23:50 ICT Thứ bảy, 21/12/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động khác

Kỷ niệm khó quên trong những lần gặp bác Lê Đức Anh

Chủ nhật - 28/04/2019 21:15
Hình đại diện

Hình đại diện

Do đặc thù công tác nên tôi vinh dự nhiều lần được gặp nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, một vị tướng có nhiều công lao đóng góp cho dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, được nhân dân cả nước và thế giới ngưỡng mộ. Bác là một vị tướng tài ba, vị nguyên thủ quốc gia luôn cởi mở, giản dị và gần gũi.

Thời còn làm việc tại di tích Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Lộc Ninh), tôi may mắn được gặp bác Lê Đức Anh qua 2 lần bác về thăm. Lần đầu tiên gặp bác vào năm 2003 và lần thứ hai là năm 2012. Dù là người đã trải qua 2 cuộc kháng chiến, từng sống và chiến đấu tại căn cứ này, nhưng lần nào đến thăm, bác cũng đi đến các hạng mục, đặc biệt là ngôi nhà bác ở năm xưa như để hồi tưởng lại ký ức của một thời gian khổ mà oanh liệt. Bác chăm chú nghe cán bộ bảo tàng thuyết minh từng hạng mục của di tích, xem từng bức ảnh trong phòng trưng bày, không bỏ qua không gian nào. Thỉnh thoảng, đến đoạn tâm đắc, bác gật gù khen ngợi cán bộ bảo tàng thuyết minh hay. Năm 2012, dù phải ngồi trên xe lăn nhưng bác vẫn xem và nghe thuyết minh hết phần trưng bày. Khi chị Trương Thị Yến thuyết minh đến đoạn những chiến dịch do quân giải phóng thực hiện, bác cười, gật đầu khen chị “giỏi”, “nắm được nhiều thông tin”.

Tác giả gặp nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh vào năm 2016

Trong 2 năm 2014 và 2016, tôi được gặp bác 2 lần tại thủ đô Hà Nội. Lần thứ nhất, năm 2014, tôi được cử ra thủ đô để sưu tầm tư liệu, hình ảnh liên quan đến cuộc đời hoạt động cách mạng và công tác của bác. Khi đồng chí thư ký vào trình bày nội dung công việc của tôi, bác đã đồng ý gặp. Mặc dù lúc này tuổi cao, sức khỏe yếu nhưng bác vẫn sắp xếp thời gian nghe tôi trình bày công việc. Điều này với tôi thật vinh dự bởi đây là lần đầu tiên được làm việc trực tiếp với nguyên thủ quốc gia - Chủ tịch nước. Thế nên, trong lòng tôi rất hồi hộp, lo lắng. Trái với điều đó, bác ân cần thăm hỏi về cơ quan, công việc cũng như quê quán, gia đình và cuộc sống của tôi. Đặc biệt, bác không quên hỏi thăm về Căn cứ Tà Thiết và tình hình phát triển của di tích. Trong phòng tiếp khách của bác có treo một số bức ảnh, nhưng ở vị trí trang trọng, dễ thấy nhất đó là bức ảnh bác chụp tại Căn cứ Tà Thiết năm 1974. Tôi ấn tượng nhất là khi hỏi bác còn nhớ được những ai trong bức ảnh không? Bác khẽ cười, nhìn bức ảnh rồi chỉ từng người và đọc rõ họ tên... năm này bác 94 tuổi và đã trải qua nhiều lần tai biến. Những điều đó cho thấy tình cảm của bác với Căn cứ Tà Thiết rất sâu đậm.

Lần thứ hai, năm 2016, có dịp đi công tác tại Hà Nội, tôi mạnh dạn nhờ đồng chí thư ký xin phép vào thăm bác và được bác đồng ý. Lúc này sức khỏe của bác yếu hơn, nhưng bác vẫn ân cần thăm hỏi tôi nhiều điều, căn dặn cố gắng phấn đấu, cống hiến cho công việc, đất nước. Bác cũng không quên tặng sách cho tôi cùng mấy viên kẹo và dặn anh thư ký báo nhà bếp nấu cơm rồi bảo trưa ở lại ăn cùng.

Hay tin bác mất, cũng như bao người dân Việt Nam khác, một cảm giác buồn vô hạn hiện hữu trong trái tim tôi. Đất nước đã mất đi một người con ưu tú, một biểu tượng của sự kiên trung, anh dũng trong chiến đấu, dung dị, vị tha trong đời thường. Tôi sẽ không bao giờ quên hình ảnh ân cần, gần gũi, giản dị của bác; không bao giờ quên những viên kẹo bác cho, những cuốn sách bác tặng. Kính chúc bác bình yên nơi cõi vĩnh hằng.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước