Hội thảo do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước và Tổng cục Du lịch phối hợp tổ chức. Đây là hội thảo xúc tiến đầu tư du lịch được tổ chức hàng năm của các tỉnh, thành Đông Nam Bộ. Lần đầu tổ chức tại tỉnh Tây Ninh, lần hai được tổ chức tại Bình Phước để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch của các tỉnh thành trong vùng. Hội thảo là cơ hội cho Bình Phước giới thiệu các tiềm năng, hợp tác phát triển du lịch và chính sách thu hút đầu tư đến các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đang tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Bình Phước nói riêng và Đông Nam Bộ nói chung.
Trước ngày hội thảo chính thức, các khách mời và nhà đầu tư được Ban tổ chức hội thảo đưa đi tham quan các dự án kêu gọi đầu tư du lịch của tỉnh như: dự án Khu di tích lịch sử và danh thắng núi Bà Rá, miếu Bà Rá, Lâm viên Mỹ Lệ và giới thiệu các dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh: Khu du lịch sinh thái vường quốc gia Bù Gia Mập, Khu vui chơi giải trí tổng hợp hồ suối Cam, Khu du lịch sinh thái - lịch sử Căn cứ Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam, Khu bảo tồn làng văn hóa các dân tộc thiểu số sóc Bom Bo và tiệc chiêu đãi, giao lưu văn nghệ buổi tối của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước với đại biểu đến tham dự.
Ngày hội thảo chính, đến dự và chủ trì có ông Nguyễn Huy Phong, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; ông Nguyễn Quốc Hưng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; ông Lê Văn Hùng, Phó Vụ trưởng - Phó Giám đốc phụ trách Cơ quan đại diện Bộ VHTTDL tại TP.HCM; ông Nguyễn Quang Toản, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bình Phước.
Đến với hội thảo có nhiều báo cáo tham luận của các nhà nghiên cứu về du lịch như PGS. TS Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng khoa du lịch và khách sạn trường đại học Kinh tế Quốc Dân, PGS. TS Trương Quốc Bình, chuyên viên cao cấp của Viện Văn hóa - Nghệ thuật… Chính sách phát triển du lịch của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành Đông Nam Bộ và doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và nội địa. Hội thảo có sự tham gia của các đoàn đại biểu quốc tế gồm: Đoàn đại biểu tỉnh Savanaket, Chămpasăk (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào); đoàn đại biểu tỉnh Kratie , Stungtreng (Vương quốc Campuchia), cùng các Tổng lãnh sự của Lào và Campuchia tại thành phố Hồ Chí Minh. Đến dự và đưa tin có khoảng 20 cơ quan thông tin và truyền thông trung ương, địa phương.
Trong buổi hội thảo tỉnh Bình Phước đã có báo cáo giới thiệu chính sách thu hút đầu tư nói chung và du lịch nói riêng của Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thanh Bình và các các tham luận của tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai cùng những chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch của thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp du lịch đang đầu tư tại Bình Phước. Điều đặc biệt, tại hội thảo có rất nhiều ý kiến của các nhà nghiên cứu và những nhà quản lý du lịch của tỉnh, thành Đông Nam Bộ đóng góp cho phát triển du lịch Bình Phước như: Bà Võ Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch tỉnh Đồng Nai chia sẻ: sóc Bom Bo là địa danh nổi tiếng cả nước. Nói đến Bình Phước thì nhiều người sẽ nghĩ đến Bom Bo, nghĩ đến một nét văn hoá của đồng bào dân tộc S’tiêng nơi đây. Nhưng bây giờ không còn những khung cảnh như trong bài hát “tiếng chày trên sóc Bom Bo”. Nếu không được đầu tư, một vài năm sau, Bom Bo sẽ mất đi thương hiệu của mình. Hay góp ý của TS Trịnh Xuân Dũng - Phó chánh Văn phòng Tổng cục Du lịch thì Bình Phước chưa có các sản phẩm khác biệt so với các tỉnh Đông Nam Bộ. Khi xây dựng cơ sở vật chất cho du lịch phải đào nguồn nhân lực cho tương xứng…
Tại buổi hội thảo thay mặt UBND tỉnh, ông Nguyễn Huy Phong - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 nhà đầu tư vào dự án du lịch, đó là Công ty Mỹ Lệ TNHH và Công ty Cổ phần truyền thông Sao Thế Giới.
Phát biểu kết luận tại hội thảo, tiến sỹ Nguyễn Quốc Hưng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đã tổng hợp ý kiến của các đại biểu tham dự và kết luận như sau: Du lịch Bình Phước cần được đầu tư các sản phẩm du lịch gắn với di tích lịch sử đó là nhà giao tế Lộc Ninh, Căn cứ quân ủy Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Sản
phẩm du lịch gắn với văn hóa dân tộc là sóc Bom Bo. Sản phẩm du lịch gắn với cây công nghiệp trồng trọt là hạt điều và cao su Phú Riềng. Sau hội thảo, ông hi vọng tất cả các dự án kêu gọi đầu tư hiện tại của tỉnh về du lịch trở thành hiện thực và hội thảo lần sau được tổ chức tại Bình Phước các dự án đó không còn là tiềm năng mà là các sản phẩm du lịch phục vụ khách tham quan./.
Tác giả bài viết: Văn Chung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn