20:45 ICT Thứ năm, 02/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động khác

Đường về Quảng Trị – Bài cuối: Thành cổ Quảng Trị – Nghĩa trang không nấm mộ

Thứ năm - 27/07/2017 14:05
Nghĩa trang Trường Sơn

Nghĩa trang Trường Sơn

Một chiếc ba lô, một mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi đông nước và khẩu súng AK. Chỉ vậy thôi mà các anh đã làm nên lịch sử…

Thành cổ Quảng Trị – Nghĩa trang không nấm mộ.

Chúng tôi về thăm Quảng Trị vào khoảng 5 giờ chiều, khi mặt trời bắt đầu khuất dạng sau bức cổng thành cổ. Những khoảnh bèo lớn trôi thong thả trên mặt nước. Nằm soi mình bên dòng sông Thạch Hãn anh hùng, lặng yên, không một tiếng sóng, bên kia sông là những ánh điện của nhiều ngôi nhà chiếu xuống lòng sông, tạo thành những tia sáng rực rỡ. Thành Cổ Quảng Trị vẫn uy nghi, linh thiêng hào khí tuổi thanh xuân. Đây được xem là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khát vọng tự do, độc lập. Nơi đây, mỗi nhành cây, ngọn cỏ, mỗi tấc đất Thành Cổ đã thấm đẫm máu của hàng ngàn chiến sĩ.

45 năm về trước, mùa hè đỏ lửa năm 1972, khi Mỹ Ngụy mở cuộc hành quân đánh phá tái chiếm tỉnh Quảng Trị. Để bảo vệ cho Thành Cổ, trong mùa hè ấy rất nhiều chiến sỹ của chúng ta đã hy sinh. Nhưng điều đau xót và có lẽ là sự mất mát không bao giờ bù đắp được cho dân tộc ta là hài cốt các anh hùng không có nữa do khối lượng bom đạn quá lớn cày xới tất cả. Tại đây, mỗi lớp cỏ non là một vành máu lửa, vẫn sáng bừng theo những tháng năm để khi chúng tôi – những người con miền Nam ruột thịt, đặt chân đến trong tự hào, linh thiêng.

Nhắc đến thành cổ Quảng Trị, chắc hẳn chúng ta không thể quên 81 ngày đêm thấm đẫm “máu và hoa” với những ký ức không thể quên. Sự dữ dội, quyết liệt của trận “quyết chiến chiến lược” này đã trở thành khắc khoải, đau nhói. Trong giai đoạn ác liệt nhất, mỗi ngày có 1 đại đội vượt dòng Thạch Hãn để tiếp viện quân số, mỗi đại đội có từ 90 đến 120 chiến sỹ, 81 ngày đêm ta phải bổ sung 81 đại đội như vậy. Nhưng cứ đêm nay một đại đội tiến vào thì ngày mai chỉ còn lại vài người sống sót.

Họ – những người con anh dũng của đất nước, hi sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, có chiến sỹ chỉ mới 14 tuổi thôi, họ như một ngọn cỏ với khao khát sống mãnh liệt và họ chiến đấu, hi sinh vì lý tưởng chung của dân tộc. Một chiến sỹ trẻ của ta trước lúc hy sinh đã kịp ghi lại vài dòng cho mẹ: “Mẹ ơi chắc con không còn sống để nhìn thấy mẹ nữa. Pháo, pháo bắn suốt ngày đêm, đầu con lùm bùm như muốn vỡ tung, ăn không được, ngủ không được, máu tai đã bắt đầu chảy rồi, như các bạn con khi chết đứa nào cũng đầy máu tai. Pháo, trời ơi lại pháo. Mẹ ơi, con chắc không về gặp lại mẹ được nữa…”.

Khi cái chết kề, các chiến sỹ giải phóng quân vẫn quyết tâm bảo vệ thành cổ suốt 81 ngày đêm với tinh thần còn người còn trận địa, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh, thà mất tất cả chứ không thể mất tự do và danh dự; các anh đã chiến đấu và chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, cứ người này ngã xuống thì người khác lại xông lên. Các anh mãi nằm lại trong lòng đất để giành lấy chiến thắng cho dân tộc.

Chiến thắng vẻ vang đó đã góp một phần quan trọng vào thắng lợi trên bàn hội nghị Pari tạo đà cho công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Để làm nên trang lịch sử ấy hàng ngàn chiến sỹ đã anh dũng chiến đấu và vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Các anh hi sinh nhưng hình hài các anh không còn nguyên vẹn nữa, máu và xương thịt của các anh đã hoà vào lòng đất cho non sông đất nước có ngày độc lập, nhân dân được ấm no hạnh phúc.

Chúng tôi đặt chân về Thành Cổ, không chỉ đến với một di tích lịch sử mà còn đến với một nghĩa trang, một nghĩa trang không có nấm mồ. Khác với nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, nghĩa trang liệt sỹ Đường 9 hay các nghĩa trang khác thì liệt sỹ nào cũng có mộ, dù biết tên hay chưa biết tên. Nhưng khi đến với Thành Cổ Quảng Trị các anh chỉ có một ngôi mộ tập thể chung, một nấm mồ chung mà thôi. “Đài tưởng niệm trung tâm” là biểu tượng của nấm mồ chung, của ngôi mộ tập thể đó. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ của người cựu chiến binh, ngày đó đã trực tiếp tham gia chiến đấu tại thành cổ, khi về viếng thăm đồng đội:  “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây/Nhẹ bước chân và nói khẻ thôi/Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật/Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật/Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào.”

Nghĩa trang Trường Sơn – nơi an nghỉ của những người con ưu tú

Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Trị là địa bàn trọng điểm, là địa phương hiếm hoi của cả nước in hằn dấu chân của hầu hết các binh đoàn chủ lực, lực lượng vũ trang, các đơn vị thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến,… Biết bao nhiêu con người đã ngã xuống chỉ vì một lí tưởng duy nhất đó là giữ từng tấc đất trên mảnh đất quê hương. Vậy nên con số 72 nghĩa trang trong đó có 2 nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia với hơn 60 nghìn liệt sĩ đang yên nghỉ tại đây có lẽ khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, đón rất nhiều lượt người viếng thăm trong tháng 7

Nghĩa trang  liệt sĩ Trường Sơn hiện nay là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất trong diện tích phần mộ 23.000m2m, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.

Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, đón rất nhiều lượt người viếng thăm trong tháng 7

Những ngày của tháng 7, Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn đã đón rất nhiều đoàn người về viếng thăm, từng dòng người họ lặng lẽ, nghiêm trang trước nơi các anh yên nghỉ. Chiến tranh đã lùi xa, chúng ta đang trong quá trình xây dựng một xã hội chủ nghĩa, mà trong đó cón phần máu thịt của những người con ưu tú. Con đường mòn lịch sử Hồ Chí Minh ngày ấy, nay đã được rải những lớp nhựa mới, người dân sinh sống nhộn nhịp, ổn định cuộc sống, hẳn rằng những nổi đau, mất mát trong chiến tranh đang dần được xoa dịu. Vết thương ngày ấy đang được hàn gắn bởi sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bằng những việc làm thiết thực đối với những người có công với đất nước. Đoàn Bình Phước được đến thăm nhiều địa điểm lịch sử: khu chứng tích Sơn Mỹ, Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Trường Sơn là một vinh dự. Đây cũng là dịp để người Bình Phước hòa cùng dòng tri ân, lòng biết ơn đến với những người đã hy sinh, đấu tranh giành hòa bình, giữ được màu xanh cho Tổ Quốc. Qua đó làm tốt hơn công tác đền ơn, đáp nghĩa nhằm góp phần vào xoa dịu nổi đau đối với người đã ngã xuống và cả người còn sống.

Tác giả bài viết: Trang Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước