09:35 ICT Thứ sáu, 26/04/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

“Đọc sách làm con người hạnh phúc”

Thứ hai - 18/05/2020 07:48
Ảnh đại diện

Ảnh đại diện

Gia đình của ba mẹ nhà văn, biên kịch Trương Huỳnh Như Trân (SN1982) tại hẻm 1048/16 Phú Riềng Đỏ, thành phố Đồng Xoài có một khu vườn đầy cây hoa và cỏ. Nơi này, ngoài có ba mẹ, còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm đẹp, là chất xúc tác quan trọng để Như Trân phát triển con đường mình chọn.

LÀM GIÀU TỪ SÁCH - GIẤC MỘNG KHÔNG VIỂN VÔNG

Trương Huỳnh Như Trân là cái tên quen thuộc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật tỉnh Bình Phước nhiều năm qua. Năm 1997, chị đoạt giải nhì cuộc thi sáng tác văn học Hoa phượng đỏ của Báo Bình Phước. Năm 2007, chị đoạt giải ba cuộc thi truyện ngắn của tỉnh (tác phẩm Thị xã đèn vàng). Năm 2011, chị tiếp tục đoạt giải ba cuộc thi sáng tác văn học của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Ngoài ra, chị còn được giới văn chương cả nước biết đến với giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Đan Mạch phối hợp Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức năm 2013 (truyện ngắn Đã muộn rồi se sẻ ơi!)... Mới đây nhất, cuốn “Khi quá buồn, hãy tưới nước cho một cái cây” của chị đã đoạt giải Sách hay năm 2018 ở lĩnh vực sách thiếu nhi.

Ảnh minh họa

Trương Huỳnh Như Trân tốt nghiệp khoa du lịch nhưng đã chọn con đường văn chương. Khi sống đủ lâu với nghề, chị nhận ra vì sao mọi người cho rằng nghề viết lách chỉ để “cho vui” và việc “làm giàu từ sách là giấc mộng viển vông của người cầm bút”. Nhà văn Như Trân lý giải: Kinh doanh sách mình luôn đặt ra câu hỏi tại sao sách bán chậm, bán không được? Phải chăng do mọi người luôn quan niệm rằng, văn chương nghệ thuật mang sứ mệnh cao cả nên không thể bán buôn? Hay “viết cho vui” thì làm sao bán được? Muốn bán được nhiều sách thì sách phải hay và được nhiều người biết. Vì vậy, người kinh doanh lẫn người viết phải thay đổi tư duy, vượt qua rào cản tâm lý để tìm đối tượng phục vụ, làm truyền thông cho sách mạnh hơn.

Hơn 1 năm trở lại đây, việc kinh doanh sách của chị và các cộng sự có sự chuyển biến tích cực. Những cuốn sách về kinh tế, tư duy, kỹ năng sống... có ảnh hưởng tích cực đến con người, bán rất chạy. Để nhiều người quan tâm đến sách, chị đã mở nhiều kênh thông tin tìm hiểu và nắm bắt thị hiếu, tâm lý, sở thích của độc giả nhằm quảng bá, giới thiệu sách đúng đối tượng cần. Nhà văn Như Trân cho biết: Nhiều tác giả ít quan tâm đến việc PR cho sách của mình, vì cho rằng mình viết, mình giới thiệu bán sách là không nên và có người còn nghĩ rằng đã là nhà văn thì không được “đi bán sách”... Tuy nhiên, tôi cho rằng sách là đứa con tinh thần của nhà văn, chỉ có “người mẹ” mới hiểu thấu đáo nội dung, thông điệp của tác phẩm nên khi giới thiệu sẽ thuyết phục độc giả hơn.

QUAY VỀ TUỔI THƠ KHI VIẾT SÁCH CHO THIẾU NHI

Khi có con, chị Như Trân đã dành rất nhiều thời gian để tìm sách cho con nhưng những đầu sách dành cho thiếu nhi dưới 10 tuổi rất ít. Từ nhu cầu chính đáng của con, chị đã viết và nhận ra, khi viết về đề tài này không cảm thấy cạn nguồn, không bế tắc mà lại tràn đầy sức sống. Những tác phẩm như “Khu rừng bánh kem”, “Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh”, “Chuyện ở rừng Vi Vu”, “Cùng Mi và Nô học lễ giáo”... được nhiều trẻ em yêu thích.

Em Lê Hà Anh, học sinh lớp 5/2 Trường tiểu học Tân Phú. TP. Đồng Xoài cho biết: Con thích đọc sách “Cuộc phiêu lưu của Bồ Công Anh” vì trong đó có các bạn Mũi To, Cắc Cớ, Nghiêm Nghị rất dễ thương. Các bạn suốt ngày được chơi và nói chuyện với cây cỏ, hoa lá, động vật. Câu chuyện của các bạn rất ly kỳ và hấp dẫn. Sách đọc rất dễ hiểu và thấy gần gũi.

Chị Như Trân cho biết: Khi viết cho thiếu nhi, tôi đi theo những suy nghĩ của con mình và những ký ức về tuổi thơ của bản thân. Tôi thấy mình may mắn vì có tuổi thơ giàu có về tâm hồn. Tuổi thơ tôi không cần tranh vẽ hoa cỏ, ong bướm hay bò bê... vì mọi thứ là đời thực có sẵn xung quanh.

Chị Ngô Minh Hiền, độc giả ở thành phố Đồng Xoài cho biết: Đọc sách của nhà văn Như Trân, tôi cảm nhận được viết cho thiếu nhi là cách để tác giả tìm cho mình chỗ nương náu trong cuộc sống bộn bề của người lớn. Tôi cho rằng, đó là sự lựa chọn thông minh bởi viết cho thiếu nhi cần tâm hồn trong trẻo, thơ ngây và nhiều cảm xúc. Đó là chất xúc tác quan trọng nuôi dưỡng tâm hồn con người. Nhưng đây cũng là con đường chông gai, ít người đi vì “chưa nắm, chưa viết đúng gu” với lứa tuổi này.

Tuổi thơ của nhà văn Trương Huỳnh Như Trân gắn liền với những miền quê nghèo, trong đó có Bình Phước, đặc biệt trong 2 tản văn “Khi quá buồn hãy tưới nước cho một cái cây” và “Những ngã tư không đèn đỏ”. Những hình ảnh tác giả đưa vào tác phẩm phản ánh cả một tuổi thơ vẹn nguyên với nồng nàn rơm rạ. Chính việc nuôi được những ký ức tươi đẹp đó qua thời gian đã là một thành công trên con đường mà chị lựa chọn. Tuy phía trước còn nhiều khó khăn nhưng chị tin rằng sách sẽ luôn là lựa chọn hạnh phúc của mình.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước