03:48 ICT Thứ sáu, 03/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động khác

Người M’nông ở Bình Phước

Thứ tư - 14/09/2011 09:06
Người M’nông ở Bình Phước

Người M’nông ở Bình Phước

Bình Phước là một tỉnh bán sơn - địa, cửa ngõ nối thông với Tây Nguyên và Thành phố Hồ Chí Minh, có trên 41 thành phần dân tộc. Dân tộc bản địa có người M’nông và người S’tiêng trong đó dân tộc M’nông có khoảng 8.599 người, cư trú trên 33 sóc chủ yếu vùng phía Đông Bắc thuộc hai huyện Bù Đăng và Phước Long.

Cho đến nay chưa có một tài liệu nghiên cứu khoa học nào có thể khẳng định người M’nông có thời gian cư trú trên vùng đất Bình Phước từ lúc nào. Nghiên cứu qua những kinh nghiệm sống, phong tục tập quán, ứng xử với tài nguyên thiên nhiên và môi trường sống, thì có thể thấy rằng người M’nông ở Bình Phước có lịch sử cư trú trên vùng đất Bình Phước từ lâu đời. Nhiều địa danh như núi Bà rá, sông Đák Quýt… đã đi vào truyền thuyết, truyện cổ tích… điều đó cũng cho chúng ta thấy rằng cư dân M’nông đã có lịch sử hình thành và phát triển ở vùng đất Nam Tây Nguyên hàng ngàn năm.

Người M’nông ở Bình Phước sống cộng cư thành các làng nhỏ có tên gọi đứng đầu là Bu hoặc Bon: Bu Lon, Bu Chap, Bu Xiết, Bu Lach…: Bon có Bon Đak Lang, Bon Đak La, Bon Đak Xuyên…  Người M’nông theo chế độ mẫu hệ, đàn ông sau khi kết hôn sẽ cư trú bên nhà vợ. Trong các Bon có khoảng từ năm đến mười ngôi nhà dài, những người sinh sống trong các Bon thường hay có mối quan hệ với nhau về cùng dòng họ. Cũng có Bon có từ hai đến năm dòng họ cùng sinh sống. Trong mỗi ngôi nhà dài có sự cộng cư từ ba đến năm gia đình nhỏ. Đứng đầu ngôi nhà dài là người phụ nữ lớn tuổi nhất - người có quyền lực lớn nhất trong mọi việc của gia đình. Đứng đầu các Bon, Bu là Kroanh bon tức là chủ làng. Chủ bon trên danh nghĩa là người chồng nhưng vợ ông ta mới là người đứng đằng sau quyết định mọi việc của Bon làng; từ xử phạt những ai vi phạm luật tục đến những việc đi săn bắn tập thể, phát rẫy, di dời Bu; Bon đến vị trí mới, các chuyện ghi nhớ gia phả roh yao của dòng họ, đến ma chay, tế lễ, cưới xin cũng là việc của Kroanh bon…

Người M’nông ở Bình Phước còn tổ chức liên làng để tạo sự tương trợ, giúp đỡ nhau khi gặp những điều khó khăn mà cấp độ giải quyết không còn là của một gia đình hay một Bon nữa như dịch bệnh, chiến tranh, nạn đói, thiên tai… Hoạt động kinh tế chủ yếu của họ là săn bắt, hái lượm. Để duy trì và phát triển sự sống, người M’nông trồng lúa rẫy chủ yếu là lúa tẻ, lúa nếp chỉ chiếm một diện tích nhỏ trên rẫy canh tác. Ngoài lúa người ta trồng thêm các lọai ngũ cốc như kê, bobo, bắp và các loại rau như bầu, bí, mướp, cà tím… các loại gia vị sả, gừng, ớt… để cải thiện và làm thức ăn hàng ngày, những cư dân này rất thích các món rau, thịt, cá, chim khai thác từ nguồn tự nhiên như: lá nhíp, lá nhao, đọt mây, cà đắng…

Gạo tẻ được chế biến thành cơm là lương thực hàng ngày của người M’nông ở Bình Phước. Thức ăn đi kèm trong các bữa cơm có canh bồi, canh thụt, thịt nướng, cá nướng, thịt xong khói, cá xong khói. Canh của người M’nông ở Bình Phước thường là loại canh thập tàng với nhiều loại rau, thịt, cá, tôm, cua, ốc và gia vị. Canh bồi là loại canh được nấu với nhiều nguyên liệu gồm lá nhao, bột gạo, cua, tôm, ốc. Phương thức chế biến canh bồi: gạo đem ngâm nước từ 20 - 30 phút vớt để ráo nước sau đó bỏ vào cối giã nhuyễn cùng lá nhao. Tôm, cua, ốc đem nấu chín. Khi nước đang sôi cho lá nhíp vào xoong lá nhíp chín tới thì cho bột gạo lá nhao vào quậy đều khỏi vón cục, nêm muối tuỳ khẩu vị sau đó bắc xuống ăn với cơm.

Canh thụt bao gồm các nguyên liệu như: cà đắng, lá nhíp non, nhíp già, lá mướp, hoặc trái mướp non, đọt mây đắng, lá ớt, cà bát… Thịt thú rừng, thịt động vật nuôi, cá… Canh thụt được nấu trong ống nứa loại bánh tẻ. Tất cả bỏ vào ống nứa đổ nước ngập dùng lá cây nút kín, dựng nghiêng ống canh bên bếp than, khi nấu phải xoay trở thường xuyên để ống nứa không bị cháy. Khi canh sôi dùng que gỗ, hoặc lồ ô thụt nhuyễn nguyên liệu sau đó nêm muối. Tiếp tục nấu và thụt khi nào canh có độ sền sệt thì bắc xuống đổ ra trái bầu, tô chén ăn với cơm.

Người M’nông ở Bình Phước còn có các món ăn đặc sản như đọt mây đắng nướng chấm muối ớt. Canh lá nhíp già giã nhuyễn nấu với phèo trâu, heo và phèo các loài thú rừng khác. Ngoài ra măng chua còn là món ăn ưa thích của cư dân này, măng hái từ rừng về làm sạch luộc chín sau đó đem muối chua với ớt. Măng chua muối đem giã nhuyễn với phèo cheo luộc hoặc thịt cheo nướng là món ăn đặc biệt trong lễ ăn cơm mới. Món canh thịt baba nấu với lá nhíp non và bột gạo giã nhuyễn cũng là là món ăn đặc sản hiếm có.

Ngày nay các nguồn lợi tự nhiên để chế biến món ăn đã trở nên khan hiếm vì thế mà người M’nông ở Bình Phước đã biết thay đổi một số nguyên liệu chế biến. Nhưng chế biến món ăn theo cách truyền thống thì vẫn được giữ nguyên. Để có nguyên liệu chế biến người M’nông có thể mua từ chợ như thịt, cá còn các loại rau như cà đắng, lá nhíp, măng lồ ô, nứa đã được trồng xen canh trên các nương rẫy.

Người M’nông ở Bình Phước thường ăn hai bữa chính và một bữa phụ. Hai bữa chính là ăn cơm lúc sáng sớm và bữa chiều, bữa trưa thường ăn cháo chua tại rẫy. Xưa kia người M’nông có thói quen ăn bốc, cơm và thức ăn thường được chia phần bỏ trong trái bầu khô, dùng lá cây bét bét đậy kín, ai đói lúc nào thì ăn lúc đó. Ngày nay tục ăn bốc còn thấy ở những người già, nhưng đa số đã ăn bằng muỗng có nơi ăn bằng đũa như người Kinh. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, cùng với sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người nhưng người M’nông ở Bình Phước vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống của họ.

Tác giả bài viết: Tô Huê

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: dân tộc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước