05:18 ICT Thứ tư, 13/11/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Những giá trị văn hóa của dân tộc S’tiêng ở Bình Phước cần được gìn giữ và phát huy

Thứ ba - 19/07/2011 10:30
Những giá trị văn hóa của dân tộc S’tiêng ở Bình Phước cần được gìn giữ và phát huy

Những giá trị văn hóa của dân tộc S’tiêng ở Bình Phước cần được gìn giữ và phát huy

Cũng như các dân tộc khác ở Bình Phước, người S’tiêng có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống cần được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Những giá trị văn hóa của cộng đồng người phải được xác định bởi những giá trị vật chất và tinh thần, tính cách và truyền thống của cộng đồng, tộc người đó như: ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết; những giá trị văn hóa trong lễ hội, trong các làn điệu dân ca, trong quan hệ ứng xử, trong cách thức sử dụng âm nhạc…

Ở cộng đồng người S’tiêng các giá trị văn hóa này tồn tại qua thời gian và được lưu truyền từ đời này sang đời khác thông qua sự giáo dục của gia đình, dòng tộc và xã hội..

Bảo tồn bản sắc văn hóa của một cộng đồng, dân tộc chính là gìn giữ cái tôi của dân tộc đó. Một dân tộc bị mất văn hóa truyền thống thì sẽ không còn là chính mình nữa. Nhưng gìn giữ bản sắc văn hóa không có nghĩa là đóng cửa, thu mình, giữ nguyên những gì đã có trong truyền thống mà phải mở cửa giao lưu tiếp thu những cái hay, cái tinh túy, loại bỏ những hủ tục lạc hậu không còn phù hợp.

Trước hết là bảo tồn những giá trị văn hóa trong ngôn ngữ, tiếng nói, chữ viết của một dân tộc. Đó là giá trị văn hóa phi vật thể quan trọng nhất của một dân tộc. Ngôn ngữ đó gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của một tộc người. Do đó việc gìn giữ tiếng nói, chữ viết phải được đặt lên hàng đầu trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa của một dân tộc.

Những giá trị văn hóa trong lễ hội: Là một sinh hoạt văn hóa dân gian nguyên hợp mang tính cộng đồng cao trong đời sống của con người. Là cái mốc của một chu trình kết thúc và tái sinh, là cuộc đời thứ hai bên cạnh cuộc đời thật, là trạng thái thăng hoa từ đời sống thực tế. Chính vì vậy, việc gìn giữ những giá trị văn hóa trong lễ hội của một dân tộc trước hết là gìn giữ tình cảm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, thần linh với thần linh. Lễ hội của mỗi dân tộc không phải thể hiện ở quy mô tổ chức, sự sang trọng trong việc dùng các con vật hiến sinh (Trâu, Bò, Gà, Heo ...) mà lớn nhất là nội dung, ý nghĩa của lễ hội đó.

Nghi lễ cúng thần lúa của người S’tiêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gắn bó mật thiết giữa con người với hồn lúa, giữa con người với sông suối, con người với con người… Lễ này do một gia đình tổ chức, cho dù tốn kém đến đâu nhưng gia đình mời tất cả cộng đồng về dự hội ăn mừng được mùa lúa bội thu, đánh cồng chiêng mời tất cả các vị thần, các hồn lúa ở rẫy khác của cộng đồng về dự. Đây là những giá trị nhân văn sâu sắc trong việc tổ chức lễ hội cúng lúa của người S’tiêng.

Các làn điệu dân ca của dân tộc S’tiêng rất phong phú và đa dạng như: hát giao duyên, đối đáp… nó không chỉ thể hiện sự giao lưu văn hóa mà còn giúp con người hiểu nhau hơn, người làng này hiểu người làng khác. Giá trị văn hóa lớn nhất ở đây chính là những định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương mình, gìn giữ và phát huy những từ ngữ trong các làn điệu dân ca hàm chứa sâu sắc mối quan hệ trong gia đình, họ hàng, anh em, trong lao động sản xuất… để truyền dạy cho thế hệ sau.

Để thể hiện văn hóa, trình độ giáo dục, trình độ hiểu biết của dân tộc mình, người S’tiêng cũng có cách ứng xử khác nhau trong quan hệ gia đình - xã hội. Thể hiện qua cách gọi xưng tên, đặc biệt là giữa ông bà và con cháu, giữa con rể, con dâu và cha mẹ, vợ chồng với anh chị em, con dâu, con rể . Người S’tiêng thường lấy tên con đầu lòng để gọi tên cha mẹ của người nào đó. Ví dụ:  cha mẹ gọi con cái  mình đã có con thường lấy tên cháu đầu lòng để gọi tên con ruột con rể con dâu của mình. Đối với người khác làng, họ không gọi tên thật của người đó mà lấy tên con đầu lòng để gọi tên người đó, tức cha mẹ con A, B nào đó…. Ngoài ra người S’tiêng không gọi tên con rể, con dâu, anh rể, em rể, em dâu mà gọi tên là vợ chồng của con, anh chị em ruột của mình.

Cồng(goong), chiêng(ching) và nhạc cụ đặc sắc và tiêu biểu nhất trong các loại nhạc cụ của người S’tiêng. Không chỉ được xem là tài sản quan trọng vì nó có thể đem đi mua bán, trao đổi, làm của trong cưới hỏi, làm đồ vật trang trí trong gia đình…Ngoài ra còn có kèn bầu(m’buôt), sáo ống(dênh dut), đàn môi(N’tôn), sáo tiêu(ta lét)… những loại hình văn hóa này không chỉ thể hiện sự sáng tạo của một cộng đồng dân tộc, một giá trị độc đáo mà quan trọng hơn là ý nghĩa nhân văn khi sử dụng nó để làm phương tiện giao lưu giữa con người với con người, con người với thiên nhiên, con người với thần linh… trong khi tổ chức các hoạt động lễ hội.

Giá trị văn hóa trong ngành nghề truyền thống: Các sản phẩm đan lát và dệt thổ cẩm được xem là tài sản quý giá trong gia đình của người S’tiêng. Hai sản phẩm này do hai chủ thể tạo ra khác nhau. Sản phẩm đan lát do người đàn ông làm ra, còn sản phẩm dệt từ thổ cẩm do bàn tay khéo léo của người phụ nữ tạo ra. Giá trị văn hóa của 2 sản phẩm này ngoài thể hiện sự giàu sang của người sở hữu nó nhưng mặt khác nó còn phản ánh tâm tư tình cảm của người sản xuất ra nó qua cách trang trí hoa văn của cộng đồng cư dân ở vùng đó.

Người S’tiêng rất giỏi săn bắn, bẫy thú rừng, bắt cá. Họ có nhiều kinh nghiệm trong việc làm ra các loại bẫy thú như: bẫy bắt heo, nai rừng đến các lọai thú nhỏ như: nhím, chuột với nhiều loại bẫy khác nhau, từ bẫy cây đến bẫy bằng dây… ngoài ra họ còn đặt đơm để bắt cá, đặt ống bắt lươn. Ý nghĩa của lọai hoạt động văn hóa này ngoài việc tạo ra sản phẩm để phục vụ cuộc sống hàng ngày còn có thể làm sản phẩm trao đổi, mua bán. Đánh bắt không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đặc biệt hơn là khi sản phẩm kiếm được, người S’tiêng không phân biệt lớn, nhỏ, già, trẻ, sản phẩm kiếm được họ chia đều cho nhau, họ quan niệm sống như vậy để người trẻ được may mắn, mặt khác còn thể hiện tre già măng mọc(Têh vang chơ mloong rơ sư) tức là khi họ lớn lên họ biết kiếm ăn, khi mình không còn khả năng làm nữa thì họ cũng làm như vậy đối với mọi người.

Tộc người S’tiêng không phong phú, đa dạng ở một số cách chế biến thức ăn nhưng nó lại thể hiện giá trị nhân văn - bản sắc văn hóa. Để nấu được cơm lam, họ lựa chọn những ống lồ ô không già, không dày, không non quá, ống không bị thấm nước, đầu ống phải là hướng của gốc cây lồ ô. Vì họ cho rằng ống quá già thì cơm sẽ bị cháy, quá non thì cơm không khô, quá dày thì đựng gạo nếp quá ít, lâu chín, nếu ống thấm nước thì bị đen cơm và hôi khói. Đầu ống hướng gốc là hướng dương cho con người đang sống, còn nấu cho người chết thì đầu ống là hướng ngọn.

Giá trị văn hóa ở đây là khi nấu bằng ống lồ ô (canh thụt) không chỉ có được mùi vị đặc biệt từ ống lồ ô mà còn thể hiện sự chia đều. Đối với trường hợp thịt, cá quá ít để nấu, nếu chế biến riêng thì không đủ chia nhưng nấu trong ống cho chín rồi thụt kho nhuyễn thì ai cũng được thưởng thức mùi vị của miếng thịt, cá…điều này thể hiện sự gắn kết cộng đồng…

Ngoài ra còn rất nhiều những giá trị văn hóa đặc sắc khác trong cộng đồng cư dân S’tiêng  ở Bình Phước. Những giá trị văn hóa này là tài sản vô cùng quý giá mà chúng ta cần bảo tồn cho các thế hệ mai sau./.

Tác giả bài viết: Tô Huê

Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: giá trị, văn hóa

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước