sóc Bom Bo đã quyết định đưa ra khẩu hiệu “Toàn dân sóc Bom Bo giã gạo”. Thế là đêm đêm, ánh đuốc lồ ô bập bùng thắp sáng, tiếng chày giã gạo thâu đêm đã vẽ nên bức tranh hùng tráng tuyệt vời.  Âm hưởng của những tiếng chày giã gạo đã làm trỗi dậy trong ông nguồn cảm hứng, khơi dòng cho giai điệu, tiết tấu của bài hát "Tiếng chày trên sóc Bom Bo".

Trong lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã viết "Người S'tiêng là một dân tộc rất dũng cảm và yêu tự do, người S'tiêng luôn tỏ ra bất khuất với những kẻ thống trị". Người S'tiêng có truyền thống yêu nước nồng nàn, nhưng những truyền thống đó chỉ được lưu giữ qua các thế hệ của người S'tiêng như những sử thi về truyền thống oai hùng của dân tộc mình bằng hình thức truyền miệng bởi trong ngôn ngữ của người S'tiêng không có chữ viết. Và rồi ca khúc "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo" ra đời, được trình bày ở các chương trình nghệ thuật lớn, được cất lên ở những vùng tạm chiếm, trong chiến khu, từ miền núi cho đến đồng bằng, trong nước và cả ở những sân khấu lớn của quốc tế để mọi người biết đến một Sóc Bom Bo, ở đó có đồng bào S'tiêng đã từ lâu đi theo cách mạng, với lòng yêu nước và tinh thần bất khuất trong chống giặc ngoại xâm.

Bài hát đã vẽ lên bức tranh sống động về một không gian rộn rã mà hào hùng với hình ảnh người mẹ vừa giã gạo, vừa ru con, với nhịp đệm bằng tiếng chày, tiếng cối, với ánh lửa bập bùng và ánh trăng soi trên những đỉnh đồi, với sự luân phiên, liên tục thay nhau giã gạo của những chàng trai, cô gái trong tiếng cười vui, với lòng biết ơn bộ đội và niềm tin vào một ngày chiến thắng. "Cách mạng cần gạo nhiều để đánh Mỹ, Sóc Bom Bo sẵn có cối chày đây, người Bom Bo sẵn có đôi bàn tay, với tình yêu nước và thù giặc ngày ngày". Chỉ một đoạn ngắn trong bài hát đã thể hiện một cách sâu sắc về niềm tin của người S'tiêng với cách mạng, sẵn sàng làm tất cả những gì khi cách mạng cần. Từ những vật dụng lao động săn có, gần gũi như cối, chày tượng trưng cho tài sản, đến đôi bàn tay tượng trưng cho thể chất và tính mạng và trên hết là tình yêu nước và lòng căm thù giặc tượng trưng cho tinh thần, người S'tiêng sẵn sàng hiến dâng tất cả cho cách mạng, cho cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc ta. Có lẽ Xuân Hồng đã có những phút xuất thần để viết nên tiết tấu và ca từ của bài hát, nhưng chắc chắn rằng, phút xuất thần đó phải được tích lũy trong quá trình sống, chiến đấu, gần gũi để cảm nhận một cách sâu sắc về văn hóa, truyền thống, đời sống, tâm tư, tình cảm và lịch sử của một dân tộc, để chọn những chi tiết đắt giá nhất đưa vào tác phẩm của mình.

Kể từ khi ca khúc ra đời, cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người S'tiêng đã được ghi nhận về những đóng góp, sự hy sinh và những thành tích vẻ vang của mình. Từ đây trong các tác phẩm nghệ thuật của nước ta không chỉ có cô gái Pa Kô băng rừng, lội xuối dưới làn mưa bom, bão đạn để gùi lương thực và đạn dược ra vùng hỏa tiến cho bộ đội trong tác phẩm "Cô Gái Pa Kô" của nhạc sĩ Huy Thục; không chỉ có A Sanh người anh hùng của dân tộc Gia Rai trong tác phẩm "Người lái đò trên sông Pô Kô" lời của nhà thơ Mai Trang được nhạc sỹ Cầm  Phong phổ nhạc; không chỉ có Anh Hùng Núp, người Barna ở làng Công Hoa anh hùng trong tác phẩm "Đất Nước Đứng Lên" của Nhà văn Nguyên Ngọc; không chỉ có Tnú người con của dân tộc Dẻ Triêng ở làng Xô Man - Gia Lai trong tác phẩm "Rừng Xà Nu" của Nguyễn Trung Thành (một bút danh khác của nhà văn Nguyễn Ngọc); không chỉ có  em bé Cu Tai của dân tộc Tà Ôi ngay từ khi còn thơ đã phải nằm trên lưng mẹ đi tỉa lúa, trồng ngô và đi đánh trận trong tác phẩm "Khúc hát ru những em bé lớn lên trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm; mà còn có dân tộc S'tiêng ở Sóc Bom Bo anh hùng đã ngày đêm giã gạo nuôi quân phục vụ kháng chiến trong ca khúc "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo" của nhạc sỹ Xuân Hồng, một bản tuyên ngôn về lòng yêu nước của đồng bào S'tiêng.

Bản tuyên ngôn về lòng yêu nước của đồng bào S'tiêng, khi ra đời đã vượt không gian và thời gian, trở thành một bản hùng ca thôi thúc nhân dân khắp nơi đánh giặc. Đồng thời, bài hát đã khẳng định tầm vóc và vị trí của đồng bào S'tiêng trong lịch sử đấu tranh bảo vệ tổ quốc của nhân dân ta. Cùng với người Kinh, người Pa Kô, Người Bar Na, người Gia Rai, Người Dẻ Triêng, người Tà Ôi; lòng yêu nước và những hy sinh của người S'tiêng cho cách mạng đã tạo niềm tin cho cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi khi nghe ca khúc "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo" mọi người lại nhớ đến một vùng đất anh hùng, ở đó có dân tộc S'tiêng đã ngày đêm giã gạo nuôi quân phục vụ kháng chiến, góp phần vẻ vang vào công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, thống nhất đất nước của nhân dân ta.

Bản tuyên ngôn không chỉ là sự tuyên bố về lòng yêu nước và truyền thống bất khuất của đồng bào X'tiêng trong lịch sử và hiện tại mà còn là sự cổ vũ mạnh mẽ lòng yêu nước và là niềm tự hào của các thế hệ người X'tiêng. Sau khi tác phẩm ra đời, đồng bào X'tiêng tiếp tục có những thành tích nổi bật trong kháng chiến, nhiều người đã được nhà nước ta phong tặng những danh hiệu vinh dự cao quý như anh hùng lực lượng vũ trang Điểu Ong, dũng sĩ diệt Mỹ Điểu Lên và chính xã Bom Bo cũng đã được nhà nước ta phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Sau này, khi trở lại thăm Bom Bo, Xuân Hồng đã được đồng bào S'tiêng đón tiếp theo một nghi thức trang trọng nhất của dân tộc mình. Trong ngày gặp lại, già làng  của Sóc đã thay mặt đồng bào S'tiêng bày tỏ tình cảm với Ông như một sự tri ân sâu sắc khi nói rằng chính Ông là người làm cho nhân dân cả nước biết về người S'tiêng và truyền thống yêu nước bất khuất của người S'tiêng.

Ngày nay, Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S'tiêng Sóc Bom Bo đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 tại Sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Ở đó có một con đường mang tên Ông và bài hát "Tiếng chày trên Sóc Bom Bo" sẽ được dàn dựng, biểu diễn phục vụ du khách bởi những chàng trai, cô gái S'tiêng, để hình ảnh và tác phẩm của Ông sẽ sống mãi với đồng bào S'tiêng và Sóc Bom Bo anh hùng.

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Lương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước