iên hoan đội, nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng chủ đề “Giai điệu tuổi trẻ” năm 2016
Huyện Bù Đốp có 16 thành phần dân tộc (Thái, Tày, Nùng, Dao, Chăm, Khơme, S’tiêng...) sinh sống, chiếm 16,93% số dân toàn huyện. Dân cư trong huyện đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, tạo nên sự phong phú, đa dạng về bản sắc văn hóa các dân tộc. Thời gian qua, kinh tế - xã hội của huyện luôn có bước phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo. Các giá trị văn hóa được gìn giữ và phát huy; một số hủ tục và tệ nạn xã hội từng bước được xóa bỏ. Việc tổ chức các lễ hội, tết cổ truyền của dân tộc, hoạt động truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng được khôi phục và phát huy, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn huyện.
Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện, các cấp ủy đảng, chính quyền đã đẩy mạnh tuyên truyền về giá trị lịch sử, những quy định pháp luật về việc quản lý, tổ chức lễ hội với nhiều hình thức. Cụ thể, thông qua chương trình, kế hoạch của địa phương, qua các lễ hội, hội nghị chủ chốt của huyện, xã, thị trấn, thôn, ấp; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, hoạt động thể dục thể thao... Hằng năm, thông qua việc tổ chức các lễ hội đã thu hút đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Đây là dịp để các dân tộc trên địa bàn huyện gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm; qua đó nhằm phát hiện, lưu giữ giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Từ đó, góp phần làm thay đổi nhận thức, hành động của các cấp ủy, chính quyền, đồng bào các dân tộc về bảo tồn, quản lý, tổ chức các lễ hội.
Huyện Bù Đốp đã phục dựng và duy trì tốt lễ hội mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng và tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khơme. Trên địa bàn huyện còn có các lễ hội tín ngưỡng của 6 tổ chức tôn giáo như lễ Phật đản, Vu lan, Giáng sinh, Phục sinh. Tại các ấp Tân Nghĩa, Tân Phước, Sóc Nê, xã Tân Tiến thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, nhảy bao bố, bóng đá, hát giao duyên, hát then của đồng bào Tày. Lễ lập làng của đồng bào S’tiêng ở xã Thiện Hưng được Bảo tàng tỉnh phục dựng lại và tổ chức vào ngày 15-12 âm lịch hằng năm. Hội diễn văn nghệ quần chúng, liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được tổ chức hằng năm trên tinh thần tiết kiệm, an toàn, lành mạnh. Tùy phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số mà các hoạt động lễ hội được tổ chức bằng nhiều hình thức phù hợp. Lễ hội thường diễn ra từ 1-2 ngày, quy mô tổ chức nhỏ ở cấp thôn, ấp, nhà chùa, nhà thờ và được thực hiện đúng quy định về tổ chức lễ hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện vẫn còn một số hạn chế như: Các cấp ủy đảng, chính quyền có lúc, có nơi chưa sâu sát trong quản lý và tổ chức lễ hội; việc tổ chức lễ hội chưa có sức lan tỏa, ít thu hút được du khách nơi khác về dự; hình thức, nội dung tổ chức chưa phong phú, có lễ hội tổ chức chưa đúng nghi thức truyền thống của dân tộc; tình trạng lợi dụng lễ hội để chơi cờ bạc vẫn còn xảy ra.
Để làm tốt công tác quản lý, tổ chức lễ hội, thời gian tới, huyện cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức của người dân đối với lễ hội; tiếp tục giữ gìn, phát huy giới thiệu những nét đẹp văn hóa truyền thống gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn huyện; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong tổ chức lễ hội.
Tác giả bài viết: VH&TT&DL
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn