Bù Ðốp mở đường du lịch sinh thái
Khu du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện Cần Đơn hiện còn hoang sơ với những khu rừng đặc dụng và rừng trồng bán ngập trên lòng hồ. Lòng hồ thủy điện Cần Đơn là nơi hợp lưu giữa hai dòng sông Đắk Quýt và Sông Bé tạo nên cảnh quan thiên nhiên hết sức thơ mộng được thiên nhiên phối cảnh từ rừng với sông nước. Du khách có thể thưởng thức những món ăn đặc sản từ các loài thủy sản mang tính đặc trưng, chỉ có riêng ở sông Đắk Quýt như cá chình, cá lăng vàng, bống vàng. Phía trên bờ, du khách tha hồ thưởng ngoạn núi rừng cùng các loài thú hoang dã đã và đang hội tụ về đây sinh sống. Đặc biệt, khi du khách đi thuyền trên sông sẽ tận hưởng được vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với những ngôi nhà nổi trên sông hết sức thanh bình.
Bãi cầu sẽ được đầu tư xây dựng để phục vụ du khách tham quan khu du lịch sinh thái Bù Đốp
Ông Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bù Đốp cho biết: Hiện mỗi tuần có từ 2-3 đoàn khách, mỗi đoàn từ 30-70 người đến tham quan khu du lịch sinh thái này. Mặc dù đây là khu du lịch sinh thái đang còn nằm trong ý tưởng, chưa có đầu tư từ các chuyên gia làm du lịch nhưng du khách rất hài lòng mỗi khi dừng chân tham quan nơi đây.
Bí thư Huyện ủy Bù Đốp Hà Anh Dũng khẳng định, khu du lịch sinh thái trên sông Đắk Quýt nối liền với lòng hồ thủy điện Cần Đơn sẽ là nguồn thu mang tính bền vững của huyện Bù Đốp trong tương lai gần và cả tương lai xa. Bù Đốp đã và đang mời gọi các nhà làm du lịch đầu tư vào khu du lịch này để tạo đà phát triển cho ngành công nghiệp không khói của huyện. Về phía mình, Bù Đốp sẽ quy hoạch, đào tạo và tạo dựng những làng nghề truyền thống phục vụ du khách tham quan. Điểm nhấn của khu du lịch chính là người dân địa phương, đồng bào bản địa làm du lịch. Mỗi gia đình là một tuyên truyền viên đồng thời là chủ thể của khu du lịch. Bên cạnh đó, Bù Đốp sẽ quy hoạch những vườn cây ăn trái mang tính đặc hữu của huyện do chính người dân địa phương trồng để phục vụ du khách. Ngay cả trong rừng, Bù Đốp cũng phải trồng các loại cây ăn trái để mời gọi muông thú về đây trú ngụ nhằm phục vụ du khách và tạo tính đa dạng sinh học cho rừng phát triển bền vững.
Tác giả bài viết: VH,TT&DL
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn