08:09 ICT Thứ tư, 13/11/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Những nghi lễ trong hôn nhân của người M’nông

Thứ ba - 05/07/2011 14:51
Những nghi lễ trong hôn nhân của người M’nông

Những nghi lễ trong hôn nhân của người M’nông

M’nông là một dân tộc nhiều nhóm địa phương: M’nônggar, Chil, knênh, Dip, Bhiết, Pơrăng, Preh, Rlâm, Sitô, Budông, Bunor, Dihbri… có địa bàn cư trú chủ yếu ở phía nam Đắc Lắc, một bộ phận cư trú ở Tây Nguyên, Lâm Đồng và phía Bắc tỉnh Bình Phước.

Các nhóm M’nông đều có chung ngữ hệ, Môn Khmer. Cũng như nhiều dân tộc khác, trai gái M’nông sau khi trải qua lễ thành đinh thì được phép tìm hiểu “ bạn đời”. Sau khi được ông mối (N’dranh) xe duyên thì tiến hành kết hôn. Hôn nhân của người M’nông trải qua một số nghi lễ sau:

Lễ dạm ngỏ (K’lup)”: Nhà trai sau khi chuẩn bị xong lễ vật thì ông mối cùng gia đình họ hàng nhà trai mang lễ vật tới nhà gái. Lễ vật gồm: hai ống nứa trong đựng măng chua và da trâu thái nhỏ, kèm theo một chiếc vòng bằng đồng hoặc bằng bạc. Nếu anh em trai bên họ mẹ cô gái đồng ý thì nhận lễ vật. Ông mối bàn bạc với nhà gái để tiến hành làm đám hỏi. Nếu nhà gái không chấp thuận gả con gái thì sẽ trao cho ông mối một ché gạo trắng.

Lễ hỏi ( N’drôi hay Wăng N’drôi)”: Sau lễ dạm ngỏ (K’lúp) sáu tháng hoặc một năm thì tiến hành lễ hỏi. Để tiến hành lễ hỏi nhà trai phải chuẩn bị cho “cô dâu” các vật cần thiết: Một chiếc lược bằng sừng, một chiếc vòng tay, một chuỗi hạt cườm, một chiếc gùi đựng từ 20 ống đến 30 ống măng chua và da trâu muối (sacăm), một ché nhỏ(Yăng đăm), một con heo khoảng 20kg. Đến ngày ấn định, nhà trai cử người cậu (N’dranh) và thanh niên trong họ mang lễ vật tới.

Lễ cam kết: Đây là phần quan trọng nhất của lễ hội. Người làm mối lấy máu heo chấm lên nơi thờ tổ tiên (Vĩ) của nhà gái, đồng thời hứa trước tổ tiên đằng gái là: Cháu ông ta sẽ yêu thương, chung thủy với cháu gái của họ suốt đời … Tiếp đến, hai bên ngồi lại bàn bạc những điều khoản theo hôn ước của người M’nông. Đây là một bản cam kết không thành văn mà sau này một trong hai người, cô dâu, chú rể vi phạm sẽ bị phạt, hình thức phạt tùy theo mức độ vi phạm. Đồng ý bản cam kết, ông mối bắt cô dâu, chú rể sờ vào vòng tín ước coi như là đã kí vào “bản đăng kí kết hôn”. Sau đám hỏi, cô dâu và chú rể có quyền cùng nhau đi chơi, đi rẫy nhưng cấm kỵ tuyệt đối không được chung đụng về mặt thể xác.

Đám cưới (Tam N’sao): Sau đám hỏi, nhà trai phải có sự chuẩn bị, tử 1 đến 2 năm sau đó mới làm lễ cưới. Trước khi bước vào lễ cưới, người làm mối tuyên bố hôn lễ, sau đó nhà gái giết trâu, người chủ hôn lấy máu trâu quét lên (Vĩ) nơi thờ tổ tiên của nhà gái, thông báo những người đã khuất rằng người cháu của họ lấy chồng, nhờ tổ tiên chứng giám, phù hộ cho cô dâu, chú rễ được hạnh phúc cho đến “răng long đầu bạc”.

Phần tiếp của buổi lễ, hai người cậu của cô dâu và chú rể đọc gia phả (Yao) của dòng họ hai bên để mọi người biết rằng việc tác hợp vợ chồng cho hai người cháu là hoàn toàn phù hợp nguyên tắc “ngoại tộc hôn”. Sau nghi lễ trên, cô dâu và chú rể vào phòng riêng (Nhih num) ngồi lên sạp gỗ, người nhà lấp một ché rượu cần (Yăng kih) cho cô dâu, chú rể và cha mẹ hai bên cùng uống. Lúc cô dâu, chú rể đang uống rượu, ông mối lấy tấm quầy trùm lên hai người, ai nhanh tay chụp lấy tấm quầy từ phía sau, người đó quyết định công việc của gia đình sau này.

Sau đó đến thủ tục ( Huech hao uynh Zranh) để biết sau này ai là người chết trước: người nhà thắp hai cây đèn sáp ong lên trên ché rượu, cô dâu, chú rể mỗi người uống một ly rượu. Khi hai người uống cạn ly thì ông mối tắt hai cây đèn, cây nào cháy nhiều hơn thì người ngồi phía cây đèn đó sẽ chết trước. Người M’nông làm vậy để biết ai sống lâu hơn thì phải có nghĩa vụ chăm sóc người kia nhiều hơn.

Sau nghi lễ trên, cô dâu, chú rể và ông mối ra phòng khách nơi mà các vị khách đang chờ đợi. Trước toàn thể họ hàng và quan khách, cô dâu và chú rể hứa sẽ yêu thương đùm bọc nhau suốt đời “có phúc cùng hưởng, có họa cùng chia”. Hết phần lễ là bước vào phần hội. Mọi người ăn uống, ca múa, nhảy hát chúc mừng cô dâu chú rể trong tiếng kồng, đàn gông, gơngreng, kèn guôc, ngok,...rộn ràng. Đám cưới kéo dài từ chập tối tới sáng sớm hôm sau.

Tác giả bài viết: Hồ Tiến Duật - Ban quản lý di tích

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước