Ảnh đại diện
Cùng với cây đàn tính, hát then là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Tày, Nùng ở Cao Bằng. Khi những âm thanh trầm bổng, mượt mà của cây đàn cùng điệu hát then ngọt ngào, sâu lắng cất lên, có thể khiến chim ngừng bay, vượn ngừng hót để lắng nghe. Từ nhiều năm nay, cây đàn tính và điệu hát then theo bước chân của đồng bào Tày, Nùng đang ngày càng phát triển ở khắp nơi của huyện Đồng Phú. Để văn hóa hát then được lưu giữ, không thể không kể đến sự đóng góp của những cá nhân, mặc dù có những người tuổi đã cao nhưng luôn đam mê, luôn cống hiến hết mình cho nghệ thuật đàn then, hát tính.
Chúng tôi đến ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi để tìm người phụ nữ dân tộc Nùng Hoàng Thị Oanh , 64 tuổi, người được mệnh danh là có “giọng hát then trầm bổng”. Mặc dù ngôi nhà bà Oanh nằm sâu trong con đường mòn nhưng chúng tôi tìm dễ dàng tìm đến. Bởi khi nghe hỏi thăm “Nhà bà Oanh hát then hay nhất” ở đâu, thì ai cũng biết, kể cả những đứa trẻ mới 6 - 7 tuổi.
Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, ngay phòng khách là 2 cây đàn tính treo ngay ngắn trên tường, một chiếc tivi và những bài hát bà Oanh sáng tác trên những tờ giấy A4 khổ lớn, được treo trong nhà.
Bà Oanh chia sẻ: “Biết hát then từ khi mới 7,8 tuổi, lúc đó còn ở Cao Bằng. Tôi hát theo các anh, chị, ông bà, rồi học đàn tính. Đến tuổi trăng tròn thì hát then đã ngấm vào máu tôi mất rồi|”. Với người Tày, Nùng, bất kể cô gái, chàng trai nào cũng phải biết hát then, bởi họ yêu nhau không phải qua lời nói, ánh mắt mà chính là làn điệu hát then. Điều này cũng có nghĩa nếu con trai, con gái Tày, Nùng đến tuổi trưởng thành không biết hát then thì không biết đến khi nào mới có được bạn đời.
Theo bà Oanh, hát then là một loại nghệ thuật tổng hợp vừa có lời, vừa có nhạc, hóa trang và có biểu diễn. Hát then có mặt trong mọi hoạt động của đồng bào Tày, Nùng như: cầu mùa, hội làng, mừng năm mới, ngày cưới… thậm chí trong cả những lúc buồn. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, lời ca, điệu múa và âm nhạc hòa quyện lại, tạo cho người nghe những cung bậc cảm xúc với sức lôi cuốn cao.
Không chỉ có giọng hát làm say lòng người, mà bà Oanh còn đam mê, sáng tác thêm những bài hát then. Hễ có một sự kiện đặc biệt nào gắn liền với nơi bà đang sinh sống, bà viết nhạc ngay. “Tôi mê hát nên muốn tự sáng tác. Tôi sáng tác chỉ được vài bài, cũng không có chuyên môn để sáng tác, nhưng nghĩ ra được lời hay điệu nhạc nào hay là tôi viết lại liền”. Thường ngày bà vẫn đem cây đàn tính giản dị, lặng lẽ đi khắp bản trên, xóm dưới hát cho mọi người nghe trong những ngày mừng nhà mới, sinh nhật, cầu an... Đến nay, bà Oanh đã tham gia không biết bao nhiêu cuộc thi âm nhạc, các hội diễn văn nghệ do huyện, tỉnh tổ chức, vừa được thỏa niềm đam mê, vừa giữ gìn và giới thiệu được nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Xã Tân Lợi có nhiều người Tày, Nùng nhưng hiện nay người biết chơi đàn tính và hát then rất ít, bà Oanh luôn trăn trở thực trạng lớp trẻ bây giờ không thích chơi đàn tính, hát điệu then. Vì vậy, ngoài thời gian làm vườn rẫy, mỗi khi có ai ngỏ ý muốn học bà đều nhiệt tình để truyền dạỵ. Mỗi khi có dịp đi biểu diễn giao lưu, bà vận động các cháu tham gia để học hỏi. Bà chỉ mau sau này, khi mình già và chết đi, thì vẫn có nhiều người vẫn yêu điệu hát then và lưu truyền cho đến mãi về sau.
Không chỉ mê đàn then, hát tính, bà Oanh còn là một trong số ít người Nùng sinh sống ở Đồng Phú biết dệt và may quần áo truyền thống của dân tộc. Bà Oanh cho biết, trang phục Nùng không sặc sỡ như trang phục của một số dân tộc khác, trang phục phụ nữ Nùng chỉ duy nhất một sắc chàm với những đường nét đơn giản nhưng rất hài hòa được làm từ vải thô nhuộm và ít thêu thùa, còn gọi là áo dài người Nùng. Ngày trước khi còn ở Cao Bằng, bà Oanh tự trồng bông, dệt và nhuộm vải chàm để tự cắt may trang phục của dân tộc mình. Bây giờ tuy tuổi đã cao, bà Oanh vẫn có thể tự cắt may trang phục cho mình để mặc trong những dịp lễ hội, hội diễn. Đối với bà, đây là một cách lưu giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình.
Tác giả bài viết: Cẩm Nhung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn