13:58 ICT Chủ nhật, 22/12/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động huyện thị

Đam mê và đồng thuận - Động lực để đờn ca tài tử ở Bù Đăng phát triển

Thứ năm - 16/08/2018 14:23
Câu lạc bộ xã Nghĩa Bình

Câu lạc bộ xã Nghĩa Bình

 Lần đầu tiên, Câu lạc bộ (CLB) Đờn ca tài tử xã Nghĩa Bình đại diện huyện Bù Đăng tham gia liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Bình Phước năm 2018, với chủ đề “Cung bậc tơ lòng”. Dù chỉ đạt giải khuyến khích toàn đoàn và 4 giải phụ nhưng liên hoan đã tạo động lực cho các thành viên tiếp tục khơi dậy niềm đam mê môn nghệ thuật đặc trưng của vùng đất Nam bộ.

Chúng tôi gặp các thành  viên của đoàn Bù Đăng khi vừa hoàn thành phần dự thi. Ai cũng phấn khởi bởi lần đầu được tham gia liên hoan cấp tỉnh. Anh Đỗ Bá Huấn, cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Bù Đăng cho biết, đoàn tham gia 6 tiết mục: Hơi nam hòa tấu 12 câu Nam đảo, hơi bắc xuân tình lớp 1 ca ra bộ, hơi nam 8 câu Nam xuân ca ngợi sự đổi thay của nông thôn mới, vọng cổ nhịp 32 câu 1-2-6 bài Nghĩa Bình chiều hội ngộ, 10 câu hơi Hoán phụng hoàng lai nghi và 17 câu hơi Hạ tiểu khúc tri âm.

Đờn ca tài tử là món ăn tinh thần không thể thiếu của các thành viên Câu lạc bộ xã Nghĩa Bình

Là người đồng sáng lập CLB, anh Huỳnh Văn Thành, nhạc công đàn kìm chia sẻ: “Tôi đam mê đờn ca tài tử từ nhỏ, bởi ông ngoại là thầy đờn có tiếng trong vùng (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Khi ông truyền nghề cho học trò, anh em tôi cũng theo học. Do vậy niềm đam mê ngấm vào máu thịt. Rời quê hương lên Bù Đăng lập nghiệp, những lúc nhớ quê, chúng tôi lại quy tụ chơi đờn, ca giải trí. Từ đó, nhiều anh em yêu thích bộ môn này xích lại gần nhau”.

Cũng theo anh Thành, đờn ca tài tử Nam bộ được truyền dạy theo 2 hình thức truyền ngón và truyền khẩu. Thông thường, người học đàn cần ít nhất 3 năm để đạt những kỹ năng cơ bản, như: rao, rung, nhấn, búng, phi, vê. Người học ca phải luyện các điệu Nam, Bắc, Hoán, Hạ để diễn tả tâm trạng, tình cảm, tinh thần bài hát. Trong đó, điệu Nam có 3 thể: Nam xuân, Nam ai, Nam đảo (đảo ngũ cung). Điệu Bắc có 6 thể: Lưu thủy, Tây thi, Xuân tình, Bình bán, Phúc lục, Hồ bản. Điệu Hoán có 4 thể: Phụng hoàng, Phụng cầu, Giang nam, Tứ đại. Điệu Hạ có 7 thể: Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạng giá và Tiểu khúc. Người học ca phải học những bài truyền thống, trên cơ sở đó sáng tạo cách nhấn nhá, luyến láy tinh tế theo nhạc điệu, lời ca để phù hợp với bạn diễn và thẩm mỹ cộng đồng.

Nghệ nhân Lê Văn Bé, Phó chủ nhiệm CLB cho biết: “Trong đờn ca tài tử, những nhạc cụ chủ yếu gồm: Đàn kìm, đàn tranh, tỳ bà, đàn bầu, đàn cò, sáo, song loan và ghi ta lõm. Quá trình sinh hoạt, các thành viên tự học hỏi, truyền dạy lẫn nhau. Thường mỗi nhạc công chơi giỏi 1 đến 2 nhạc cụ, nhưng hầu hết ai cũng ca được, rất phong phú chỉ khác là độ “mùi” tới đâu. Trong bài thi cần đủ nhạc công, nhạc cụ để đạt chất lượng tốt nhất, nhưng khi giao lưu thì chỉ cần cây đàn kìm hoặc ghi ta lõm cũng ca được. Chúng tôi thường tổ chức sinh hoạt vào chủ nhật hằng tuần tại nhà chủ nhiệm, ôn bài cũ, luyện kỹ thuật nhả âm, lấy hơi trầm bổng, nhặt khoan, độ tròn vành, rõ tiếng, tập bài mới, luyện phong cách biểu diễn, thần thái, điệu bộ”.

Lãnh đạo Trung tâm Văn hóa tỉnh trao chứng nhận cho đại diện đoàn Bù Đăng (thứ ba từ phải qua) và các đơn vị tham gia Liên hoan đờn ca tài tử tỉnh Bình Phước năm 2018

Tham gia liên hoan lần này, ông Bé ca 2 câu vọng cổ nhịp 32 bài Nghĩa Bình chiều hội ngộ. Tuy chỉ được giải khuyến khích nhưng ông rất vui, bởi đây là sáng tác nói về sự đam mê đờn ca tài tử của những thành viên CLB, về mảnh đất, con người Nghĩa Bình chất phác, thật thà, lạc quan, yêu đời. Trong đoàn có cặp vợ chồng nghệ nhân Trần Thị Sen và Hồ Văn Cảnh cùng tham gia. Anh Cảnh cho biết: “Vợ chồng và các con tôi rất yêu thích đờn ca tài tử nên khi có dịp thường cùng đi. Các cháu cũng hay được biểu diễn trong trường học”. Nói về sự đam mê bà Trần Thị Lan cho biết: “Đang làm ngoài rẫy mà nghe tiếng đàn kìm, vọng cổ của CLB thì sẵn sàng bỏ việc chạy về tham gia”.

Ông Nguyễn Văn Cạnh, Chủ nhiệm CLB nói: “CLB thành lập tháng 11-2015, chủ yếu các thành viên quê gốc miền Tây, thường trú thôn Bình Trung, xã Nghĩa Bình và một số đến từ các xã Nghĩa Trung, Minh Hưng. Những năm đầu, thấy anh em tụi tôi chơi đờn ca tài tử vui vẻ, lãnh đạo xã Nghĩa Bình tặng nhóm 1 cây đàn guitar phím lõm. Dịp lễ, tết hằng năm, xã thường mời anh em lên biểu diễn, sau đó nhiều người tham gia đã tập hợp lại thành lập CLB. Những lúc nông nhàn, CLB tổ chức giao lưu với nhau hoặc với CLB các huyện, thị Phú Riềng, Phước Long, Đồng Phú. Chúng tôi rất mong ngành văn hóa tỉnh, huyện thường xuyên tổ chức liên hoan để anh em có điều kiện tham gia, giao lưu, học hỏi thỏa niềm đam mê. Bởi với chúng tôi, đờn ca tài tử đã thấm trong lời ru của mẹ từ thời nằm nôi”.

Ông Vũ Đức Hoàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Bù Đăng cho biết: “Nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn huyện chưa phát triển rộng rãi. Ngoài CLB Nghĩa Bình, hầu hết các xã đều có người chơi nhưng nhỏ lẻ. Ngành văn hóa huyện cũng chưa tổ chức được sân chơi cho những người đam mê môn nghệ thuật này. Thời gian tới, chúng tôi sẽ từng bước gây dựng phong trào trên cơ sở tập hợp những tài tử ca, đờn, thành lập các CLB, tăng cường xã hội hóa đầu tư nhạc cụ, tổ chức hội thi, hội diễn cấp huyện để đờn ca tài tử được bảo tồn, phát triển”.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước