00:00 ICT Chủ nhật, 22/12/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Nghề chế tác nhạc cụ của người S’tiêng

Thứ hai - 19/10/2020 15:43
Ảnh đại diện

Ảnh đại diện

Khi nói về nghề thủ công truyền thống của đồng bào S’tiêng, người ta nhớ ngay đến nghề rèn, dệt, đan lát, làm rượu cần. Rất ít người nhắc đến nghề chế tác nhạc cụ truyền thống nhưng khi tiếp cận với những nhạc cụ của người S’tiêng mới thấy hết giá trị độc đáo, mang nhiều ý nghĩa đặc trưng.

Người S’tiêng luôn giữ âm nhạc như nhịp đập của cuộc sống. Già, trẻ, gái, trai… người S’tiêng đều rất yêu ca hát. Chính vì vậy, họ đã chế tác ra rất nhiều nhạc cụ để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần.

Bắt nguồn từ đam mê

Khi tìm hiểu về nghệ nhân chế tác nhạc cụ, chúng tôi được giới thiệu đến nhà già làng Điểu Nắng ở ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh. Qua trao đổi, già Điểu Nắng cho biết, ông đến với nghề độc đáo này bằng sự đam mê. Ngay từ năm 14-15 tuổi, ông đã thích nghe những âm thanh của kèn, khèn, sáo, trống và đặc biệt là âm thanh của cồng, chiêng… Cứ mỗi lần nghe ở đâu có tiếng sáo, tiếng khèn, cồng, chiêng là ông lại tìm đến, riết rồi không thể xa rời những âm thanh đó. Sau mỗi lần như vậy, ông càng thôi thúc tìm ra cách chế tạo nhạc cụ để sử dụng. Thế là ông bắt đầu tìm hiểu vật liệu, cách chế tác…

Lúc bắt đầu chế tác nhạc cụ, âm thanh nghe không được như ý nên ông lại tìm đến học hỏi những người có kinh nghiệm. Vì thế, năm 18 tuổi ông đã chế tạo thành thạo một số nhạc cụ. Ông nhớ như in lúc chế tạo nhạc cụ đầu tiên là sáo pi, sau đó là khèn bầu, đàn tre, kèn môi rồi trống cái, trống cổ bồng… Đến nay đã ngoài 80 tuổi nhưng ông vẫn say mê với nghề chế tác nhạc cụ của dân tộc mình. Nếu trong wăng, sóc, ai cần loại nhạc cụ nào thì ông sẵn sàng chế tác giúp. Vì vậy, mọi người trong wăng, sóc và cả các wăng, sóc khác đều rất ngưỡng mộ tài năng của ông, hầu như ai cũng biết đến già làng Điểu Nắng với nghề chế tác nhạc cụ truyền thống của người S’tiêng.

Già làng Điểu Nắng thổi sáo vừa được chế tác

Già làng Điểu Nắng cho biết: Muốn chế tác thành công các loại nhạc cụ độc đáo, tinh xảo đòi hỏi nghệ nhân phải am hiểu về thẩm mỹ và âm nhạc với độ chuẩn xác cao. Bên cạnh đó phải có các vật dụng cần thiết như dao côi, kéo... Cùng với những vật dụng đơn sơ, mộc mạc này thì đòi hỏi nghệ nhân phải có kỹ thuật, khéo léo để chế tác ra những nhạc cụ độc đáo của dân tộc.

Già làng Điểu Nắng cho biết thêm: Mỗi loại nhạc cụ đều có cách chế tác khác nhau, kết hợp nhiều vật dụng với nhau. Trống cổ bồng thì được chế tác bằng gỗ kết hợp với da kỳ đà. Nhạc cụ này vừa có chức năng biểu diễn trong lễ cúng bà Bóng vừa sử dụng trong sản xuất nông nghiệp như đuổi chim và các loại động vật phá hoại mùa màng... Khèn bầu được chế tác bằng trái bầu khô và ống nứa. Nhạc cụ này dùng để hòa tấu với cồng chiêng trong các dịp giao lưu kết bạn, sinh hoạt gia đình và trong lễ hội. Tù và được chế tác bằng sừng trâu. Trước đây âm thanh của tù và được dùng để báo hiệu khi wăng, sóc xảy ra hiểm họa cháy, dịch bệnh, kẻ thù tấn công hoặc có thú dữ. Nhưng hiện nay, tù và được người S’tiêng chế tác thành bộ để làm nhạc cụ hòa tấu với cồng chiêng trong các lễ hội. Còn sáo pi được chế tác bằng ống nứa. Sáo pi thường dùng để thể hiện tình cảm sâu lắng nên không dùng để biểu diễn cùng các nhạc cụ khác mà thường biểu diễn một mình trong các dịp giao lưu kết bạn hay nam, nữ hẹn hò...

Trăn trở nỗi lo thất truyền

Các loại nhạc cụ của người S’tiêng ở Bình Phước được nghệ nhân chế tác tỉ mỉ, chi tiết, rất đa dạng và phong phú bằng nhiều chất liệu như tre, nứa, vỏ bầu, đồng, bạc… Khi sử dụng, mỗi loại nhạc cụ đều mang lại tính năng và hiệu quả cao, âm sắc đẹp, cường độ âm thanh với nhiều mức độ khác nhau, thể hiện sắc thái riêng để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của họ và mang đậm bản sắc đặc thù của dân tộc mình.

Tuy nhiên, già làng Điểu Nắng cũng trăn trở: Hiện nay, con cháu người S’tiêng ít ai biết chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ của dân tộc mình. Lớp trẻ chủ yếu thích nhạc hiện đại, nghệ nhân chế tác nhạc cụ của dân tộc S’tiêng lại không còn nhiều. Tôi đang tìm người để truyền lại nghề chế tác nhạc cụ này để giữ gìn văn hóa dân tộc nhưng lớp trẻ không say mê nên rất khó trong việc truyền dạy.

Nỗi niềm trăn trở này không chỉ của riêng già làng Điểu Nắng mà còn là của cả cộng đồng người S’tiêng trước sự mai một những giá trị, bản sắc văn hóa của dân tộc khi mà lớp trẻ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống của dân tộc mà chạy theo những trào lưu văn hóa mới...

Nghề chế tác nhạc cụ truyền thống của người S’tiêng ở Bình Phước mang 2 yếu tố quan trọng, đó là văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Yếu tố văn hóa vật thể tức là giá trị sản phẩm đó đã được nghệ nhân sáng tạo ra để sử dụng. Yếu tố văn hóa phi vật thể nằm trong tri thức sáng tạo của nghệ nhân và ý thức, trách nhiệm truyền dạy cho các thế hệ mai sau để nó không bị thất truyền. Nếu nghề truyền thống này không hội tụ được 2 yếu tố về giá trị văn hóa nêu trên thì rất khó bảo tồn và phát huy được những giá trị đích thực của nó. Do đó, để những giá trị, bản sắc văn hóa này được bảo tồn hữu hiệu thì việc tuyên truyền và giáo dục ý thức bảo vệ văn hóa của dân tộc mình cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục thông qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian bằng nhiều hình thức để đạt được hiệu quả thiết thực nhất.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước