Ảnh đại diện
Cây nỏ là một dụng cụ truyền thống của người Stiêng có từ lâu đời, dùng để săn bắn các loài thú rừng và là vũ khí thô sơ dùng để chiến đấu bảo vệ đất nước trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Ngày nay, bắn nỏ trở thành một môn thể thao truyền thống không thể thiếu trong các cuộc thi và lễ hội truyền thống của người Stiêng. Đây cũng là vật để trưng bày giới thiệu về văn hóa dân tộc người trong các bảo tàng.
Người Stiêng xưa kia sử dụng nhiều dụng cụ để săn bắt thú rừng như lao, đao, bẫy…, trong đó, nỏ là một công cụ dùng săn bắt thú rừng rất hữu hiệu và mỗi gia đình thường có từ 2 đến 3 chiếc từ nhỏ đến lớn. Những chiếc nỏ nhỏ dùng cho người có sức yếu và săn bắt một số loài thú nhỏ; còn những chiếc nỏ lớn tầm một sải tay thì dành cho nam giới có sức khỏe và kinh nghiệm để săn bắn các loài thú lớn hơn.
Anh Điểu met tham gia hội thi lien hóa VH TT các dân tộc thiểu só huyện Đồng Phú
Ngày nay, chiếc nỏ không còn sử dụng để săn bắn thú rừng nữa, nên nhiều gia đình không còn lưu giữ và người biết chế tạo cũng ít dần. Chỉ đến khi bắn nỏ trở thành môn thể thao dân tộc thì các nghệ nhân chế tạo nỏ mới làm “sống lại” một loại vũ khí tự hào của cha ông.
Biết bắn nỏ từ khi lên 10 tuổi, từng tham gia nhiều giải đấu và giành nhiều huy chương ở bộ môn này. Anh Điểu Met , ấp Thuận tiến, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú cho biết: “Một cơ duyên đã làm anh trở thành một vận động viên của môn thể thao bắn nỏ. Đó là vào năm 2005, anh theo một người bạn đi tham gia Liên hoan văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đăclak, khi tham gia hội thi này, anh Met chỉ giành được giải khuyến khích, nhưng thời khắc ấy niềm đam mê với môn bắn nỏ đã sống dậy trong con người Điểu Met. Anh bắt đầu tập luyện chăm chỉ và tham gia rất nhiều giải đấu, từ giải đấu ở xã Thuận Lợi đến Liên hoan Văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số huyện Đồng Phú, Liên hoan văn hóa TDTT tỉnh Bình Phước, Hội thao Dân quân Quốc phòng… Anh đã giành được 12 HCV, 7 HCB và nhiều giải thưởng cao trong nội dung thi đấu đồng đội. Anh Mét chia sẻ thêm, theo kinh nghiệm tạo ra chiếc nỏ, thân và cánh nỏ được làm từ lõi của những cây gỗ tốt. Những loại cây này ít bị mục, mối mọt và có tính đàn hồi, có độ bền cao. Lẫy nỏ là một bộ phận nhỏ được đặt ở phần giữa thân nỏ và làm bằng loại gỗ tốt có tác dụng kìm giữ dây nỏ trước khi bắn mũi tên về phía mục tiêu. Để tạo độ chính xác, phần đầu thân nỏ được người thợ xẻ một rãnh kéo dài tới lẫy nỏ để làm đường ngắm. Cánh nỏ đòi hỏi có tính đàn hồi cao nên thường làm từ cây tre già.
Kế thừa và phát huy truyền thống đánh giặc giữ nước của cha ông, trong quá trình kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, khi thực hiện vũ trang toàn dân, để có vũ khí đánh giặc, quân và dân ta đã sản xuất ra nhiều loại vũ khí thô sơ tự tạo sử dụng đánh địch. Trong số các loại vũ khí thô sơ, tự tạo của Việt Nam, nỏ là loại vũ khí được nhân dân các địa phương trên cả nước, đặc biệt là nhân dân các dân tộc miền núi ở các tỉnh Tây Nguyên, người Stiêng ở Bình Phước sử dụng đánh địch hiệu quả, phù hợp với địa hình rừng núi. Theo Bảo tàng tỉnh Bình Phước, qua nghiên cứu, trong cuộc các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, cùng với giáo, dao, rựa, nghĩa quân còn dùng nỏ để đánh kẻ thù. Mỗi chiến sỹ người Stiêng đeo nỏ sau lưng, tay cầm giáo, loại vũ khí tuy thô sơ nhưng có tính sát thương cao này từng gây khiếp đảm cho quân Pháp, quân Mỹ.
Ngày nay, môn bắn nỏ đã được chọn là 1 trong 4 môn thể thao dân tộc của tỉnh. Qua các hội thi đã phát hiện ra nhiều vận động viên có tài năng tham gia các đại hội thể thao dân tộc toàn quốc, khu vực. Môn bắn nỏ dành cho cả nam và nữ với 2 nội dung đứng bắn và quỳ bắn. Đây là môn thể thao tiêu biểu cho tinh thần thượng võ của đồng bào các dân tộc.
Tác giả bài viết: Cảm Nhung
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn