03:09 ICT Thứ sáu, 03/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Nghề chế biến rượu cần của người S’tiêng

Thứ hai - 18/07/2011 16:14
Người S’tiêng ở Bình Phước được chia thành 2 nhóm chính: nhóm Bù lơ sinh sống ở vùng cao, ở nhà dài trệt, trống luá rẫy… nhóm Bù deh sống ở vùng thấp, ở nhà dài nhưng là nhà sàn, trồng luá nước… Ngoài việc lấy sản xuất nông nghiệp như trồng luá, ngô, vừng, bầu, bí, mướp…

Làm lương thực chính trong bữa ăn hàng ngày, cộng thêm các nguồn lương thực thực phẩm từ rừng như măng, nấm, đọt mây, lá bép, củ chụp… người S’tiêng còn làm thêm những nghề phụ như dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, đánh bắt cá và tiêu biểu là nghề chế biến rượu cần. Sản phẩm làm ra là để trao đổi và sử dụng hàng ngày.

Rượu cần đối với người S’tiêng không chỉ là thứ uống đơn thuần mà còn gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng. Trong sinh hoạt văn hoá đời thường, rượu cần gắn với nghi lễ vòng đời người như lễ đặt tên cho em bé(chơr r’un mơ săk kron), đám hỏi, đám cưới, đám tang…

Rượu cần của người S’tiêng có 2 loại: rượu cần đắng và rượu cần ngọt. Cả hai đều có tỷ lệ cồn thấp, mùi thơm nồng, tinh khiết, dễ uống. Để có được chất lượng ngon, nghệ nhân làm rượu phải trải qua nhiều công đoạn, theo một quy trình nhất định, đó là làm men và ủ rượu. Để có được men rượu cần đắng nghệ nhân phải vào rừng lấy vỏ cây Hmuôl, để có được mem rượu cần ngọt lấy vỏ cây Kraiđăng đem về băm nhỏ, phơi khô giã thành bột. Lấy gạo ngon ngâm nước cho gạo mềm, đem giã thành bột, sau đó cho bột vỏ cây Hmuôl hoặc vỏ cây Kraiđăng vào, cho thêm nước trộn đều. Với tỷ lệ 1 vỏ 4 hoặc 5 gạo, nắm thành viên tròn vừa lòng bàn tay, xếp vào nia phủ lá chuối ủ nơi kín gió từ 2 - 3 ngày, sau đó kiểm tra thấy bên ngoài viên men có một lớp phấn trắng, có mùi thơm là lên men đã thành công, tiếp tục lấy lá khô đốt nhẹ lớp phấn trắng ngoài viên men, lấy dây rừng xâu lại treo lên gác bếp, khoảng hơn 1 tháng là có thể sử dụng được.

Có thể nói men rượu là nguyên liệu rất quan trọng trong chế biến rượu cần, đòi hỏi người làm men phải có kinh nghiệm, tay nghề cao mới đảm bảo. Để cho ra sản phẩm cuối cùng thì nghệ nhân làm rượu phải trải qua một công đoạn không kém phần quan trọng đó là ủ rượu (làm cơm rượu). Để có được cơm rượu người ta dùng lá cây Prareng(ủ rượu cần đắng), lá cây Mól (cây chay người Việt dùng để ăn trầu), lá cây Krạ (ủ rượu cần ngọt) hái từ rừng về đem băm nhỏ, giã nát, lấy gạo trộn với lá theo tỷ lệ 2 kg lá 01 kg gạo bỏ vào ống nưá, đổ nước vào cho lên bếp lửa nấu thành cơm. Sau khi cơm chín đổ vào nia sạch, dàn đều cho cơm nguội, lấy men rượu cho vào cối giã thành bột lấy ra rắc lên cơm, trộn đều với tỷ lệ 01 viên men 01 kg gạo. Nếu nhiều men, rượu sẽ bị chua, nếu men ít sẽ không thành rượu.

Theo quan niệm của người S’tiêng, trong khi đổ cơm vào ché, nếu để cơm vương vãi ra ngoài, khi uống rượu thần Lé Lôn (vị thần dạy cho người S’tiêng làm rượu cần) sẽ phạt bằng cách làm cho người chế biến rượu bị ói mửa. Đây cũng chính là cách răn dạy để con người biết qúy trọng những gì do sức lao động chân chính mang lại.

Có thể nói rằng chế biến rượu cần của người S’tiêng ở Bình Phước là một nét văn hoá đặc sắc. Trải qua những biến cố lịch sử, người S’tiêng vẫn gìn giữ, lưu truyền được nét văn hoá riêng./.

Tác giả bài viết: Tô Huê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước