Vì sự tiến bộ phụ nữ ở Lộc Ninh
Hằng năm, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể huyện Lộc Ninh luôn quan tâm tuyên truyền, vận động và tạo mọi điều kiện để nâng cao nhận thức cho cán bộ, các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới bằng nhiều hình thức. Cụ thể như: Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bình đẳng giới; tuyên truyền lồng ghép giữa phòng, chống bạo lực gia đình với bình đẳng giới; tổ chức các buổi tọa đàm, cuộc thi; qua tài liệu hỏi - đáp, tờ rơi; tuyên truyền trên hệ thống phát thanh - truyền hình, lồng ghép trong buổi sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể... Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cho mỗi cá nhân về bình đẳng giới.
Bà Nguyễn Thị Hương Giang, Phó chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao Kỷ niệm chương “Vì sự phát triển của phụ nữ Việt Nam” tặng 22 cá nhân
Điển hình là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ nữ trên địa bàn huyện Lộc Ninh những năm gần đây đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo chuyên môn và đào tạo cử nhân, cao cấp, trung cấp lý luận chính trị tăng theo từng năm. Hiện nay, số lượng nữ tham gia cấp ủy có 60 người, trong đó cấp huyện 9 đồng chí. Số cán bộ nữ làm lãnh đạo giữ chức vụ chủ chốt cấp huyện chiếm trên 57%, cấp xã 16%. Nữ đại biểu tham gia HĐND cấp huyện 14/39 đại biểu; cấp xã 110/437 đại biểu. Tỷ lệ nữ giữ chức vụ trưởng, phó các cơ quan, đơn vị huyện thuộc phòng, ban chuyên môn chiếm 24%; đơn vị sự nghiệp khác 16%; đơn vị sự nghiệp giáo dục 67%; UBND các xã, thị trấn 24%. Tổng số đảng viên nữ hiện nay là 1.080/2.792 đảng viên trong toàn huyện. Bên cạnh đó, số lượng cán bộ nữ đưa vào quy hoạch ngày càng tăng.
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lộc Ninh thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trên 17 ngàn hội viên; thể hiện vai trò đại diện cho giới trong xây dựng chính sách, pháp luật, công tác giám sát, phản biện xã hội. Năm 2018, các cấp hội phụ nữ ở Lộc Ninh đã huy động và vận dụng hiệu quả các loại hình tiết kiệm thành Quỹ “Tiết kiệm đồng hành cùng phụ nữ nghèo” với tổng 13.723 thành viên, huy động được hơn 11,312 tỷ đồng; nguồn vốn ủy thác Ngân hàng chính sách xã hội với 95 tổ, 4.327 hộ vay tổng hơn 101 tỷ đồng... Các cấp hội còn nhân rộng nhiều mô hình giúp nhau phát triển kinh tế với 944 chị tham gia liên kết, hỗ trợ nhau làm kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, nhất là phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống chị em được cải thiện, trình độ nâng cao, phụ nữ ngày càng tự tin, chủ động tham gia các hoạt động xã hội.
Điểm nhấn trong thực hiện bình đẳng giới ở Lộc Ninh là đã thành lập nhiều mô hình, câu lạc bộ hoạt động hiệu quả như: phụ nữ tham gia phòng, chống bạo lực gia đình tại các xã Lộc Hưng, Lộc Điền; “Gia đình phụ nữ không có người thân vi phạm pháp luật” ở ấp 4, xã Lộc Thái; “Phụ nữ tham gia phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em” ở xã Lộc Thiện; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới... Qua đó, các thành viên tăng thêm hiểu biết, nhận thức, gia đình sống hòa thuận, tình làng nghĩa xóm được gắn kết.
Bà Trần Thị Bích Lệ, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện Lộc Ninh cho rằng: Công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn huyện thời gian qua đạt kết quả đáng ghi nhận. Nhận thức của cán bộ, nhân dân về bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội đã có tiến bộ đáng kể, vai trò của chị em ngày càng được khẳng định. Thời gian tới, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đến 100% cán bộ, hội viên, phụ nữ và các tầng lớp nhân dân; thường xuyên quan tâm chăm lo cải thiện đời sống chị em cũng như các chế độ, chính sách khác, tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ phát triển...
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn