Di sản đàn đá trong Bảo tàng tỉnh
Việc phát hiện đàn đá là một dấu ấn quan trọng, phản ánh bức tranh sinh động về đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của cư dân thời tiền sử trên vùng đất Bình Phước.
NHỮNG THANH ĐÁ TRỞ VỀ TỪ LÒNG ĐẤT
Đàn đá được phát hiện tại Bình Phước năm 1989 tại vườn tiêu của gia đình ông Lê Quang Bân, xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Quyết Tiến, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh. Hai thanh đá dài nằm nối tiếp nhau ở độ sâu 30cm. Năm 1996, bộ đàn đá thứ hai được phát hiện từ ông Bùi Hữu Triều ở ấp 8, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh gồm 12 thanh đá ở độ sâu 0,9-1m trong vườn tiêu. Vài ngày sau, ông Triều tiếp tục phát hiện cụm thanh đá thứ hai nâng tổng số lên 14 thanh. Tất cả các đàn đá tìm thấy trên địa bàn tỉnh đều được Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, Khoa Lịch sử thuộc Trường đại học Khoa học - xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Sông Bé và sau này là Bảo tàng tỉnh đánh số ký hiệu, lưu giữ, bảo quản và trưng bày tại Di tích lịch sử Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - Nhà giao tế huyện Lộc Ninh.
Đàn đá được tìm thấy ở xã Lộc Hòa (Lộc Ninh) - Ảnh tư liệu
Theo tác giả Nguyễn Đức Mạnh nhận định trong tác phẩm “Đàn đá Lộc Ninh” thì về cơ bản, các thanh đàn đá tìm thấy ở Bình Phước điển hình ở Lộc Hòa được chế tác từ loại đá sừng, màu xám đen, cỡ hạt từ mịn đến rất mịn. Dạng đá này chịu tác động của phong hóa, nên phủ lớp patine mỏng màu xám ngả xanh lục hoặc xanh đen, được những người thợ chế tác đá xưa chế tạo rất cẩn thẩn, tinh xảo để cấu thành hình dạng khá ổn định của từng thanh đá, một vài thanh có thiết diện ngang thân như hình tam giác, ½ thấu kính lồi hay ½ bầu dục dài, ngoài ra còn được phối trí gần giống như hình nón cụt, từ thanh dài nhất đến thanh ngắn nhất. Đàn đá được các nhạc công trình diễn bằng hình thức gõ, mỗi thanh đá sẽ phát lên các âm sắc hòa hợp trong một giai điệu thánh thót, du dương tạo thành bản nhạc sống động thường được dùng trong những dịp lễ hội lớn để cúng thần. Trong dáng vẻ mộc mạc, thô sơ đàn đá là kết tinh cao độ của một truyền thống chế tác và cảm nhận văn hóa tuyệt vời không chỉ đối với những cư dân thời tiền sử mà còn là bảo vật của người dân Bình Phước hiện nay.
PHÁT HUY BẢO VẬT CHO MUÔN ĐỜI SAU
Sự hiện diện của đán đá trên địa bàn tỉnh đã phản ánh khả năng tư duy cao, óc sáng tạo độc đáo của những cư dân bản địa nhằm phục vụ đời sống văn hóa, tín ngưỡng. Từ nguyên liệu sẵn có trong thiên nhiên để rồi trở thành bảo vật vô giá của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên dãy nam Trường Sơn hùng vĩ. PGS.TS Trần Kim Dung nhận định trong cuốn “Đàn đá Lộc Ninh (Bình Phước): Việc phát hiện đàn đá ở Bình Phước là những tư liệu sống cho việc nghiên cứu nền âm nhạc cổ xưa mà khoảng vài chục năm trở lại đây, các nhà nhiên cứu âm nhạc tầm cỡ thế giới vẫn xem là “thế giới sương mù mờ ảo”. PGS Hồ Sỹ Khoách thì cho rằng, đàn đá là một tài sản văn hóa trở thành báu vật quốc gia, cần có nhà bảo tàng để trưng bày và bảo quản riêng, tổ chức nghiên cứu góp phần xác định những luận điểm và đánh giá về đàn đá tiền sử Bình Phước.
Việc đưa đàn đá như một điểm nhấn, một báu vật vào bảo tàng để trưng bày bên cạnh hiện vật Bình Phước qua các thời kỳ hay đặc trưng văn hóa các dân tộc ở Bình Phước là việc đòi hỏi cần phải có một định hướng cần thiết, chiến lược và lâu dài, nhằm đưa các di sản có giá trị đến với công chúng và đưa công chúng đến gần với bảo tàng. Nhất là trong bối cảnh bảo tàng mới chuyển về trung tâm tỉnh. Điều đó còn tạo cơ hội trở thành điểm đến tham quan, học tập, nghiên cứu bổ ích của học sinh, sinh viên, nhân dân trong tỉnh và du khách tham quan.
Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn