14:19 ICT Thứ tư, 24/04/2024

Trang nhất » Tin tức » Tin tức cập nhật

Thể thao đặc trưng của dân tộc thiểu số ở Bình Phước: Làm thế nào để phát triển?

Thứ ba - 07/10/2014 14:32
Thể thao đặc trưng của dân tộc thiểu số ở Bình Phước: Làm thế nào để phát triển?

Thể thao đặc trưng của dân tộc thiểu số ở Bình Phước: Làm thế nào để phát triển?

Do đặc thù của từng bộ môn thể thao cũng như đời sống còn nhiều khó khăn nên thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Phước chưa phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Trăm bề khó khăn

Ở Bình Phước, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đi cà kheo, việt dã là các môn thể thao đặc trưng và được đưa vào thi đấu dịp Liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số. Trong đó, đẩy gậy là môn thi đấu chính thức tại Đại hội thể dục - thể thao tỉnh. Những môn thể thao này mang tính cộng đồng cao, trang thiết bị đầu tư không lớn nhưng lại ít được phổ biến.

Kéo co là môn thi đấu luôn xuất hiện tại các kỳ liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số

Ông Trần Thế Anh, Trưởng phòng nghiệp vụ thể dục thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Hiện tập tục săn bắt của đồng bào dân tộc thiểu số không còn. Vì thế, bắn nỏ ít thu hút người chơi và tập luyện. Chỉ khi nào tổ chức mới tuyển chọn vận động viên thi đấu. Chạy cà kheo là môn chơi khó, đòi hỏi khéo léo, giữ thăng bằng tốt. Đi cà kheo đã khó, chạy càng khó hơn. Vì thế, môn này chỉ phổ biến ở hai huyện Bù Đốp, Đồng Phú và thường tập trung vào nhóm dân tộc thiểu số từ miền Bắc di cư vào. Trong khi đó, môn đẩy gậy đơn giản, chỉ cần khu đất trống đạt tiêu chuẩn cùng cây gậy là có thể chơi được nên thu hút nhiều người tham gia hơn. Tuy nhiên, để tập luyện thường xuyên thì không nhiều”.

Năm 2007, Bình Phước đăng cai hội thao các dân tộc thiểu số toàn quốc khu vực II (từ Đà Nẵng trở vào) và xếp hạng nhì toàn đoàn. Thế nhưng, đến hội thi năm 2013 tổ chức tại Gia Lai, Bình Phước chỉ tham dự duy nhất 1 môn thi là bóng chuyền nữ và đoạt huy chương đồng. Do không tham dự đủ số lượng môn nên Bình Phước không được xếp hạng toàn đoàn. Ngoài liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số toàn tỉnh 2 năm tổ chức một lần, hiện các giải đấu khác rất ít được tổ chức.

Theo ông Trần Thế Anh, thể thao mang đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Phước đang gặp nhiều khó khăn, như: Thiếu kinh phí tổ chức giải, tập luyện; cơ sở vật chất xuống cấp, trang thiết bị, sân bãi, địa điểm phục vụ thi đấu thiếu; đời sống người dân nhiều khó khăn...

Cách làm hay ở huyện Bù Gia Mập

Trong 2 kỳ Liên hoan văn hóa - thể thao dân tộc thiểu số toàn tỉnh gần đây, đoàn vận động viên huyện Bù Gia Mập đều xếp nhất toàn đoàn. Họ cũng bỏ xa các đoàn còn lại trên bảng xếp hạng chung cuộc. Thành quả này đạt được dựa trên nền tảng của sự chuẩn bị bài bản.

Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ phụ trách thể thao của Trung tâm Văn hóa - Thông tin huyện Bù Gia Mập cho biết: “Trước khi tham gia giải cấp tỉnh, chúng tôi chuẩn bị trước đó khoảng một năm. Các bộ phận được chia về xã tập luyện. Chúng tôi thường xuyên mở lớp năng khiếu ở xã để phong trào phát triển rộng khắp và không để sót nhân tài. Tại các xã còn gặp nhiều khó khăn như Bù Gia Mập hay Đắk Ơ, chúng tôi dành sự quan tâm nhiều hơn. Một vấn đề khác luôn được quan tâm sát sao là vận động tư tưởng các gia đình để tạo điều kiện tốt nhất cho vận động viên có thời gian tập luyện và an tâm trong quá trình thi đấu. Ngoài ra, thông qua giải đấu cấp xã, chúng tôi tìm kiếm vận động viên có triển vọng để đào tạo lâu dài”.

Với cách làm bài bản này, Bù Gia Mập không chỉ đi đầu trong các kỳ liên hoan mà còn cung cấp cho thể thao tỉnh những vận động viên xuất sắc. 

Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước