Từ năm học 2017-2018, trường THPT Chu Văn An, huyện Chơn Thành là đơn vị tiên phong tại tỉnh Bình Phước, đã quyết định đưa bài quyền căn bản công 27 động tác của Võ cổ truyền để trở thành bài tập chính trong thể dục giữa giờ. Với bước đi này của nhà trường đã và đang sẽ tạo tiền đề để Võ cổ truyền chính thức bước chân vào học đường, vừa góp phần nâng cao thể chất cho học sinh vừa góp phần bảo tồn, phát triển võ học dân tộc Việt Nam.
Từ học kỳ 2 năm học 2017-2018 Ban giám hiệu Trường THPT Chu Văn An, đã phối hợp Câu lạc bộ Võ cổ truyền huyện Chơn Thành đưa võ cổ truyền vào trường học với bài quyền căn bản công 27 động tác, mở ra bước đi đầu tiên cho môn võ cổ truyền trong trường THPT. Bài quyền này được nhà trường đưa vào thể dục giữa giờ cho toàn thể gần 750 học sinh của 24 lớp trong 3 khối cùng tập, giúp các em vừa rèn luyện thể chất, sẵn sàng cho những giờ học tiếp theo, đồng thời khơi dậy trong các em lòng tự hào được tham gia tập luyện môn quốc võ. Được biết cơ sở pháp lý lớn nhất về việc đưa võ cổ truyền vào học đường là Công văn số 6311 của Văn phòng Chính phủ ký ngày 11/8/2015 về nội dung: triển khai tập thể dục buổi sáng, thể dục giữa giờ bài võ cổ truyền trong các trường phổ thông và Công văn số 4343 của Sở GD&ĐT tỉnh Bình Phước, ký ngày 01/11/2017 về việc tổ chức thành lập CLB thể thao, CLB Võ cổ truyền trong nhà trường. Theo đó đầu năm học 2018-2019, Trường THPT Chu Văn An, Chơn Thành cho thành lập Câu lạc bộ Võ cổ truyền, với 35 thành viên, tham gia tập luyện từ 14h-15h30 chủ nhật hàng tuần. Các thành viên của CLB đã và đang làm nòng cốt hỗ trợ trường phổ biến bài căn bản công 45 động tác. Câu lạc bộ Võ cổ truyền của nhà trường cũng đã có vận động viên đạt giải cao tại các giải Võ cổ truyền cấp tỉnh và khu vực, điển hình như vận động viên Huỳnh Kim Ngân đạt Huy chương bạc Giải trẻ và thiếu niên Võ cổ truyền toàn quốc năm 2018, Huy chương vàng môn Võ cổ truyền tại Đại hội Thể dục thể thao tỉnh Bình Phước năm 2018 và vận động viên Huỳnh Hải Đăng đạt Huy chương đồng Giải trẻ và thiếu niên Võ cổ truyền toàn quốc năm 2018, Hải Đăng, học sinh lớp 12E, trường THPT Chu Văn An chia sẻ: “được tập võ cổ truyền trong giờ thể dục giữa giờ để rèn luyện sức khỏe đã tạo cho mình rất nhiều kỹ năng, trở thành đam mê của chính bản thân em. Đây là 1 sân chơi lành mạnh cho các bạn, tạo cho các bạn 1 sân chơi sau những giờ học, giúp chúng ta đỡ mệt mỏi, căng thẳng và vui hơn, có động lực, sức khỏe để phấn đấu học tập tốt hơn”.Là một trong những người tiên phong trong công tác huấn luyện, phổ biến bài căn bản công 27 động tác trong trường THPT Chu Văn An, huấn luyện viên Bùi Minh Hoàng, Câu lạc bộ Võ cổ truyền huyện Chơn Thành cho biết: “khó khăn đầu tiên là do các em chưa tập luyện qua môn võ cổ truyền, chúng tôi đã giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của võ cổ truyền mà ông cha ta đã để lại từ ngàn đời, để các em dễ hiểu nhất về võ cổ truyền; sau đó đưa ra các phương pháp tập luyện cho các em tập theo một cách tốt nhất. Mục đích chính là để các em rèn luyện sức khỏe, mong muốn qua những giờ tập thể dục sẽ phát hiện, đào tạo ra những vận động viên có năng khiếu để tham gia các giải đấu thể thao, có thành tích tốt nhất để mang về cho trường”.
Thầy Nguyễn Văn Diễn, Phó Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An cho biết: “được sự hướng dẫn của Sở GD&ĐT tỉnh về việc khuyến khích các trường trong toàn tỉnh trong việc đưa bộ môn võ cổ truyền bài căn bản công 27 động tác vào tập thể dục giữa giờ và được sự hỗ trợ của CLB võ thuật cổ truyền huyện Chơn Thành thì đến nay các em học sinh được học 27 động tác cơ bản võ cổ truyền. Trong quá trình thực hiện thì chúng tôi nhận thấy các em học sinh rất là háo hức;các động tác thể dục giữa giờ của võ thuật cổ truyền làm cho các em nó uyển chuyển, tạo sự sinh động trong những buổi tập và tôn vinh võ thuật cổ truyền của Việt Nam”
Võ sư Cao Xuân Hùng, Phụ trách chuyên môn Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam tỉnh Bình Phước cho biết: “Sự nâng tầm của trường Chu Văn An đã góp phần thúc đẩy phong trào võ cổ truyền trong tỉnh phát triển, phát huy các giá trị nhân văn của môn Quốc võ. Thực tế qua các giải, đại hội thể dục thể thao cấp tỉnh, khu vực ; chính các lứa vận động viên trẻ giành huy chương đều trưởng thành từ các câu lạc bộ võ thuật cổ truyền học đường, trong đó nổi bật có các vận động viên trẻ của Chơn Thành”.
Với việc triển khai hiệu quả bài quyền căn bản công 27 động tác của Võ cổ truyền vào tập luyện để trở thành bài tập chính trong thể dục giữa giờ của trường THPT Chu Văn An huyện Chơn Thành đã và đang góp phần tạo hứng khởi cho học sinh trước khi bước vào tiết học mới, vừa góp phần nâng cao thể chất cho các em, đồng thời đẩy mạnh phong trào tập luyện Võ cổ truyền trong học đườngcũng là cách giới thiệu, quảng bá tốt nhất cho môn võ cổ truyền Việt Nam.
Tác giả bài viết: Đỗ Trình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn