16:37 ICT Thứ năm, 02/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Ngày 27-7 – Ngày dành để tri ân

Thứ ba - 11/07/2017 14:31
Ngày 27-7 – Ngày dành để tri ân

Ngày 27-7 – Ngày dành để tri ân

Hằng năm, cứ vào tháng Bảy, chúng ta lại có dịp nhìn lại những việc đã và đang làm để đền ơn đáp nghĩa, tri ân những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Tháng Bảy, được gọi là tháng tri ân, tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh qua các cuộc kháng chiến bảo vệ tổ quốc.

Ngày 27-7-1947 được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm Ngày Thương binh toàn quốc (sau này được đổi là Ngày thương binh, liệt sĩ). Ngày này đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người phát huy truyền thống, đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”. Kỉ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 là cơ hội tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc; ngày để các thế hệ tuổi trẻ và nhân dân tham gia giúp đỡ, động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Thông qua các hoạt động đó để giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, trách nhiệm của tuổi trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Ngày 27/7 – Ngày dành để tri ân (Ảnh minh họa)

Vào dịp này, mỗi người dân Việt Nam lại vô cùng xúc động, tưởng nhớ đến các anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh, các mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh đã hi sinh xương máu của mình, tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc. Vì tổ quốc, vì nhân dân, rất nhiều người con của đất nước, trong đó có những người tuổi đời mới mười chín, đôi mươi đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường để lên đường đấu tranh vì độc lập, tự do và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Rất nhiều người đã hi sinh hay để lại một phần thân thể ở chiến trường vì lí tưởng cao đẹp, như anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm đã viết: “Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng …”.

Chúng ta nhớ về những ngày tháng đất nước còn trong khói lửa chiến tranh, trên đất nước luôn chỉ muốn hòa bình. Để giữ lấy nền độc lập thiêng liêng ấy của Tổ quốc, hàng triệu thanh niên Việt Nam với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, ra đi với tình yêu cho quê hương đất nước vô cùng mãnh liệt, thề “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”

Rời vòng tay yêu thương của gia đình, các anh – những người chiến sĩ mang trên vai gánh nặng non sông, từ giã những người thân yêu nhất của mình để ra tiền tuyến, nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết là vô cùng mong manh. Nhưng vượt lên tất cả, khi cuộc chiến không còn có thể nhân nhượng, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, toàn thể dân tộc Việt Nam đã đứng lên.

Vẫn biết chiến tranh là có mất mát hy sinh, vết thương thịt da có thể lành lặn, nhưng vết thương trong lòng sẽ mãi còn với thời gian. Giờ đây, chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, nhưng mỗi tấc đất của quê hương đã chứa đựng tâm hồn và thể xác của các anh, để bây giờ chúng tôi, những người thanh niên Việt Nam được sống trong hòa bình, ấm no và hạnh phúc.

Hòa chung nổi niềm với tất cả người dân trong cả nước trong tháng 7 này, tập thể cán bộ, viên chức, nhân viên và người lao động của Trung tâm văn hóa tỉnh hôm nay tưởng nhớ đến những người đã khuất, đã bị thương trong các cuộc kháng chiến bằng lòng biết ơn, sự kính trọng sâu sắc; xin được bày tỏ lòng biết ơn tới những anh hùng liệt sỹ, các mẹ Việt Nam anh hùng, thương bệnh binh đã hi sinh tuổi xuân của mình cho tổ quốc, đồng thời bày tỏ sự sẻ chia đối với các gia đình liệt sỹ còn chưa tìm được hài cốt con em mình.

Những tấm gương anh hùng, liệt sĩ trẻ tuổi như: Nguyễn Văn Trỗi, Lý Tự Trọng, Nguyễn Viết Xuân, Hoàng Lộc, Bùi Ngọc Dương, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… càng làm cho nhận thức của mỗi đoàn viên, thanh niên Trung tâm văn hóa tỉnh thêm sâu sắc, đầy đủ, nhắc nhở phải biết sống và hành động anh dũng như các thế hệ thanh niên một thời. Tập thể cán bộ, viên chức, nhân viên và người lao động của Trung tâm văn hóa tỉnh luôn coi đây là cơ hội để thể hiện những hành động tri ân, trau dồi mình sao cho xứng đáng với truyền thống các thế hệ cha anh đi trước, quyết tâm tự rèn luyện bản thân sao cho xứng đáng với thế hệ cha anh theo 5 tiêu chí: Bản lĩnh vững vàng; Thanh lịch văn minh; Tri thức phong phú; Sức khoẻ dồi dào; Kĩ năng thành thạo và 6 giá trị cốt lõi: Trung thành; Sáng tạo; Khát vọng; Dấn thân; Tôn trọng và Trách nhiệm.

Phát huy các giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, tháng Bảy về, nhắc nhở mỗi chúng ta phải có trách nhiệm lớn lao trong công tác đền ơn đáp nghĩa nói riêng, trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp văn hóa dân tộc nói chung.

Tác giả bài viết: Trang Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước