01:19 ICT Thứ tư, 25/12/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động khác

Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa Kh’mer ở Bình Phước

Thứ tư - 31/08/2011 16:18
Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa Kh’mer ở Bình Phước

Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa Kh’mer ở Bình Phước

Là cư dân nông nghiệp thuần phác, ít canh tác ruộng thấp cho nên mối quan hệ với thần linh có phần nào chưa hoàn toàn đồng nhất với cư dân xung quanh. Ngoài ông Tà - tượng trưng cho vài hòn đá, có vẻ tự nhiên, đặt trong một cái lều nhỏ nơi gốc cây… thì người Khmer ở Bình Phước tập trung tinh thần của mình vào ngôi chùa.

Chùa của người Khmer nói chung và người Khmer ở Bình Phước nói riêng chỉ thờ phật thích ca. Trong tâm trí của mọi người thì giới luật pháp luật… đều hội tụ về cửa chùa. Từ đó chùa chi phối tới mọi mặt của cuộc sống thế nhân. Người Khmer ở Bình Phước coi là tất yếu khi mọi sinh hoạt, nếp sống, lẽ sống, mọi mối quan hệ… đều được nảy sinh và quy định từ đạo Phật. Nhà sư tham gia trực tiếp về nhiều mặt vào đám cưới, đám tang, dựng nhà… người Khmer ở Bình Phước hầu như ai cũng là phật tử, họ được giáo dục đạo đức phật giáo ngay từ tuổi ấu thơ. Tới tuổi đi học thì cổng trường đầu tiên là cửa chùa.

Chùa là một trung tâm văn hóa gần như duy nhất, nổi nhất của phum sóc Khmer cổ truyền. Người đàn ông nào trước khi trưởng thành cũng đều phải trải qua một thời gian đi tu. Ở đó họ được học hỏi một phần về văn hóa. Chùa là nơi giáo dục toàn dân, là thư tàng cổ, là địa điểm gặp gỡ vui chơi của dân phum sóc trong các ngày lễ. Chùa của người Khmer ở Bình Phước được xây dựng trên một khu đất rộng, bằng phẳng, cao ráo, thuận tiện giao thông. Xung quanh có trồng nhiều cây lớn, loại cây luôn được quân tâm là Sao và Dầu vì chúng thích hợp với loại gỗ làm thuyền phục vụ lễ hội, đồng thời chúng còn như điềm báo hiệu về đất lành tươi tốt.

Cổng chùa được xây bằng gạch khá lớn, đặt gần đường cái nhằm báo hiệu đường vào cho khách hành hương. Tuy không giống như Tam quan chùa của người Việt nhưng cổng chùa của người Kh’mer ở Bình Phước được trang trí công phu với nhiều đề tài nên nó vẫn là một kiến trúc trọng tâm. Cổng và chùa đều quay mặt theo hướng Đông vì theo quan niệm của người Kh'me đó là hướng của thần thánh, hội tụ được nhiều sự linh thiêng, đồng thời rất mát mẻ.

 Chùa chính nằm ở trung tâm, được đắp nền cao với 2 hoặc 3 cấp cùng theo hình chữ nhật. Cấp chính là mặt thượng điện, cấp thứ 2 khá rộng. Bên trong được bố trí theo lối thờ dọc, bàn thờ ở đầu hồi nhìn về hướng Đông. Mái chùa khá phức tạp thường có 3 cấp, mỗi cấp 3 nếp tạo sự lô xô đầy nghệ thuật. Các đầu kìm của bờ mái thường vắt vẻo chiếc đuôi rắn, bờ dải với những cây cách đều là thân, các góc đao là đầu, mình con rắn, phản ánh ước vọng của con người hướng tới phật và cầu phúc… Ngoài ra chùa còn được chạm trổ và đắp nhiều hình trang trí với hoa lá, tiên chằn, các thần, cũng có khi là tích truyện với những nét chạm ở diềm mái đầy chất dân gian.

Trước khi xây dựng phải xin phép đấng bề trên có thuận cho xây dựng chùa nơi mình chọn, nếu được thì công việc với được tiến hành. Có khi một ngôi chùa phải qua nhiều lần cúng kiếng, “xin keo” mới được xây dựng, cũng có chùa phải xây dựng ở nơi xa các phum sóc. Có thể nói chùa của người Kh’mer ở Bình Phước là một công trình kiến trúc độc đáo, tiêu biểu cho giá trị văn hóa của người Kh’mer nói chung và người Kh’mer ở Bình Phước nói riêng./.

Tác giả bài viết: Tô Huê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước