16:18 ICT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Câu lạc bộ cồng chiêng - Nơi truyền lửa và kết nối các thế hệ

Thứ hai - 25/05/2015 14:38
Câu lạc bộ cồng chiêng - Nơi truyền lửa và kết nối các thế hệ

Câu lạc bộ cồng chiêng - Nơi truyền lửa và kết nối các thế hệ

Thành lập câu lạc bộ (CLB) cồng chiêng để dạy lại cho thế hệ trẻ bản sắc văn hóa truyền thống; mang lời ca, điệu múa của đồng bào Xêtiêng đi biểu diễn ở các nơi… là cách CLB cồng chiêng ở ấp 9, xã Lộc Thuận (Lộc Ninh) đang làm để gìn giữ, phát huy và giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc tới nhiều dân tộc khác trong, ngoài tỉnh.

Học để hiểu văn hóa dân tộc

Thành viên CLB cồng chiêng là những nghệ nhân không chuyên. Họ tìm đến âm nhạc sau một ngày làm việc vất vả. Mọi người quây quần bên nhau, cùng múa hát để xua tan mệt mỏi, thắt chặt tình làng nghĩa xóm. CLB thành lập năm 2010 với 30 thành viên. Bên cạnh những nghệ nhân lớn tuổi thì các bạn trẻ lại là điểm sáng của CLB. Các thành viên CLB vận động con cháu, dòng họ và người dân trong thôn tích cực lưu giữ, bảo tồn văn hóa cồng chiêng. bởi đó là “phần hồn” của dân tộc và là báu vật của cha ông để lại. Ban đầu các bạn trẻ nghe vui tai mà tìm đến, được người lớn dạy lại các động tác đánh cồng chiêng, múa, hát rồi gắn bó luôn với CLB.

Các thành viên nữ trong CLB cồng chiêng ở ấp 9 tập luyện bài múa mừng lúa mới

Là một trong những nghệ nhân trẻ của CLB, chị Thị Thắm ý thức được việc gìn giữ bản sắc dân tộc từ khi còn nhỏ. Từ ngày CLB thành lập, chị Thắm tập luyện đầy đủ các buổi và rủ thêm bạn bè cùng tham gia. Với chị, không có hình thức gìn giữ nào lâu bền hơn việc tự mình trải nghiệm, phải học để hiểu văn hóa dân tộc, sau này chỉ dạy lại cho con cháu. “Khi tham gia CLB, tôi học hỏi thêm kỹ thuật đánh chiêng, hòa thanh và hòa âm sao cho nhịp nhàng. Nếu không học thì mai này thế hệ con cháu không còn được nghe tiếng cồng chiêng, không biết hát ru là gì nữa” - chị Thắm bộc bạch.

Món ăn tinh thần của đồng bào

Bà Thị Hồng (52 tuổi), Chủ nhiệm CLB và là nghệ nhân gắn bó lâu năm với văn hóa truyền thống của đồng bào. Bà Hồng biết hát, múa các làn điệu dân ca Xêtiêng từ năm 15 tuổi. Cha mẹ bà cũng là nghệ nhân nổi tiếng hát hay, múa đẹp, đánh cồng chiêng giỏi. Sinh ra trong cái nôi truyền thống của gia đình nên những bài ca, điệu múa ăn sâu vào máu thịt. Lớn lên hễ cứ nghe tiếng cồng chiêng là trong bà lại trào dâng niềm tự hào, muốn nâng niu, gìn giữ tài sản quý báu của tổ tiên để lại.

Hát ru từ bao đời nay là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Xêtiêng. Những câu hát thiết tha, sâu lắng là tiếng nói tâm tình, lời tự sự của đồng bào Xêtiêng với mọi người xung quanh về cuộc sống bản thân, gia đình và của dân làng. Hát ru thường kể về nỗi khổ cực, nhọc nhằn của người phụ nữ. Qua đó dạy con cháu biết yêu gia đình, thiên nhiên, núi rừng; biết tránh cái ác, làm việc thiện. Nhạc điệu trong lời ru thường được người mẹ lấy từ những đồ vật, cây cối, con vật xung quanh để đứa trẻ dần cảm nhận cuộc sống hàng ngày như: À ơi! Con đừng khóc/Con khỉ cắn/Con chim đang hót trong rừng/Con đừng khóc nữa để nghe con gà gáy/Con sáo kêu...

Không chỉ thuộc nhiều bài hát ru, bà Hồng còn sưu tầm, ghi chép lại cẩn thận để truyền lại cho con cháu sau này. “Mình yêu dân ca Xêtiêng bởi nét trữ tình sâu lắng, mượt mà, lại hết sức gần gũi như lời thổ lộ tình cảm của đôi trai gái dành cho nhau: Thương em thương nhiều mà tại sao em không vừa lòng với anh/Em cũng thương anh nhưng sợ anh gạt em, vì em phải giữ phần con gái của em/Nếu em không tin anh thương em thật lòng, anh sẽ chết dưới chân em/ Nếu anh thề như vậy thì em sẽ tin anh/Chúng ta sẽ yêu nhau và sống hạnh phúc suốt đời... Men rượu cần, tiếng cồng chiêng là chất xúc tác khiến lời hát càng thêm bay bổng, thiên nhiên, con người như gần gũi, hòa quện vào nhau” - bà Hồng chia sẻ.

Trăn trở về sự mai một của cồng chiêng

“Thế hệ trẻ bây giờ chưa chú tâm đến việc gìn giữ “linh hồn” của cha ông để lại. Cồng chiêng ngày một ít dần do buôn bán, chôn theo người chết (tục chia tài sản); hư hỏng, thất lạc. Không giống như trước đây, gần như người Xêtiêng nào cũng biết đánh cồng chiêng, già trẻ, gái trai đều biết vài điệu ru” - ông Điểu Phụng trăn trở.

Ở tuổi 55 nhưng giọng hát của ông Điểu Phụng - chồng bà Thị Hồng vẫn khỏe khoắn. Ông Phụng là nghệ nhân nòng cốt của CLB từ những ngày mới thành lập. Hát hay, đánh cồng chiêng giỏi nên thời trai trẻ ông Phụng được nhiều cô gái trong làng yêu mến. Tình yêu của ông bà cũng bắt nguồn từ tiếng cồng chiêng mà đơm hoa kết trái. Ông Phụng cho biết: “Cồng chiêng có thể gõ bằng dùi hoặc đấm bằng tay. Cồng chiêng là tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Xêtiêng. Những âm thanh ngân vang sâu lắng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió sẽ sống mãi cùng với đất trời và con người. Cồng chiêng có nhiều cách đánh. Nếu đánh trong ngày hội vui là bộ 5 cái, đánh bộ 3 cái là gia đình đang có tang. Trước kia dù trong lễ hội hay ma chay, muốn đánh cồng chiêng phải làm lễ cúng để thần linh về chứng giám”.

Qua 4 đời lưu giữ, gia đình bà Hồng là một trong số ít hộ người Xêtiêng ở xã Lộc Thuận còn giữ lại bộ cồng chiêng 5 cái. Nhiều người hỏi mua nhưng gia đình bà không bán mà giữ lại cho con cháu đời sau.

Mong muốn mang bản sắc dân tộc mình bay cao, vang xa, CLB cồng chiêng ở ấp 9 từng đi biểu diễn ở tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên... và giành không ít giải thưởng ở các thể loại như khôi phục lễ hội truyền thống, múa dân gian, hát dân ca, đánh cồng chiêng... Gia đình bà Hồng được UBND huyện Lộc Ninh tặng nhiều giấy khen do có thành tích đóng góp, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương.

Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước