Ảnh đại diện
“Bình Phước kháng chiến, kiến quốc 1954-1975” là chuyên đề triển lãm do UBND tỉnh Bình Phước phối hợp với Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức.Triển lãm diễn ra từ ngày 29/9/2020 đến ngày 10/10/2020 tại Di tích lịch sử quốc gia Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài. Đây là một trong những hoạt động chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng tỉnh Bình Phước, chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảnglần thứ XIII, nhằm giới thiệu tới công chúng về quá trình quân và dân Bình Phước anh dũng, kiên cường chiến đấu giải phóng quê hương.
Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Phước là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng. Mỹ - Ngụy đã thiết lập nhiều cứ điểm phòng thủ kiên cố như: An Lộc, Đồng Xoài, Phước Bình, Chơn Thành, Lộc Ninh. Do đó, giai đoạn 1954-1975, Bình Phước luôn là địa bàn trọng yếu, chiến trường “nóng bỏng” của cuộc chiến. Tuy vậy nhưng trong giai đoạn này quân vàdân Bình Phước đã lập nên nhiều chiến công vang dội, ghi dấu ấn vào trang sử dân tộc qua những địa danh như:căn cứ Bộ Chỉ huy Miền, thủ đô kháng chiến Lộc Ninh, chốt chặn Tàu Ô, An Lộc…
Thông qua những hình ảnh, tài liệu, bản đồ,... trưng bày tại triển lãm, công chúng có dịp tìm hiểu vềtruyền thống hào hùng của quân và dân Bình Phướctrong lịch sử đấu tranh cách mạng cũng như trong xây dựng và bảo vệ quê hương ngày nay.
Phần I của triển lãm là những hình ảnh, tư liệu, tài liệu, bản đồ…giới thiệu về quá trình đấu tranh xây dựng lực lượng của quân và dân Bình Phước, góp phần đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ - Diệm giai đoạn 1954-1963.
Ngược dòng lịch sử, năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết, nhưng với âm mưu ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản tại khu vực Đông Nam Á, chia cắt lâu dài đất nước ta, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm lên ngôi tổng thống, lập ra cái gọi là Việt Nam Cộng hòa,
Ngày 22-10-1956, Ngô Đình Diệm ký Sắc lệnh số 143-NV phân chia miền Nam thành 23 đơn vị hành chính gồm: Đô thành Sài Gòn và 22 tỉnh. Theo đó, vùng đất Bình Phước thuộc các tỉnh Bình Long, Phước Long và một phần tỉnh Phước Thành. Cùng bộ máy cai trị, Mỹ - Diệm thiết lập hệ thống dinh điền, ấp chiến lược, ấp tân sinh nhằm kìm kẹp, đàn áp nhân dân; tổ chức hệ thống đồn bót, phối trí lực lượng quân sự, an ninh hùng hậu hòng trấn áp phong trào của quần chúng, tiêu diệt lực lượng cách mạng Bình Phước.
Năm 1956, trên địa bàn miền Đông Nam bộ mà Bình Phước là một trong những trọng điểm, chính quyền Ngô Đình Diệm triển khai chiến dịch Trương Tấn Bửu, càn quét vào khu vực nông thôn và căn cứ cách mạng.
Đến năm 1959, Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59, lê máy chém trên toàn miền Nam,đàn áp khủng bố đẫm máu phong trào cách mạng miền Nam với mục đíchđặt “Cộng sản” ra ngoài vòng pháp luật,
Trong bối cảnh đó, tháng 1-1959, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2 ban hành Nghị quyết 15 bàn về vấn đề của cách mạng miền Nam. Nghị quyết 15 ra đời đã làm bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng nung nấu trong quần chúng nhân dân miền Nam.Ngày 17-01-1960, phong trào Đồng Khởi nổ ra tại Bến Tre và nhanh chóng lan rộng ra toàn Miền. Trong thời gian này quân và dân Bình Phước cùng toàn Miền đẩy mạnh tiến công vào các cơ sở của địch và tăng cường công tác diệt ác, phá kềm và đã đạt được những thắng lợi quan trọng.
Đồng chí Trần Tuệ Hiền - Phó Bí thư tỉnh Uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh củng các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham quan triển lãm
Ngày 19-5-1959, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đoàn 559 có nhiệm vụ soi đường, xây dựng tuyến chi viện chiến lược. Đến 30/10/1960, hành lang chi viện chiến lược Bắc – Nam đã thông suốt. Bình Phước trở thành đoạn cuối Đường mòn Hồ Chí Minh - nơi trực tiếp tiếp nhận sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.Giai đoạn này quân dân Bình Phước góp công đưa hàng triệu tấn hàng, hàng triệu chiến sĩ vào Nam cứu nước.
Các tài liệu của các cơ quan Trung ương và chính quyền Sài Gòn trưng bày tại triển lãm đãnhững minh chứng rõ nét cho sự đàn áp, kìm kẹp gắt gao của địch, nhưng cũng là chứng tích lịch sử oai hùng về những ngày tháng quân và dân Bình Phướcsôi nổi đấu tranh trong phong trào Đồng Khởi.
Phần II của triển lãm là những tài liệu, hình ảnh minh chứng cho những thời khắc ác liệt nhất, nhưng cũng hào hùng nhất của quân và dân Bình Phước đánh cho “Mỹ cút”, “Ngụy nhào”góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Năm 1964, trước sự lung lay củachế độ Sài Gòn, Mỹ đưa quân đội viễn chinh vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam. Trên địa bàn Bình Phước, quân viễn chinh Mỹ đóng đan xen, chốt giữ các vị trí xung yếu, hình thành các căn cứ quân sự lớn ở An Lộc, Bàu Bàng,….
Từ năm 1965-1972, quân và dân Bình Phước góp công cùng quân chủ lực Miền làm nên những chiến công vang dội như: Đồng Xoài rực lửa, Tàu Ô-Xóm Ruộng, An Lộc Bình Long…Những chiến thắng vang dội của quân và dân Bình Phước đã góp phần buộc đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973.Thất bại trong hàng loạt chiến lược, chiến thuật chiến tranh và buộc phải rút quân về nước, nhưngchưa từ bỏ âm mưu thôn tính miền Nam Việt Nam, Mỹ tiếp tục hậu thuẫn cho chính quyền Sài Gòn hòng phá hoại Hiệp định Paris. Trước thái độ ngoan cố của chính quyền Sài Gòn, quân và dân Bình Phước cùng với đồng bào Nam Bộ đẩy mạnh tiến công địch, xây dựng và bảo vệ “thủ đô kháng chiến”, giải phóng các địa bàn xung yếu, tiến lên giải phóng quê hương vào năm 1975.
Năm 1974, Bộ Tư lệnh Miền phát lệnh cho toàn thể các lực lượng vũ trang Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến lên trừng trị bọn Mỹ - Thiệu ngoan cố và hiếu chiến, giành quyền làm chủ về tay nhân dân.Thực hiện mệnh lệnh đó, Tỉnh ủy Bình Phước đã lãnh đạo quân dân đẩy mạnh tiến công, tiêu diệt địch.Ngày 14-12-1974 giải phóng Bù Đăng, 2-12-1974 giải phóng Đồng Xoài, 06-01-1975 giải phóng Phước Long.Và với chiến thắng Chơn Thành 02-4-1975 tỉnh Bình Phước hoàn toàn được giải phóng.
Tiếp nối truyền thống anh hùng, những ngày cuối tháng 4 lịch sử năm 1975, quân dân Bình Phước cùng đại quân tiến về Sài Gòn giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thức 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi.
Sau ngày giải phóng, hậu quả của chiến tranh để lại rất nặng nề trên quê hương.Quân dân Bình Phước đã vỡ đất khai hoang, khôi phục sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Ngày 01-1-1997, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Phước được tái lập.Qua 45 năm, đảng bộ Bình Phước đã có nhiều chủ trươngđúng đắn, quyết sách sáng tạo, lãnh đạo chính quyền và nhân dân xây dựng Bình Phước ngày một giàu đẹp và đã gặt hái được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Những hình ảnh, tài liệu trưng bày đãminh chứng cho các thành tựu mà Bình Phước đã đạt được trong 45 năm qua.Điều đó đã khẳng định quân và dân Bình Phước đã và đang phát huy chủ nghĩa anh hùng trong đấu tranh, chuyển thành chủ nghĩa anh hùng trong xây dựng và bảo vệ vững chắc quê hương Bình Phước ngày hôm nay./.
Tác giả bài viết: Tô Thị Huê
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn