12:42 ICT Thứ hai, 29/04/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Sự cần thiết ứng dụng bảng chữ cái tiếng S’tiêng vào thực tiễn

Thứ hai - 21/08/2017 15:09
Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung

Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung

Ngôn ngữ là một thành tố trong văn hóa, đồng thời là một phương tiện bảo tồn và phát triển các thành tố văn hóa khác của dân tộc Việt Nam. Bảo tồn và phát huy tiếng Dân tộc thiểu số (DTTS) nói chung và tiếng S’tiêng trong điều kiện hiện nay không chỉ phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc mà còn là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước về chính sách dân tộc và giáo dục dân tộc.

Hiến pháp Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 nhấn mạnh: “Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, gìn giữ bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình”. Chỉ thị số 38/2004/CT/TTg ngày 09/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo tồn, phát triển tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số; Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/07/2010 của Chính phủ; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, đã khẳng định một trong những nguyên tắc cơ bản của công tác dân tộc là: “Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc”. “Tiếng nói, chữ viết và truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được đưa vào chương trình giảng dạy, trong các trường phổ thông, trường PTDTNT, bán trú, TTGDTX, Trung tâm học tập cộng đồng, Cao đẳng, Đại học phù hợp với địa bàn vùng dân tộc”.

Nghị định số 05/2011/NĐ-CP cũng đã nhấn mạnh: “Hỗ trợ việc giữ gìn và phát triển chữ viết của các dân tộc có chữ viết. Các dân tộc thiểu số có trách nhiệm gìn giữ văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình phù hợp với quy định của pháp luật”. Việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của các DTTS trong các cơ sở giáo dục đào tạo và công tác nghiên cứu, biên soạn các tài liệu liên quan đến ngôn ngữ, chữ viết của các DTTS được chú ý và được triển khai với kết quả khả quan.

 

2. Ở tỉnh Bình Phước, sau tiếng Việt, tiếng S’tiêng trở thành ngôn ngữ thứ hai với một số cán bộ, công chức, viên chức. Nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc, các lĩnh vực giao lưu bằng 2 hoặc 3 thứ tiếng ngày càng phổ biến. Việc dùng tiếng Việt và tiếng S’tiêng đã tạo điều kiện gắn kết giữa các dân tộc tại địa phương. Các hoạt động giao tiếp và trao đổi giữa người S’tiêng với các dân tộc ngày càng gắn bó qua lại. Song song với việc phát triển kinh tế – xã hội, việc dạy và học tiếng S’tiêng ở tỉnh Bình Phước được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Tuy nhiên, các tài liệu nghiên cứu, dạy – học tiếng S’tiêng rất ít. Vì vậy, việc lựa chọn bảng chữ cái tiếng S’tiêng để triển khai, ứng dụng vào thực tiễn không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với công tác giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trương của Đảng và Nhà nước mà còn góp phần quan trọng vào công tác bảo tồn, phát triển tiếng nói và chữ viết của người S’tiêng theo tinh thần Chỉ thị số 38/2004/CT/TTg ngày 09 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Có thể điểm qua các công trình tiêu biểu liên quan đến bộ chữ cái tiếng S’tiêng như sau: Năm 1887, giáo sĩ R.P.H. Azémar đã thu thập, xử lý ngữ liệu và xuất bản cuốn Dictionnaire Stieng. Phần từ điển đối chiếu S’tiêng – Pháp gồm 2.500 mục từ là tư liệu hết sức quý giá về ngôn ngữ S’tiêng vào cuối thế kỉ XIX. Tác giả R.P.HAzémar cho rằng tiếng S’tiêng có 52 phụ âmvà nguyên âm (20 phụ âm, 20 nguyên âm đơn và 12 nguyên âm đôi). Năm 1962, Ralph Haupers có bài viết đầu tiên về phụ âm cuối âm tiết tính của tiền âm tiết tiếng S’tiêng. Năm 1968, ông viết bài Stieng Phonemes (Các âm vị tiếng S’tiêng). Trong tập sách Nói tiếng Sơđiêng (Stieng PhraseBook) viết chung với Điểu Bi, tác giả có trình bày sơ lược hệ thống ngữ âm tiếng S’tiêng trong bảng chỉ dẫn cách phát âm (Pronunciation Guide). Năm 1991, ông Ralph Haupers và Bà Lorraine Haupers xuất bản cuốn Stieng-English Dictionary. Phần đầu cuốn từ điển tác giả có nêu khái quát hệ thống ngữ âm cũng như bảng chữ cái tiếng S’tiêng, hệ thống nguyên âm, phụ âm tiếng S’tiêng được phân chia 10 nguyên âm ngắn, 10 nguyên âm dài, 29 phụ âm.

Trên tinh thần của Chỉ thị số 38/2004/CT/TTg, UBND tỉnh Bình Phước đã ra Quyết định số 70/2007/QĐ-UBND, ngày 31/12/2007 cho phép biên soạn tài liệu dạy tiếng S’tiêng cho công chức. Theo tài liệu này, có 10 nguyên âm đơn, 3 nguyên âm ghép, 20 phụ âm đơn và 50 phụ âm ghép. Năm 2003, chữ viết S’tiêng và hệ thống từ vựng của tiếng S’tiêng trong công trình của nhóm Lê Khắc Cường với tiêu đề “Xây dựng hệ thống chữ viết tiếng S’tiêng  và biên soạn từ điển Việt – S’tiêng, từ điển S’tiêng – Việt”(dung lượng 12.000 từ). Năm 2012, tác giả Buôn Krông Tuyết Nhung và Văn Ngọc Sáng đã chuyển hóa công trình trên thành “Từ điển điện tử Việt – S’tiêng, S’tiêng – Việt”. Theo công trình này, tiếng S’tiêng gồm có 38 chữ cái để ghi phụ âm và nguyên âm (gồm 15 nguyên âm, 23 phụ âm và 2 phụ âm đôi).

Hệ thống bảng chữ cái của các công trình trên chủ yếu được các nhà nghiên cứu sử dụng để nghiên cứu chứ chưa được ứng dụng rộng rãi để biên soạn tài liệu dạy học tiếng S’tiêng trong thực tiễn. Trên tinh thần Quyết định số 601/QĐ-UBND ngày 21/3/2017 của UBND tỉnh Bình Phước về việc phê duyệt đề cương thực hiện đề tài khoa học và công nghệ “Xây dựng chương trình dạy tiếng S’tiêng cho học sinh ở bậc tiểu học tại tỉnh Bình Phước”, trên cơ sở tổng hợp, kế thừa hệ thống bảng chữ cái của các thời kỳ, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, nhân sĩ, trí thức, già làng có uy tín, trưởng thôn người dân tộc S’tiêng về bảng chữ cái tiếng S’tiêng để so sánh, đối chiếu sự tương đồng, khác biệt giữa hệ thống bảng chữ cái S’tiêng một cách khách quan, khoa học. Ngày 30/06/2017, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Phước đã tổ chức Hội thảo “Lựa chọn bảng chữ cái tiếng S’tiêng” nhằm công bố sự lựa chọn của người S’tiêng về Bảng chữ cái tiếng S’tiêng. Qua ý kiến của các nhà khoa học tại Hội thảo và ý kiến của cộng đồng, hệ thống Bảng chữ cái tiếng S’tiêng được đề xuất gồm 33 ký tự: 15 chữ cái ghi nguyên âm (a, ă, â, e, ě, ê, i, ǐ, o, ǒ, ô, ơ, u, ǔ, ư) và 18 chữ cái ghi phụ âm gồm (b, ƀ, c, d, đ, g, h, j, k, l, m, n, p, r, s, t, w, y). 100% cộng đồng và 89% các nhà khoa học đồng tình với bảng chữ cái này và đề nghị ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.

4. Lựa chọn, thống nhất, ứng dụng bảng chữ cái tiếng S’tiêng vào thực tiễn có một vai trò, ý nghĩa rất lớn không chỉ trong việc thực hiện chính sách giáo dục dân tộc, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản ngôn ngữ – văn hóa dân tộc mà còn là cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt Bảng chữ cái tiếng S’tiêng, cơ sở để biên soạn tài liệu, sách công cụ như từ điển, ngữ pháp và sách tham khảo bằng chữ S’tiêng, cơ hội để chữ viết S’tiêng được truyền bá rộng rãi trong cộng đồng, trường học, trên các phương tiện truyền thông. Việc xác định Bảng chữ cái tiếng S’tiêng và triển khai ứng dụng vào thực tiễn không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa thiết thực góp phần nâng cao dân trí, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác dân vận, thực hiện tốt các chính sách, chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục vùng đồng bào DTTS tại các địa phương của tỉnh Bình Phước theo chiến lược phát triển.

Tiến sĩ Buôn Krông Tuyết Nhung

Nguồn tin: KHOA HỌC THỜI ĐẠI ONLINE

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: văn hóa, dân tộc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước