17:01 ICT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Đức Thánh Trần trong lòng người dân Bình Phước

Thứ ba - 12/05/2015 09:33
Trong tâm thức của người dân Việt Nam, Đức Thánh Trần là một hiện tượng đặc biệt của đời sống văn hóa dân gian được hình thành qua quá trình thánh hóa, thần hóa một nhân vật có thật trong lịch sử.

Theo thống kê sơ bộ trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 10 ngôi đền thờ Đức Thánh Trần nằm rải rác khắp các huyện, thị xã. Tuy quy mô của các đền chưa lớn nhưng về cơ bản đã được tạo dựng khang trang từ các nguồn kinh phí khác nhau, trở thành một điểm nhấn thu hút người dân đến thăm.

Đền thờ đức thánh Trần Hưng Đạo ở phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài

 

 Vị thánh trong lòng dân

Cứ theo thường lệ vào ngày 20-8 âm lịch hàng năm, chính quyền và nhân dân ở các địa phương có các đền thờ Đức Thánh Trần lại tổ chức lễ tưởng niệm ngày húy kỵ người anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Ông Nguyễn Văn Liệp, chủ đền Trần Hưng Đạo, tổ 1, ấp Thanh Xuân, xã Thanh Phú, thị xã Bình Long cho biết: Theo truyền miệng của các bậc cao niên trong vùng, đền Trần Hưng Đạo được khai sáng vào năm 1935 để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của dân phu đồn điền cao su dưới thời thực dân Pháp. Hàng năm vào ngày 20-8, đền lại đón đông đảo khách thập phương trong khu vực đến đây làm lễ để tỏ lòng thành kính tiền nhân.

Chị Nguyễn Thị Hồng ở phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài chia sẻ: Vào ngày 3-3, 20-8 cả gia đình thường đến đền Đức Thánh Trần để làm lễ cúng giải hạn cho từng thành viên, cầu cho gia đình được mạnh khỏe.

Tại thị xã Bình Long, ngôi đền Đức Thánh Trần nằm trong khu vực ít dân cư nên có vẻ yên ắng, tĩnh mịch. Ông Nguyễn Văn Thu, Trưởng ban quản lý đền Đức Thánh Trần chia sẻ: “Năm 2008, đền được xây dựng lại trong tiền điện chính giữa thờ ngài Đức Thánh Trần, bên cạnh thờ Tam phủ, Tứ phủ, Linh Sơn Thánh Mẫu, Mẫu Địa Tạng... Từ khi tiếp nhận trông nom ngôi đền, chiều nào tôi cũng đến đây hương khói, quét dọn. Hàng năm vào đầu năm mới, ngày 3-3, 20-8 nhân dân thường đến đây cúng sao giải hạn nên không khí rất nhộn nhịp”.

Trái ngược với các ngôi đền ở Bình Long, Lộc Ninh, do nằm sát đường ĐT741, lại là một ngôi đền linh thiêng cho nên đền Quang Sơn Hải hay còn gọi là đền Cơ Khí, chùa Cơ Khí, tọa lạc tổ 3, khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài được nhiều người biết đến. Đền được khai sáng vào năm 1960, vào ngày chánh kỵ 20-8 đều đón đông đảo nhân dân, đạo hữu thập phương về tỏ lòng tôn kính vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo.

Cần được tu bổ

Suốt 20 năm, từ khi ba mất, anh Lê Đình Chánh ở phường Tân Phú gắn bó với “công tác hậu cần” ở đền thờ Đức Thánh Trần. Anh Chánh chia sẻ:  Ngôi đền Trần Hưng Đạo được khai sáng vào năm 1936 ở khu vực xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú ban đầu có kiến trúc tranh, tre, vách, nứa. Đến năm 1965, đền bị bom Mỹ phá tan hoang. Sau nhiều lần di dời, đến năm 1970 ba anh di chuyển đền về ngã tư Đồng Xoài, đến năm 1975 về vị trí hiện nay, trong đền thờ Trần Hưng Đạo, Tứ phủ, Phật Thích Ca, Phật Quan Âm... Vào những ngày tết, 20-8, đền rất đông người, lễ cúng được duy trì từ thời các cụ để lại và được thực hiện nghiêm túc. Theo anh Chánh, diện tích đất của gia đình anh không có nhiều lại dành phần lớn diện tích đất đền nên không gian thờ cúng rất chật hẹp. Mỗi lần tổ chức lễ cúng lại phải mượn chỗ để xe. Mặt khác do không có kinh phí nên đền rất ít được tôn tạo. Anh Chánh mong cấp chính quyền tạo điều kiện để mở rộng diện tích đền, để nơi đây trở thành một điểm đến tâm linh cho nhân dân trong khu vực và du khách thập phương.

Đền thờ Đức Thánh Trần ở Bình Phước là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của tín ngưỡng dân gian thuần Việt. Đó là các phong tục, tập quán có từ lâu đời từng hun đúc nên sức mạnh của nhân dân trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; là nền tảng đạo đức trong cách thức ứng xử giữa con người với con người, thể hiện sự kính trọng với những người đã có công với dân, với nước. Trải qua bao suy thịnh của đất nước, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần ở Bình Phước đang dần tạo nên sự đa dạng của đời sống văn hóa tâm linh. Việc gìn giữ, tôn tạo các di tích đền thờ Đức Thánh Trần là góp phần không nhỏ vào gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa ở Bình Phước. 

Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước