17:15 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin tức » Tin tức cập nhật

Ký ức vượt thời gian

Thứ sáu - 06/09/2013 16:22
Những cựu chiến binh đã góp phần dựng lên huyền thoại Dốc 31 bên lăng bia ghi công những đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Những cựu chiến binh đã góp phần dựng lên huyền thoại Dốc 31 bên lăng bia ghi công những đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống Mỹ.

Yêu quê hương, yêu lịch sử dân tộc, mời bạn hãy “về nguồn”, lắng nghe những câu chuyện từ những người đã làm nên lịch sử. Bạn sẽ tự hào mình là người con của dân tộc Việt Nam.

Dốc 31 (ấp 2, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh) được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh ngày 7-1-2013. Đây là nơi ghi dấu sự chiến đấu, anh dũng hy sinh các chiến sỹ Đại đội 31 (Lực lượng vũ trang quân chủ lực Miền) và quân dân huyện Lộc Ninh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nay, Dốc 31 sẽ trở thành điểm tham quan, tìm hiểu về lịch sử và giáo dục ý thức cách mạng cho thế hệ trẻ. 

Ký ức đi cùng người lính

Một ngày tháng 8, chúng tôi may mắn được ghé thăm di tích lịch sử Dốc 31. May mắn, tôi được gặp, hàn huyên cùng những cựu chiến binh của đại đội C31, thuộc lực lượng vũ trang Lộc Ninh những năm chiến tranh chống Mỹ. Đây, những người lính một thời vào sinh ra tử, nay bình dị trước đời thường với bộ áo quầnbạc màu, mái tóc điểm sương, vết chân chim in hằn trên từng khóe mắt…

Có được cuộc hội ngộ hôm nay, trên mảnh đất này, những người lính đã phải trải qua những năm tháng chiến tranh, đi qua bão đạn của kẻ thù. Đây, những người lính cuối cùng của lực lượng vũ trang  Lộc Ninh những ngày đầu mới thành lập (1968). Đây, những cựu chiến binh của những giai đoạn kế tiếp (1972; 1980). Dù ra nhập vào đơn vị ở những giai đoạn lịch sử khác nhau nhưng tất cả họ cùng tự hào là những người lính đại đội C31 anh hùng.

Trong ký ức của họ, tháng năm, tuổi trẻ anh dũng, bi hùng trên giải đất Lộc Ninh như vẫn còn đọng lại, khắc sâu trong tâm trí. Để đến khi gặp nhau, họ cùng ôn lại những ngày tháng tự hào của đơn vị mình. Tiếng  gọi mày, tao, ông, tôi lại cất lên văng vẳng, thân mật, rộn ràng như những ngày còn nằm rừng, ngủ bụi bảo vệ từng tấc đất quê hương. ÔngVũ Văn Đàm (65 tuổi, xã Lộc Thái) bồi hồi: “Từ khi cónhà bia tưởng niệmnày (năm 2012), anh em tôi có thể gặp nhau, hàn huyên câu chuyện, nhớ lại những kỷ niệm xưa để ôn lại một thời lịch sử, một thời đạn bom, để yêu quý hòa bình và trân trọng những gì chúng tôi đang có”.

Làng Hai ngày ấy (ấp 2, lộc Thuận hôm nay) là vùng đất bưng biền hiểm trở. Đây được coi là tuyến đầu, là cửa ngõ của lực lượng bộ đội Miền (lực lượng giải phóng Miền Nam) đóng quân. Ở vào vị thế “chiến lược” nên Làng Hai là nơi gánh chịu nhiều bom đạn nhất những năm 1968-1972. Chiến tranh vô cùng khốc liệt. Bom cày, đạn xéo khắp nơi. Khi mở chiến dịch càn quét cách mạng, địch cho máy bay rà khắp vùng trời, rải bom tấn công xuống làng. Thông qua tội ác này, địch muốn chiếm được vùng đệm Làng Hai để dễ bề tấn công vào căn cứ Miền, tiêu diệt lực lượng bộ đội chủ lực của ta. Mục tiêu của địch hòng dập tắt phong trào đấu tranh của nhân dân Lộc Ninh, tiêu diệt phong trào cách mạng của nhân dân ta đang sục sôi ở khắp các khu vựcBình Long, Chơn Thànhngày ấy.

Trong dòng suy nghĩ, ông Nguyễn Văn Kinh (Lộc Thái) nhớ lại: Cả ta và địch đều muốn chiếm được Làng Hai. Cuộc chiến giữ đất diễn ra liên tục, bất ngờ.Tiếng súng nổ, tiếng bom rơi không kể ngày đêm. Khói lửa triền miên. Đứng dữa sự sống và cái chết, những người lính C31 vẫn dữ vững lòng kiên trung để bảo về lý tưởng cách mạng, bảo vệ căn cứ Miền. Chung dòng hồi ức lịch sử ấy, ông Trần Văn Quảng(Lộc Thuận)chia sẻ: Đứng trước bom đạn, người lính cộng sản vẫn giữlòng quả cảm, sẵn sàng chiến đấu hi sinh để bảo vệ căn cứ, bảo vệ nhân dân. Lòng quả cảm và khát vọng thống nhất đất nước là động lực, là niềm tin để những người lính C31 chúng tôi cầm súng chiến đấu trước họng súng của kẻ thù.

Tuổi 20 trở thành lịch sử

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người lính C31 không thể quên ngày 5-4-1972. Hôm đó, cả đại đội C31 chia thành hai cánh quân, hướng thành gọng kìm đánh trận Bù Lơ và Lộc Bình nhằm tiêu diệt đồn địch tại xã Lộc Khánh. Nhưng tại trận Bu Lơ – trận đánh mở đầu cho chiến dịch giải phóng Lộc Ninh năm 1972, 21 chiến sỹ trẻ, trong đó cả chính trị viên đại đội C31 đã ngã xuống. Máu đỏ nhuộn trên đất đỏ. Nỗi đau chồng thêm nỗi đau. “Đó là ngày ghi nhớ nhất của chúng tôi, một trận đánh mất quá nhiều đồng đội, đau thương, xót xa, căm dận… mọi cảm xúc đều dâng về”, ông Đàm bồi hồi, xúc động. Từ trận đánh Bù Lơ, ngày 5-4 trở thành ngày dỗ chung của các liệt sỹ C31. Hòa bình lập lại, những cựu chiến binh còn lại sau chiến tranh đã chọn ngày này là ngày truyền thống, ngày gặp mặt các anh em trong đơn vị.

Bia chiến thắng Dốc 31 sừng sững ngay đầu  làng Hai ghi nhớ công ơn các anh, những người con anh dũng kiên trung của đất nước, của quê hương, của dân tộc. Thắp nén nhang thơm, thành kính cúi đầu tưởng nhớ linh hồn đồng độitại Dốc lịch sử,mắt ông Đạo, ông Kinh, ông Phương, ông Quảng…lạc đi, im lặng trước không gian tĩnh lặng. Đôi mắt ông Đàm rưng rưng nước. Những người khácmắt cũng đỏ hoe vì xúc động. Phải chăng đó là giọt nước mắt đau xót đan xen tự hào của người lính C31 năm xưa trước vong linh đồng đội?

 

Nhìn lá cờ tổ quốc tung bay trên nền trời xanh thẳm, lòng chúng tôi dâng lên niềm tự hào, xúc động. Không nén nổi lòng mình, tôi khóc. Nơi đây, một thời bom đạn đãđiqua. Làng Hai giờ đã thay màu áo mới, trù phú và giàu đẹp. Nhưng, ngay đầu con dốc vào làng, tuổi 20 của các anh mãi mãi nằm lại, khắc sâu một cuộc chiến bất tử  tuổi trẻ Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Tác giả bài viết: Nhật Linh - Tấn Tâm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước