Nhân tháng hành động vì trẻ em, bàn về tuyên truyền thực hiện quyền trẻ em trên báo
Tuần hai lần, Báo Bình Phước đều có chuyên mục Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bên cạnh chuyên mục này, nội dung thực hiện quyền trẻ em còn được thể hiện ở một số chuyên mục khác, như Gương người tốt việc tốt, trang Văn hóa, Giáo dục, đời sống.
Thường vào các dịp tết Thiếu nhi, tết Trung thu, khai giảng năm học mới... Báo Bình Phước đều thực hiện các chuyên trang tuyên truyền đậm nét nội dung về quyền trẻ em. Đặc biệt tháng 6 hằng năm, báo đều tập trung tuyên truyền về Tháng hành động vì trẻ em. Ngoài việc phản ánh đậm nét các hoạt động vì trẻ em, báo còn đưa tin các hoạt động kiểm tra, giám sát của Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh, huyện và ngành chủ quản đối với việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Trung ương và tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở cơ sở.
Các bé Trường mẫu giáo Phước Tín (TX. Phước Long) trong giờ thể dục buổi sáng
Từ khi Ủy ban DS-GĐ&TE giải thể, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chuyển sang ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH). Ở cấp xã phường, công việc của cán bộ chuyên trách LĐ-TB&XH đã nhiều, nay kiêm thêm mảng trẻ em, vừa mới mẻ vừa thêm việc. Do đội ngũ cán bộ cơ sở xáo trộn, cơ chế chính sách thay đổi theo hướng bất lợi nên nhiều người bỏ việc, nhiều người chuyển sang công tác khác. Một thời gian dài, ở nhiều địa phương, công tác trẻ em bị bỏ rơi. Thời điểm này, Báo Bình Phước đã có nhiều bài phản ánh thực trạng và nêu trên diễn đàn của báo câu hỏi: Ở xã, phường, ai làm công tác trẻ em? Diễn đàn đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của nhiều bạn đọc, bạn viết và người trong cuộc trong một thời gian.
… ĐẾN HIỆU ỨNG TÍCH CỰC CỦA CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN TRÊN BÁO
Từ năm 2010 đến nay, việc thông tin tuyên truyền về quyền trẻ em được Ban biên tập xác định ở phạm vi rộng hơn. Báo đã mở rộng phạm vi tuyên truyền nội dung này trên nhiều chuyên mục. Từ năm 2010, báo tuyên truyền đậm nét cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng các cấp; tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con; Tháng hành động vì trẻ em... Thông qua định hướng tuyên truyền của Ban biên tập, ngoài việc cập nhật các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, các phóng viên, cộng tác viên đã có những bài viết mang tính thời sự, lý giải một số hiện tượng trong đối tượng trẻ em; đồng thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng các giải pháp phù hợp.
Từ việc đưa lên mặt báo những hoàn cảnh thương tâm của trẻ nhỏ, một số trường hợp đã được các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp đỡ như bé Hảo ở xã Đức Hạnh bị mẹ ruột cắt gân chân. Qua báo chí, bé đã nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng và hiện đã có cuộc sống ổn định. Trường hợp một gia đình có 2 con bị bệnh tim bẩm sinh ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) được hỗ trợ mổ tim miễn phí. Một bé gái mồ côi ở xã Đức Hạnh qua báo chí đã được mổ tim nhân đạo và được một Việt kiều Mỹ nhận làm con nuôi. Nhiều trường hợp được nhận học bổng... Thông qua công tác tuyên truyền, Báo Bình Phước đã nêu lên được thực trạng công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh. Qua đó tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chủ quản để khắc phục những vấn đề còn bất cập trong thực hiện quyền trẻ em.
Nhìn chung, công tác tuyên truyền về quyền trẻ em có nhiều thuận lợi, thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng xã hội và tương đối dễ viết. Không chỉ phóng viên trong cơ quan báo mà rất nhiều bạn đọc, bạn viết có thể tham gia. Và trong thực tế, lượng tin, bài về mảng trẻ em trên Báo Bình Phước phần lớn là do cộng tác viên cung cấp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình theo dõi và trực tiếp thực hiện công tác thông tin - tuyên truyền về quyền trẻ em, có một số tồn tại cần khắc phục. Dù hầu hết các gia đình đều có trẻ em, nhưng ở một số nơi, nhận thức của cấp ủy, chính quyền đối với công tác này chưa tương xứng với tầm quan trọng của vấn đề. Ở cấp cơ sở, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thường được giao đoàn thanh niên, hội phụ nữ hoặc cán bộ chuyên trách công tác trẻ em. Việc tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở cơ sở thường chỉ định kỳ vào các dịp hè, tết Thiếu nhi, tết Trung thu, khai giảng năm học chứ chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục và có kế hoạch dài hơi, chưa được đầu tư đúng mức. Các hoạt động không có sự đổi mới. Mức độ đầu tư cho công tác trẻ em còn thấp, cả nhân lực và tài lực. Cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở được trả thù lao rất thấp và rất ít được bồi dưỡng nghiệp vụ. Trên địa bàn có nhiều cơ sở chế biến hạt điều sử dụng lao động trẻ em. Các em phải từ bỏ trường lớp, lao động sớm trong điều kiện độc hại. Nhưng nếu báo chí lên tiếng thì các em sẽ mất cơ hội kiếm tiền nuôi bản thân và gia đình.
Đối với các cơ quan tuyên truyền như báo, đài, văn hóa thông tin, việc tuyên truyền hầu như mới chỉ dừng ở mức phản ánh chứ chưa phân tích, mổ xẻ vấn đề một cách thấu đáo. Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp trẻ em vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số bị xâm hại tình dục, bị lạm dụng, bị ngược đãi, thậm chí có trường hợp đau lòng như cha ruột cưỡng dâm con gái vị thành niên, nhưng các cơ quan tuyên truyền thường chỉ nêu vụ việc một cách giản đơn, bởi việc đưa các vụ trẻ em bị xâm hại lên măt báo, nếu không khéo léo sẽ có tác dụng ngược.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 của tỉnh Bình Phước mang chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói”. Cùng với lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em cấp tỉnh được tổ chức tại thị xã Đồng Xoài, các huyện, thị còn lại đã đồng loạt tổ chức lễ lồng ghép với Ngày gia đình Việt Nam và Tháng thanh niên tình nguyện. Rất nhiều công trình, chương trình vì trẻ em của các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể... đã diễn ra trong Tháng hành động vì trẻ em năm nay. Và các phóng viên, cộng tác viên của Báo Bình Phước cũng như các cơ quan báo chí trong tỉnh đã có mặt kịp thời tại các địa phương để chuyển tải đến bạn đọc những hoạt động mang tính nhân văn nhất: thực hiện quyền trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Tác giả bài viết: Trân Luân cập nhật
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn