22:32 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Gìn giữ nét đẹp áo dài Việt

Chủ nhật - 29/03/2020 17:34
Ảnh đại diện

Ảnh đại diện

Áo dài là trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Bởi thế, dẫu qua thời gian dài, với những xu thế thời trang mới thì nghề may áo dài vẫn được nhiều thế hệ lưu giữ.

Theo lời giới thiệu của người bạn là giáo viên, tôi tìm đến tiệm may Anh Đào của bà Nguyễn Thị Anh Đào (50 tuổi) đã có 30 năm gắn bó với nghề.

Bà Đào kể, từ năm 17 tuổi bà rất thích diện áo dài cũng như mê mẩn nghề may. Bà xin cha mẹ cho mình vừa đi học văn hóa vừa học nghề may. “Năm 20 tuổi, tôi làm thợ cho một tiệm may áo dài ở Thủ Đức, thành phố Hồ chí Minh. Đến năm 1991, tôi lấy chồng rồi về xã Phú Riềng, huyện Phú Riềng mở tiệm may. Áo dài nhìn đơn giản vậy thôi chứ may rất cầu kỳ. Khâu khó nhất để hoàn thành chiếc áo dài là làm phần cổ áo. Cổ áo dài bây giờ rất đa dạng từ cổ truyền thống đến các loại cách tân. Một người học việc, thời gian học đo, cắt, ráp 1 chiếc áo hoàn chỉnh cũng phải mất đến 1 năm” - bà Đào chia sẻ.

Chị Hồ Thị Quảng may áo dài cho khách

Tiệm may của bà cũng có nhiều người đến xin học nghề. Bà luôn nhiệt tình chỉ dạy từ những kiến thức căn bản đến chia sẻ kinh nghiệm bản thân. Theo bà, áo dài nhất định phải chuẩn, không như váy, áo có thể mặc rộng hay chật chút cũng được. Vì vậy, đòi hỏi người thợ bên cạnh sự tỉ mỉ còn phải có sự cần cù, kiên nhẫn.

Ngay trong chợ Đồng Phú, tiệm may áo dài của chị Nguyễn Thùy Linh luôn tấp nập khách ra vào. Chị Linh cho biết: Khách may ở đây chủ yếu là công nhân, viên chức, học sinh. Trước đây, áo dài chủ yếu được may theo mùa, vào dịp tựu trường, tết hay Ngày nhà giáo Việt Nam (20-11)..., bây giờ khách may quanh năm. Nhiều cơ quan hoặc công ty cũng chọn áo dài làm đồng phục. Đã gần chục năm gắn bó với nghề may áo dài, tôi thấy trước đây tà áo dài được may đơn giản và có chiều dài vừa tới đầu gối, thì nay tà áo dài tới mũi chân và rộng đang được nhiều người lựa chọn. Theo thời gian, chiếc áo dài cũng đã thay đổi rất nhiều, tinh tế, cầu kỳ và hiện đại hơn.

Hiện 1 bộ áo dài may ở tiệm chị Linh mức giá dao động từ 240-400 ngàn đồng, tùy theo chất liệu vải may áo. Bên cạnh đó, để tạo điểm nhấn cũng như trang trí cho chiếc áo dài sinh động hơn, các thợ may còn thêm hoa văn hoặc kết, xỏ chuỗi... trên thân và tà áo.

Tiệm may của chị Hồ Thị Quảng ngay đầu chợ Đồng Xoài cũng khá thu hút khách. Chị Quảng nói: “Để thuận tiện cho khách lựa được bộ áo dài ưng ý, ở tiệm tôi lấy luôn các mẫu vải mới với nhiều mức giá. Khi khách đến may áo dài, tôi sẽ tư vấn khách chọn chất liệu, màu sắc vải phù hợp vóc dáng. Chiếc áo dài may khéo là khi người mặc vừa vặn, tôn được vóc dáng, không trùng đường chỉ, không bị nhăn”. Khi nhận may áo, chị Quảng luôn đảm bảo giao đúng ngày hẹn và chủ động kiểm tra, chỉnh sửa nếu khách mặc thử mà chưa thật ưng ý. Mới vào nghề 5 năm, để nâng cao tay nghề cũng như cập nhật xu hướng áo dài, chị Quảng rất tích cực tham gia học các khóa đào tạo. Có những khóa học ở Hà Nội tận 3 tháng nhưng chị vẫn cố gắng thu xếp để đi học. Vì theo chị, bất cứ nghề gì cũng phải luôn cập nhật được cái mới, cái hay thì mới phát triển nghề bền vững.

Áo dài là trang phục không chỉ được nhiều chị em ưu tiên mặc trong các sự kiện quan trọng như đám cưới, đám hỏi mà còn mặc đi làm, đi chơi lễ, tết, đi chùa... Cũng nhờ vậy, người thợ may áo dài yên tâm bám trụ với nghề.

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước