14:00 ICT Thứ tư, 13/11/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Già làng Điểu Đố người giữ hồn văn hóa S’tiêng

Thứ ba - 09/05/2017 09:12
Ché của người S'tiêng

Ché của người S'tiêng

Trong Văn hóa của người S’tiêng, Cồng chiêng, tố, ché, xà lung là những báu vật quý. Trước đây, nhà nào có nhiều cồng chiêng, tố, ché, xà lung là người giàu có và có địa vị cao trong buôn sóc. Cùng với sự biến đổi của hình thức sản xuất lúa rẫy sang sản xuất các loại cây công nghiệp dài ngày, sự phát triển của đời sống, sự giao thoa văn hóa với các dân tộc khác nhiều lễ hội và phong tục tập quán truyền thống của người S’tiêng bị mất đi và không gian dành cho cồng chiêng, cho môi trường để tố, ché, xà lung phát huy giá trị cũng dần bị mai một.

Trong điều kiện như vậy, một già làng người S’tiêng đã giữ lại hơn 70 xà lung và tố quý trị giá hàng tỉ đồng, cùng với bộ chiêng hàng trăm tuổi trong căn nhà dài truyền thống với bếp lửa, kho lúa và chạn tre để ngủ đã vượt qua mọi giá trị vật chất đơn thuần tích lũy trong các hiện vật mà ông có được. Ông là già làng Điểu Đố ở Sóc Bù Môn, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng.

Già làng Điểu Đố nay đã ngoài 80 nhưng dáng người rất quắc thước và tinh thần còn rất minh mẫn. Trong những dịp có khách tham quan hoặc lễ hội ông vẫn đeo những trang sức quý của người S’tiêng như: ngà voi căng tai, chuỗi hạt cườm, dải băng đỏ buộc trên đầu, ông búi tóc bằng lông nhíp và trang điểm thêm bằng lông chim chèo bẻo, ông còn khoác lên mình chiếc áo thổ cẩm và đóng khố theo đúng truyền thống của người S’tiêng, ông đi chân không, khoác trên vai một cây xà gạt, tay cầm một cây lao, đôi khi là một cái nỏ và bao giờ con dao côi cũng được giắt bên hông. Trong trang phục truyền thống nhìn ông như một dũng sỹ của núi rừng. Hỏi ông đi ăn cưới hoặc dự lễ hội sao mặc cầu kỳ vậy, ông chỉ nói “cho nó đẹp”. Mà quả là đẹp thật, trong một không gian lễ hội hoặc đám cưới của người S’tiêng, nhiều người mặc trang phục như người kinh, một vài phụ nữ mặc váy, rất ít người đóng khố mà ông với đầy đủ trang phục và các vật dụng trang điểm theo đúng truyền thống của dân tộc mình ông trở nên khác lạ mà vô cùng rực rỡ. Người S’tiêng có phong tục mai mối trong cưới hỏi, ông thường hay được đồng bào mời làm ông mai để dựng vợ, gả chồng cho con, mà nhà nào mời được ông đến làm mai và dự tiệc trong trang phục như vậy thì tự hào lắm.

 

Chỉ một chút về trang phục để thấy ông yêu và bảo vệ văn hóa truyền thống của dân tộc mình như thế nào. Nhưng còn hơn thế, dù có những lúc khó khăn nhưng ông không bao giờ bán đi những cái xà lung hàng trăm năm tuổi, những chiếc tố rồng, tố có đắp nổi hình cóc trị giá hàng chục triệu đồng. Nhiều gia đình S’tiêng có nhiều rẫy điều, nhiều rẫy cao su trở nên giàu có, nhưng khi lấy vợ cho con, nhà gái đòi tố, xà lung quý không có phải tìm đến ông để mua nhưng ông cũng chỉ bán những loại thường còn loại quý ông nhất định không bán, đôi khi bán đi rồi hai nhà làm lễ xong mà nghe muốn bán lại thì ông tìm mua vì sợ tố, xà lung quý không còn trong cộng đồng của ông nữa. Nhiều thương lái người hoa, người kinh tìm mua trả giá cao ông nhất định không bán vì sợ họ sẽ mang đi mất mà sau này không mua lại được. Vậy ông giữ để làm gì, hỏi ông, ông chỉ nói truyền thống thì phải giữ thôi. Nhưng ông cũng băn khoăn rằng ông đã lớn tuổi, sau này con cháu sợ không giữ được vì nó không nghĩ giống mình. Ngay cả bộ chiêng quý, mấy năm trước ông còn mang ra để tập đánh chiêng cho lớp trẻ. Tập được vài năm thì tụi nó đi lấy vợ lấy chồng, lo làm ăn mà không còm mê chiêng nữa. Vả lại tập đánh chiêng mà không biết diễn ở đâu vì lễ hội bây giờ ít lắm, đám cưới, tiệc tùng thì không đánh chiêng vì người nghe chiêng chủ yếu là người già, người trẻ không biết đánh nên nghe không hay rồi từ từ không thích nghe nữa.

Ngay cả chỗ ngủ ông cũng giữ nguyên như từ xưa tới giờ. Nhà ông giờ dâu, rể con cháu nhiều, đều đã ra riêng, làm nhà xây giống người kinh. Ông cũng cất một căn nhà gỗ để ở nhưng tối ngủ ông lại ngủ ở cái nhà dài từ thời cha ông làm đến giờ, đã thay bao nhiều lần mái tranh, thay bao nhiêu lần tấm vánh nhưng cái cột, cái bồ lúa, cái kèo trong nhà thì vẫn vậy, ở  đó nó  chất chứa cài hồn văn hóa của dân tộc ông. Căn nhà với bếp lửa chính để nấu ăn và một bếp lửa phụ để sưởi ấm dưới chân khi ngủ, có tấm vạt tre dài suốt căn nhà mà nhiều người có thể cùng ngủ chung, có cây lao, cái nỏ, cái chà gạt, cái gùi, ở đó có tất cả những cái sừng trâu của những con trâu mà ông đã ăn để cúng thần linh và mừng lúa mới, đặc biệt có hơn 70 cái tố, xà lung quý mà ông đã giữ lại. Đêm đêm bên ánh lửa, ông nằm ngủ và mơ về tổ tiên, về những người cùng thời với ông, hồi tưởng lại những kỷ niệm gắn liền với những hiện vật xung quanh ông, về những lễ hội với rượu cần được ủ trong những chiếc tố quý, bên ánh lửa bập bùng và những bài chiêng, bài dân ca được cất lên cho đến khi say mềm mới thôi.

Nhưng ông vui, vì gần đây Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo được xây dựng, đã tổ chức các hoạt động để bảo tồn văn hóa cồng chiêng và nghệ thuật truyền thống của dân tộc ông. Khu Bảo tồn còn chọn nhà ông là điểm tham quan để giới thiệu cho du khách khi muốn tìm hiểu văn hóa của người S’tiêng. Du khách đến, ngắm nhìn, chụp ảnh và hỏi ông về từng hiện vật, ông say sưa kể dù cứ lặp đi, lặp lại như vậy nhưng ông tự hào vì giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ông đã có nhiều người quan tâm, tìm hiểu và chấp nhận trả phí chỉ để được một lần nhìn ngắm, sờ vào cái xà lung quý và chụp hình lưu niệm cùng với ông. Và ông tin văn hóa truyền thống của dân tộc ông sẽ được nhiều người biết đến, các thế hệ con cháu của ông sẽ tiếp tục giữ gìn và làm cho những hiện vật, những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ông ngày càng rực rỡ.

Tác giả bài viết: Nguyển Ngọc Lương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước