08:46 ICT Thứ bảy, 27/04/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Người nhạc sĩ tâm huyết với dân ca S’tiêng

Thứ tư - 28/10/2020 10:59
Ảnh đại diện

Ảnh đại diện

Sau khi nghỉ hưu, nhạc sĩ Trần Cao Vân (giảng viên âm nhạc Trường đại học Quảng Nam) đã chọn Bình Phước làm “điểm dừng chân”. Tại đây, ông đã được nghe âm thanh của tiếng cồng chiêng, tiếng kèn bầu và làn điệu dân ca S’tiêng thôi thúc người nghệ sĩ viết nên những nhạc phẩm đặc sắc về tình đất và người Bình Phước.

Nguồn cảm hứng trên quê hương Bình Phước

Từ Quảng Nam vào Bình Phước chưa được nửa năm thì đến tháng 8-2019, nhạc sĩ Trần Cao Vân cho ra đời chùm ca khúc và hợp xướng về Bình Phước như: “Thổ cẩm S’tiêng”, dựa trên chất liệu dân ca S’tiêng; “Hành khúc lực lượng vũ trang Bình Phước”; “Yêu sao Hớn Quản quê em”. Đặc biệt, 2 tác phẩm hợp xướng 3 chương: “Bình Phước bản hùng ca” và đang viết tiếp hợp xướng “Bình Phước bất khuất tự hào” sẽ sớm ra mắt công chúng.

Nhạc sĩ Trần Cao Vân chia sẻ: Bình Phước là vùng đất có nhiều địa danh nổi tiếng trong thời kỳ kháng chiến, từng đi vào lịch sử dân tộc. Bên cạnh đó, còn có nét văn hóa và âm nhạc khá tiêu biểu của đồng bào S’tiêng và nhiều dân tộc thiểu số khác đang sinh sống trên địa bàn. Bình Phước rất đa dạng, phong phú về văn hóa các dân tộc anh em và đây là nguồn cảm hứng dồi dào cho các văn nghệ sĩ có thể chắp bút trong các sáng tác của mình.

Tâm huyết với âm nhạc dân tộc

Nhạc sĩ Trần Cao Vân, sinh năm 1959 tại Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Ông là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và là giảng viên âm nhạc Trường đại học Quảng Nam. Năm 1981, sau khi tốt nghiệp Trường âm nhạc Huế, Trần Cao Vân là Đội trưởng Đội thông tin văn nghệ Phòng Văn hóa thông tin huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 1986, Trần Cao Vân nhập ngũ và được điều về công tác tại Đoàn ca múa Quân khu V. Sau khi xuất ngũ, ông tiếp tục học đại học chuyên ngành lý luận âm nhạc. Đến năm 1999, ông về làm giảng viên Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Nam (nay là Đại học Quảng Nam), cho đến khi nghỉ hưu.

Thời gian làm công tác phong trào, Trần Cao Vân có dịp đi thực tế qua các tỉnh miền Trung để tìm hiểu về âm nhạc dân ca. Hiện ông đang lưu giữ hơn 30 bài dân ca Cơ Tu và nhiều tài liệu liên quan khác về âm nhạc dân tộc khu vực Trung bộ. Đam mê âm nhạc dân tộc từ nhỏ, từng theo học môn đàn bầu nên dù ở cương vị nào, Trần Cao Vân luôn quan tâm đến âm nhạc dân tộc. Vốn quý ấy đã được ông áp dụng vào thực tiễn trong giảng dạy và nhất là đưa chất liệu âm nhạc dân gian vào các sáng tác của mình. Trong thời gian làm giảng viên, nhạc sĩ Trần Cao Vân đã viết hơn 30 bài lý luận, quảng bá giới thiệu, nghiên cứu chuyên sâu về âm nhạc dân tộc, được đăng trên Tạp chí Khoa học và sáng tạo, Báo Giáo dục và thời đại, Tạp chí Đất Quảng. Về ca khúc, nhạc sĩ Trần Cao Vân đã sáng tác hơn 200 bài, trong đó đã phát hành 3 album với các chủ đề: “Lắng trong lời ru”; “Khát một vầng trăng” và “Lời ru đại ngàn”. Về phong cách âm nhạc, nhạc sĩ Trần Cao Vân đã dùng chất liệu dân ca Cơ Tu kết hợp với tính hiện đại tạo nên những sáng tác mới vừa lạ vừa quen. Người nghe dễ đồng cảm và thật khó quên.

Sự tâm huyết với âm nhạc dân tộc đã giúp nhạc sĩ Trần Cao Vân đạt được nhiều giải thưởng có giá trị như: “Mơ quê”, giải xuất sắc tại liên hoan Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2011; “Người đàn ông Cơ Tu”, giải xuất sắc năm 2012; “Trà My gọi”, giải A viết về Quảng Nam năm 2002; “Chiếc vòng K-Lim”, giải C cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số miền núi 2013; “Con ve gọi hè”, giải C cuộc thi sáng tác ca khúc về tuổi trẻ và nhà trường của Bộ GD&ĐT năm 2013... Với những cống hiến ấy, nhạc sĩ Trần Cao Vân được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn hóa nghệ thuật, kỷ niệm chương của Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Kỷ niệm chương Vì thế hệ trẻ.

Từ khi chuyển sinh hoạt vào Chi hội Âm nhạc Bình Phước, nhạc sĩ Trần Cao Vân tiếp tục hành trình trên vùng đất mới. Nhạc sĩ năng động, nhiệt huyết, phóng khoáng, tham gia hầu hết các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh. Nhạc sĩ đi thực tế sáng tác, kết nối với đồng nghiệp, tiếp cận và tìm hiểu cặn kẽ về dân ca S’tiêng. Ngoài sáng tác ca khúc, ông đã viết nhiều bài báo về chuyên ngành âm nhạc, được đăng trên Tạp chí Văn nghệ Bình Phước.

Luôn tâm huyết với âm nhạc dân tộc nên trong thời gian tới, nhạc sĩ Trần Cao Vân sẽ nghiên cứu sâu hơn về dân ca S’tiêng trên đất Bình Phước, để vừa có thêm vốn cho việc sáng tác ca khúc, nếu có điều kiện sẽ viết sách, báo, giới thiệu đến công chúng gần xa. Đó là những ấp ủ thật trân quý của nghệ sĩ, dù ở nơi đâu vẫn luôn hướng về cội nguồn dân tộc. Với nhạc sĩ Trần Cao Vân, dù Quảng Nam hay Bình Phước đều là những miền đất thân yêu, đã cho ông bao cung bậc cảm xúc về tình đất, tình người, để gắn bó và gửi gắm tình cảm của mình qua tác phẩm văn học nghệ thuật.

 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước