Đội bóng chuyền gia đình
Đường đến chuyên nghiệp
Đam mê bóng chuyền từ nhỏ nhưng không có điều kiện nuôi dưỡng giấc mơ nên mãi đến khi kinh tế gia đình bắt đầu ổn định, ông Điểu Lưng mới quay trở lại với môn thể thao đã “ăn” vào máu mình. Năm 1996, ông tự thành lập đội bóng chuyền mà vận động viên là các thành viên trong gia đình.
Các buổi tập của gia đình ông Điểu Lưng luôn rộn rã tiếng cười
Ông Lưng kể: “Ngoài việc thỏa mãn đam mê, tôi muốn các con có sân chơi bổ ích sau giờ làm việc vất vả. Lúc đó, bóng chuyền được bán rất ít, tôi phải cất công mới tìm mua được. Hai cột trụ thì lấy cây dựng tạm, lưới thì tận dụng sợi dây để đan vá rồi kiếm một bãi đất trống trong thôn làm sân”.
Ban đầu, hầu hết các con của ông chơi không theo luật lệ nào rồi ông làm huấn luyện viên chỉ dạy cho các con. Để phát triển đúng khả năng và tạo công bằng trong cuộc chơi, ông mày mò học luật chơi bóng chuyền bằng nhiều cách. Ông Lưng cho biết: “Bất kể giải đấu nào ở xã hay các vùng lân cận tôi đều đến xem, sau đó nghiên cứu kỹ thuật chơi. Ngoài ra, tôi học hỏi từ những giải đấu bóng chuyền phát sóng trên tivi. Nắm được luật mới nào, tôi phổ biến lại, mỗi ngày một ít. Nay các con tôi đều nắm chắc luật chơi”.
Không chỉ là sân chơi cho gia đình, dần dần những người dân trong thôn cũng tham gia. Thậm chí, một số người ở xã khác cũng đến tập luyện. Tiếng về đội bóng chuyền ngày một vang xa. Năm 2006, đội bóng của gia đình ông Điểu Lưng đại diện cho xã tham gia giải bóng chuyền truyền thống thị xã Phước Long và xuất sắc giành giải nhất.
Từ đây, đội bóng của ông được Trung tâm văn hóa thông tin huyện hỗ trợ chuyên môn, trang phục và dụng cụ thi đấu. Năm 2013, đội bóng của ông Lưng vinh dự đại diện cho tỉnh tham dự Hội thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II, tổ chức tại Gia Lai và giành huy chương đồng. Đây cũng là đội tuyển duy nhất của tỉnh tham dự hội thao.
Đam mê cháy bỏng
Đội bóng chuyền gia đình ông Lưng có đến 4 người con của ông là Thị Vin, Thị Lanh, Thị Chờ, Thị Mem và 2 người cháu là Thị Dân và Thị Chui. Đội bóng duy trì tập luyện hàng ngày sau khi các thành viên đi làm về.
Niềm đam mê bóng chuyền của gia đình ông Lưng lớn đến nỗi, tham gia ở Liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh năm 2013, khi trận đấu đang diễn ra, Thị Chờ xin hội ý để ra sân... cho con bú rồi vào thi đấu tiếp. |
Chị Thị Chờ chia sẻ: “Đi rẫy về, mấy chị em và thanh niên trong xóm lại chơi bóng. Chúng tôi tập đến khi trời tối hay mệt quá thì nghỉ. Trời mưa, phải nghỉ tập là trong người cảm thấy khó chịu lắm, tối đến cứ khó ngủ”. Thị Lanh đang học lớp 11 trường phổ thông cấp 2-3 Võ Thị Sáu cho biết: “Tan học là em về ngay để chơi bóng. Có lần vội quá bị té xe, nằm ở nhà mấy ngày”. Lanh bắt đầu chơi bóng từ năm 11 tuổi. Đến năm 14 tuổi, em góp mặt trong đội bóng để tham gia các giải đấu cấp tỉnh, huyện. Lanh cho biết thêm: “Lần đầu tiên thi đấu, cả đêm em không ngủ được, tâm trạng bồn chồn, háo hức lắm”.
Để nâng cao tay bóng, Lanh thường xuyên theo dõi các giải đấu trên tivi, đặc biệt là giải VTV Cúp tổ chức hàng năm. Ước mơ lớn nhất của Lanh là thi vào lớp bóng chuyền của trường Đại học Thể dục Thể thao trung ương II để có thể cống hiến cho môn thể thao này.
Bà Thị Dung, vợ ông Điểu Lưng cho biết: “Tôi ủng hộ nhiệt tình chồng, con bóng chuyền. Những khi họ đi thi đấu xa, tôi cũng buồn lắm vì không thể đi cùng. Tôi luôn tâm niệm, mình ở nhà làm hậu phương vững chắc, lo cho các cháu nhỏ để mọi người yên tâm thi đấu”.
Chia tay gia đình, ông Lưng cứ nhắc chúng tôi: “Đội bóng luôn dang tay chào đón những người đam mê bóng chuyền ở nơi khác đến tập luyện và là nơi để phát hiện cũng như phát triển những tài năng bóng chuyền”.
Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn