05:44 ICT Thứ ba, 07/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Khôi phục Hội Chọi trâu Hớn Quản

Thứ tư - 03/08/2016 14:36
Bài 1: Tìm về nguồn cội

Bài 2: Phục dựng và duy trì bản sắc văn hóa truyền thống

Con trâu xuất hiện trong lễ hội dân gian với vai trò là vật tế lễ linh thiêng, đồng thời cũng phản ánh tín ngưỡng nông nghiệp của nông dân.Hằng năm, một số địa phương trong cả nước tổ chức lễ hội chọi trâu, quy mô lớn có thể kể đến lễ chọi trâu ở Đồ Sơn (Hải Phòng). Ở Bình Phước, những năm gần đây hội chọi trâu cũng được khôi phục nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc có từ xa xưa của người dân Hớn Quản nói riêng và nhân dân Bình Phước nói chung. Việc khôi phục lễ hội chọi trâu ở huyện Hớn Quản có ý nghĩa rất lớn, góp phần tuyên truyền, quảng bá văn hóa truyền thống của người dân bản địa.

Vùng đất Hớn Quản và các bậc tiền hiền

Thời khai hoang mở cõi, vùng đất Hớn Quản chỉ có một số tộc người S’tiêng, Mơnông, Khơme… sinh sống bên bờ suối, bìa rừng tạo thành những ấp, sóc. Trải qua hơn 300 năm, bắt đầu từ công cuộc khai phá của chúa Nguyễn từ thế kỷ XVII - XVIII, một bộ phận dân cư đến vùng đất Hớn Quản sinh sống và lập nghiệp. Nhóm cư dân đầu tiên di cư từ vùng đất Tân Khánh, nay thuộc phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên (Bình Dương), chủ yếu là những người nghèo khổ, không chịu nổi áp bức, bóc lột của giai cấp cường hào, địa chủ, sưu cao, thuế nặng của thực dân phong kiến nên đến Hớn Quản tìm kế sinh nhai.

Tại Hớn Quản, cư dân Tân Khánh khai hoang đắp đập và thành lập làng người Việt với hơn 10  hộ của 2 dòng họ, gồm: Họ Huỳnh do ông Huỳnh Công Phê và họ Trần do ông Trần Văn Bầu là những người có công đầu trong khai phá vùng đất Tân Khai ngày nay.

Tương truyền, ông Huỳnh Công Phê là người có chức sắc tại Tân Khánh và được nhân dân trong vùng gọi là ông Cả Phê. Trong một lần đi mua trâu bên Vương quốc Campuchia, qua vùng đất Tân Khai ngày nay, thấy đất đai màu mỡ, cây cối xanh tốt và chưa có cư dân sinh sống đông đúc; khi về, ông bàn chuyện và cùng ông Trần Văn Bầu lên vùng đất mới khai hoang, đắp đập ngăn nước làm nương rẫy. Để phục vụ công cuộc khai hoang, ông Huỳnh Công Phê đã đi khắp nơi, sang tận nước bạn Campuchia để lựa chọn những con trâu khỏe mạnh nhất mang về phục vụ sản xuất nông nghiệp. Về sau, nhiều gia đình ở Tân Khánh cũng theo 2 ông lên vùng đất này sinh cơ lập nghiệp và thành lập làng người Việt sống bên cạnh các sóc của đồng bào bản địa S’tiêng và Khơme...

Năm 1901, những người có chức sắc trong vùng vận động nhân dân đóng góp xây đình thần Tân Khai (ngày nay thuộc ấp 5, xã Tân Khai, huyện Hớn Quản) để thờ Thành hoàng Bổn Cảnh, ghi nhớ công ơn những người khai hoang lập làng, các bậc tiền hiền và cũng để nhớ về quê xưa làng cũ. Đình được xây dựng trên cơ sở văn hóa, phong tục, tập quán của nhân dân vùng Tân Khánh trong quá trình di cư lên Hớn Quản lập nghiệp. Đình thần Tân Khai còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân trong vùng, với mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng  bội thu. Hằng năm, tại đình diễn ra 2 lễ chính, gồm: Lễ Kỳ Yên ngày 18-3 âm lịch và lễ Cầu Bông ngày 18-8 âm lịch.

Quá trình phát hiện và chọn lựa trâu chọi

Người dân từ khắp nơi về Hớn Quản sinh sống ngày một đông. Vì vậy, phải phân chia thành 2 ấp, đất đai được chia làm 3 khu, gồm: Khu Đập Bàu Úm, Đập Ông (2 khu này hiện thuộc ấp 5, xã Tân Khai) và khu Cần Đâm (nay thuộc ấp 3, xã Tân Khai).

Đồng ruộng rộng lớn nên người dân rất cần đến sức kéo của trâu. Thời kỳ này, mỗi gia đình nuôi không dưới 10 con trâu, trong đó có một con trâu “cổ” (trâu đực to khỏe để gây giống). Trâu “cổ” ngoài nhiệm vụ cày bừa, gây giống còn có trách nhiệm là trâu đầu đàn. Kết thúc mùa vụ, ruộng đồng để trống, lúc này đàn trâu được thả tự do trên các cành đồng để dưỡng sức. Cũng từ đây, các con trâu “cổ” thuộc nhiều bầy, đàn lại mài sừng, đụng (chọi) nhau và đụng cho đến khi có một con thua cuộc bỏ chạy mới thôi. Mỗi cuộc đụng độ, trâu đầu đàn chúi hai sừng nhọn, cong vút đâm sâu xuống bùn, đất rồi hất tung lên và hành động này được lặp lại nhiều lần cho đến khi bắt đầu cuộc “tranh tài”. Tất cả trâu còn lại đứng dạt ra xung quanh. Trâu đầu đàn đụng nhau là để giành địa bàn và trâu cái. Những người lớn tuổi trong vùng kể lại, mỗi lần trâu “thi sức” cả trẻ nhỏ lẫn người lớn lại kéo đến xem và đồng thanh hô: “Lô lô cần lô, zô zô, lô lô cần lô” vang rộn để cổ vũ cho trâu đấu hăng say hơn. Về sau, do muốn thể hiện là người nuôi trâu giỏi và để khoe với các chủ trâu trong vùng về con trâu khỏe mạnh của mình nên các chủ trâu đã thách đố và tổ chức chọi trâu. Theo đó, mỗi hộ chọn ra 1 con trâu đực khỏe mạnh nhất trong đàn để dự thi. Và hội chọi trâu ở Hớn Quản bắt đầu từ đây.

Nhận thấy lễ hội chọi trâu có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Tân Khai, Ban trị sự đình thần Tân Khai cùng các chủ trâu quyết định hằng năm vào dịp lễ Cầu Bông, đình sẽ tổ chức hội chọi trâu. Hội diễn ra ngay sau khi lễ cúng thần Nông được hoàn tất vào sáng sớm 18-8 âm lịch hằng năm. Sau phần lễ, đợi nhang vừa tàn, đám trẻ con trong làng xô đẩy nhau để cướp lễ vật được cúng, nếu cướp được thịt sống sẽ đem ra đồng nướng cùng ăn mừng. Sau đó, cả người lớn và trẻ nhỏ cùng đổ về cánh đồng lớn nhất làng để xem và cổ vũ cho các cặp trâu chọi.

Đứng ra tổ chức hội chọi trâu là những người lớn tuổi, có uy tín trong làng cùng các chủ trâu lựa chọn trâu khỏe mạnh dự thi. Trâu được chủ mài sừng trước khi đem đi thi đấu. Trọng tài là người lớn tuổi, có uy tín và được mọi người trong làng tôn trọng. Phần thưởng cuộc thi chỉ đơn giản là một con gà, ít thịt heo sống do bên có trâu chọi thua trả cho bên thắng. Không như một số địa phương khác, trâu thắng được đem đi làm thịt tế thần linh, đối với cư dân Tân Khai dù trâu thắng hay thua đều được giữ lại tiếp tục nuôi dưỡng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hội thi kết thúc, các đội dẫn trâu về làng cùng tổ chức ăn mừng và cầu chúc mùa màng sắp tới được bội thu.

Có thể khẳng định, hội chọi trâu ở Hớn Quản đã có từ lâu đời, tuy chỉ giữa các làng trong vùng với nhau nhưng lễ hội trong tâm thức nhân dân nơi đây là một nét sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật truyền thống phản ánh cuộc sống vật chất và tâm linh của một cộng đồng trong quá khứ. Vì vậy, lễ hội chọi trâu ở Hớn Quản rất cần được nghiên cứu, bảo tồn và phát huy.

Tác giả bài viết: Nguyễn Diên

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước