03:12 ICT Thứ năm, 09/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động khác

Bình Phước, điểm cuối đường ống dẫn dầu trong cuộc khánh chiến chống mỹ, cứu nước

Thứ năm - 27/02/2014 16:39
Bình Phước, điểm cuối đường ống dẫn dầu trong cuộc khánh chiến chống mỹ, cứu nước

Bình Phước, điểm cuối đường ống dẫn dầu trong cuộc khánh chiến chống mỹ, cứu nước

Quá trình thành lập đường ống:

Sau Tết Mậu Thân 1968, không quân Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt các trọng điểm trên đường Trường Sơn. Việc đảm bảo xăng dầu cho tuyến vận tải chiến lược 559 vô cùng khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác vận chuyển trên toàn tuyến. Đứng trước tình hình đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng) và đồng chí Đinh Đức Thiện (Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần) đã kịp thời đề nghị Liên Xô viện trợ cho ta 200km đường ống dã chiến \phi100. Tháng 12 năm 1968, đường ống đã vươn dài từ Nghệ An vượt cửa khẩu Mụ Giạ trên đường 12 đến kho Na Tông trên đất Lào, tháng 3 năm 1969 vào đến kho Ka Vát, đảm bảo xăng dầu vững chắc cho tuyến vận tải phía Tây.

Đầu năm 1969 đến năm 1970, ta đưa đường ống vượt qua cửa khẩu đường 18 đến Bắc đường 9 tỉnh Sa Van Na Khệt - Lào (giữa năm 1974 ta bỏ cửa khẩu đường 18, di chuyển đường ống xuống cửa khẩu đường 16) tuyến ống này về sau kéo dài dọc các tỉnh Nam Lào, qua ngã ba Đông Dương và một phần trên đất Campuchia đến Bù Gia Mập - Đông Nam Bộ.

Năm 1973, ta khởi công xây dựng đường ống phía Đông dãy Trường Sơn nối với tuyến trục ở Quảng Bình, vượt sông Bến Hải, theo đường 14 qua phía Tây Thừa Thiên Huế, vượt Tây Nguyên nối với tuyến phía Tây ở khu vực ngã ba biên giới tại Plei Khốc. Như vậy, ta có tuyến đường ống xăng dầu liên hoàn, từ biên giới Việt - Trung (Lạng Sơn và Móng Cái) qua hậu phương miền Bắc tỏa đi các hướng chiến trường.

Tuyến đường ống dẫn xăng dầu được Bộ Tư lệnh Trường Sơn tổ chức triển khai xây dựng từ Long Đại (Quảng Nam) - khu vực tiếp giáp với hậu phương miền Bắc, kéo dài theo 2 tuyến đường Đông và Tây Trường Sơn đến Bù Gia Mập.

Ngày 27 tháng 1 năm 1974, Bộ Tư lệnh 559 thành lập Trung đoàn đường ống 537, do đồng chí Phạm Phúc làm trung đoàn trưởng, đồng chí Hồ Tấn Mạnh là Chính ủy. Trung đoàn 537 dựa trên cơ sở Trung đoàn 37 vận tải được tổ chức lại, quân số 1.300 - 1.400 cán bộ. Triển khai dọc theo đường chiến lược từ Bắc Sa Thầy (KonTum) đến Bù Gia Mập, với tuyến đường dài 310km, trong đó 282km tuyến dọc và 28km tuyến ngang và kho chứa chính, vượt qua 7 con sông lớn nhỏ: Sa Thầy, PôCô, Ialeo, Ia Đrăng, Suối Đôi, SêRêPốc, Đắc Đam, đi qua 3 tỉnh: KonTum, Plâycu, Đắc Lắc đến tỉnh Phước Long cũ (Bình Phước ngày nay).

Tháng 8 năm 1974, Thượng Đức (Quảng Nam) được giải phóng, Bộ Tư lệnh 559 mở ngay tuyến đường ống dẫn đầu vào chiến trường Nam Bộ. Khi chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu, lượng xăng dầu dự trữ cho chiến dịch đã đạt con số hơn 50 triệu lít. Ở B2 có 5 trạm tiếp nhận xăng dầu từ đường ống thì trên đất Bình Phước có 3 trạm với mật danh VK98 ở Lộc Quang - Lộc Ninh, VK99 ở Lộc Hòa - Lộc Ninh và VK96 ở Bù Gia Mập - Phước Long.Xăng dầu được bơm từ Bến Thủy (Vinh) vào tuyến đường ống, băng qua 115 trạm bơm đẩy với chiều dài 1.400km đến Bù Gia Mập, từ đây bằng các phương tiện cơ giới chở xăng dầu chuyển về chứa tại Lộc Ninh dọc theo các con đường từ Bù Đốp đến ngã ba Lộc Tấn. Tại đây, hai đơn vị có quy mô lớn nhất là tổng kho xăng dầu VK98 có 7 bồn chứa và VK99 có 10 bồn chứa.

Do sự biến động về tổ chức trong quá trình phát triển, hệ thống kho, trạm bơm trên toàn tuyến của Bộ đội Trường Sơn không thống nhất, một số ký hiệu kho đường ống trùng với các loại kho hàng hóa khác trên tuyến nên rất bất tiện cho theo dõi chỉ huy. Ngày 20 tháng 11 năm 1974, Cục Xăng dầu 559 chỉ thị đặt lại tên cho thống nhất. Từ đây, các kho được ký hiệu là Ô. Có từ Ô1 là kho đầu nguồn A13 cũ của Trung đoàn 671, kho cuối là Ô30 ở Bù Gia Mập.

Những giọt xăng, dầu đầu tiên đến Bình Phước:

Tháng 1 năm 1975 xăng tới Ô29 (tên cũ là K21 tại Bu Prăng), trên địa bàn B2. Sau khi xăng đến Ô29, Trung đoàn 537 trực tiếp chỉ đạo Tiểu đoàn 15 là đơn vị cuối của trung đoàn do đồng chí Đỗ Thiết Kế là Tiểu đoàn trưởng chỉ huy. Tiếp tục khẩn trương thi công tuyến sâu hơn vào chiến trường, tăng cường gia cố tuyến, kho, đường dây thông tin, bảo dưỡng xe máy, tổ chức tiếp nhận vật tư và phối hợp chặt chẽ với Đại đội 986 thi công tuyến từ kho Ô29 vào kho Ô30. Ngày 25 tháng 2 năm 1975 hoàn thành tuyến và kho Ô30, Trung đoàn tiến hành nghiệm thu, bàn giao từ Đại đội 986 cho Tiểu đoàn 15 quản lý, đồng thời Tiểu đoàn 15 tiến hành thử rửa, gia cố tuyến, kho và sau đó vận hành xăng. Đến 21 giờ 30 phút ngày 14 tháng 3 năm 1975, xăng tới Ô30 (Bù Gia Mập), đây là kho cuối cùng của tuyến. Liên tiếp 3 ngày sau đó, xăng đã được bơm đầy vào kho Ô29 và Ô30 kịp thời bảo đảm, cấp phát xăng cho các đơn vị trên các hướng chiến trường Đông Nam Bộ, bảo đảm cho các lực lượng cơ giới tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Để chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, tổ chức và thế trận xăng dầu của đoạn cuối đường ống dẫn xăng dầu như sau:

Trung đoàn 537 phụ trách tuyến Nam từ Ô23 (K16) đến Ô30 (Bù Gia Mập) và tuyến nhánh Ô28 (Đắc Đam) - Ô28B (Đức Lập).

Các điểm cấp phát lớn: Ô23B (nam Pô Cô), Ô25 (nam đường 19), Ô28 (Đắc Đam), Ô28B (Đức Lập), Ô29 ( Bu Prăng), Ô30 (Bù Gia Mập).

Từ Ô29 đến Ô30 (Bu Prăng - Bù Gia Mập) thì đoạn cuối đường ống dẫn xăng dầu có chiều dài là 28km. Trữ lượng tại Ô30 (Bù Gia Mập) là 725m3, chất liệu bồn bằng sắt.

 

 

Từ bí mật đến thắng lợi:

Khi xăng dầu được đưa vào đến Bù Gia Mập, Từ đây, nguồn xăng dầu được chở bằng xe bồn đến các kho xăng dầu lớn ở Lộc Hòa (VK99), Lộc Quang (VK98) (huyện Lộc Ninh - tỉnh Bình Phước). Việc xây dựng tổng kho và vận chuyển xăng dầu về đây trong thời kỳ chiến tranh được giữ gìn tuyệt đối bí mật (những người dân sống xung quanh không biết) đã là một kỳ tích trong chiến tranh. Đây là một công trình quân sự được xây dựng rất công phu, bí mật, hằng ngày xăng, dầu được “bơm vào” đường ống từ miền Bắc, chảy liên tục qua các chiến trường vào đến Bù Gia Mập, và vận chuyển đến các kho ở Lộc Ninh chỉ cách “thủ phủ” của chính quyền Ngụy quyền hơn 100km.

Bồn xăng - Kho nhiên liệu VK98 được xây dựng năm 1974, nằm quanh ngọn đồi 117 (tên một điểm cao trong bản đồ quân sự), xã Lộc Quang với diện tích 10ha, gồm 7 bồn có sức chứa 250.000 lít/bồn và tổng kho VK98 có trữ lượng là 1.750.000 lít. Các bồn chứa xăng dầu được hàn bằng thép, mỗi bồn có đường kính 10m, cao 3,5m và cách nhau 100m theo hình tam giác, được chôn dưới lòng đất và bao bọc bởi các loại cây rừng có bố trí bãi chông dày đặc. Các bồn chứa được nối với nhau bằng đường ống dẫn, xe đến lấy xăng không phải dùng máy hút mà chỉ cần mở van tự chảy. Tại đây luôn có một đại đội vận chuyển gồm 30 chiếc xe bồn (xe xitéc), ngày đêm vận chuyển xăng, dầu ra chiến trường.

Như vậy, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, bộ máy đảm bảo xăng dầu của bộ đội đường ống Trường Sơn đã hoàn thành xuất sắc sứ mạng lịch sử của mình, thể hiện ý chí, nghị lực tinh thần dũng cảm và sáng tạo phi thường của dân tộc Việt Nam.

Điểm cuối đường ống dẫn xăng dầu chính là nơi ghi dấu những chiến công to lớn và thầm lặng của bộ đội ta, bộ đội xăng dầu, thanh niên xung kích, quân dân địa phương... trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, là minh chứng cho một trong những huyền thoại của con đường Trường Sơn lịch sử, đó là hệ thống đường ống dẫn xăng dầu Trường Sơn, là một trong những kỳ tích của Đoàn 559. Đây là một trong 3 hệ thống chủ lực của đường mòn chiến lược Hồ Chí Minh, thể hiện cho tinh thần quật cường, ý trí sắt đá của quân và dân ta trong cuộc khánh chiến chống Mỹ cứu nước.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trong đó, hệ thống tuyến đường ống dẫn xăng dầu - đường Trường Sơn là hiện thân của ý chí sắt đá, thể hiện ý chí quyết thắng, lòng dũng cảm, khát vọng độc lập, quyết tâm giải phóng miền Nam, thu non sông về một mối của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, là biểu hiện sáng ngời của tình đoàn kết chiến đấu thủy chung giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia. Tuyến đường Trường Sơn đã tồn tại trong lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước như một huyền thoại với cái tên “Đường mòn Hồ Chí Minh”. Hệ thống tuyến đường ống dẫn xăng dầu - đường Trường Sơn, con đường nối liền Nam - Bắc gắn với bao chiến công hào hùng của toàn dân tộc trong những năm tháng kháng chiến mãi mãi là niềm tự hào to lớn, cổ vũ, động viên toàn quân, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta ngày nay.

Tác giả bài viết: Ban Quản lý di tích

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước