Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo
Trước hết phải kể đến sản phẩm du lịch về nguồn tìm về địa chỉ đỏ với tuyến quốc lộ 13 trải dài qua các di tích như: Di tích lịch sử quốc gia địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô ở Hớn Quản, Mộ 3000 người ở Bình Long, Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Quân ủy Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết, Nhà giao tế, Sân bay quân sự Lộc Ninh, Di tích lịch sử quốc gia tổng kho xăng dầu VK98, Di tích lịch sử quốc gia Cục hậu cần Miền tại Hồ Cầu Trắng. Qua tuyến đường ĐT741 và quốc lộ 14 có Di tích lịch sử quốc gia Núi Bà Rá, nơi thành lập Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng đầu tiên ở Miền đông Nam bộ Phú Riềng Đỏ, Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo.
Về du lịch sinh thái và khám phá thiên nhiên, Bình Phước có Vườn Quốc gia Bù Gia Mập với diện tích tự nhiên là 26.032 ha, hệ động thực vật phong phú, phong cảnh thiên nhiên thơ mộng và những thác nước hùng vỹ. Đặc biệt, Trảng cỏ Bù Lạch là một danh thắng nổi tiếng ở Bình Phước với những cánh rừng bao quanh những đồng cỏ trải dài tít tắp.
Về du lịch tâm linh, Bình Phước có núi Bà Rá với Miếu Bà linh thiêng mà hàng năm từ ngày 01 đến ngày 3 tháng 3 âm lịch là mùa vía bà với hàng ngàn du khách đến tham quan và chiêm bái.
Về du lịch văn hóa, Bình Phước có cộng đồng người S’tiêng bản địa với những giá trị văn hóa đặc sắc như: Cồng chiêng, thổ cẩm, ẩm thực S’tiêng phong phú với các món ăn được chế biến từ lá nhíp – một đặc sản ở vùng Bù Đăng, đọt mây, thịt nướng rau rừng…, với những lễ hội dân gian được phục dựng và những nghề truyền thống chế tác các công cụ lao động, nhạc cụ và đồ thủ công mỹ nghệ.
Bình Phước còn gần một thị trường rất đông du khách là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai với tuyến giao thông quốc lộ 13, 14 và đường ĐT741 đã hoàn thành và rất thuận lợi để đến các khu, điểm du lịch của tỉnh. Trong những năm gần đây, Bình Phước đã quan tâm đầu tư các dự án lớn như: Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Quân ủy Bộ tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết, Khu Bảo tồn Văn hóa Dân tộc S’tiêng Sóc Bom Bo, Khu du lịch tâm linh Núi Bà Rá, Khu phim trường Trảng cỏ Bù Lạch. Đây thực sự là những hạt nhân du lịch trọng điểm của tỉnh.
Nhưng tại sao có tiềm năng trên nhiều lĩnh vực nhưng du lịch Bình Phước vẫn chưa thực sự phát triển, chưa thực sự là một ngành kinh tế trọng điểm tạo nguồn thu cho ngân sách và thu nhập cho người dân, thu hút du khách đến với Bình Phước tương xứng với tiềm năng hiện có? Thực tế hiện nay du khách đến Bình Phước chủ yếu là kết hợp đi công tác với du lịch hoặc là những nhóm du lịch nhỏ lẻ chứ chưa có nhiều những đoàn du khách đến với các điểm như một tour du lịch thực sự.
Nguyên nhân, trước hết là do những sản phẩm du lịch tại các khu, điểm du lịch còn đơn điệu, khi du khách đến các khu, điểm du lịch tại Bình Phước chủ yếu là đi và xem chứ chưa thõa mãn được các nhu cầu của một chuyến du lịch là tham quan, tìm hiểu, nghỉ dưỡng, mua sắm, giải trí, tham gia lễ hội, thưởng thức ẩm thực vùng miền và các nhu cầu khác.
Sự kết nối giữa các khu, điểm, các sản phẩm du lịch từ về nguồn, tâm linh, sinh thái và tìm hiểu văn hóa thành một tuyến du lịch cụ thể để xây dựng các tour du lịch đưa khách đi qua các khu vực trong tỉnh còn rất rời rạc. Hiện nay, các khu, điểm du lịch trên địa bàn Bình Phước chủ yếu là mạnh ai nấy làm nên không tạo thành một tour du lịch thực sự. Thời gian qua, các Công ty lữ hành trong tỉnh và ngoại tỉnh chủ yếu là đưa khách trong tỉnh đi du lịch ngoại tỉnh hoặc nước ngoài chứ rất ít khi đưa được du khách vào du lịch tại Bình Phước. Nguyên nhân là do các Công ty lữ hành khi đưa du khách đến Bình Phước thì sự liên kết giữa các khu, điểm du lịch chưa chặt chẽ, sản phẩm du lịch tại các điểm còn nghèo nàn, dịch vụ ăn, nghỉ và vui chơi chưa chuyên nghiệp sẽ tạo tâm lý không tốt cho du khách, ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu của Công ty, nên họ không chú trọng với việc đầu tư để mở tuyến du lịch mới mà chỉ tập trung khai thác các tuyến và tour du lịch hiện có.
Công tác quảng bá và xúc tiến du lịch của Bình Phước chưa mạnh, chưa nắm chắc được các khu, điểm, các sản phẩm du lịch cụ thể để giới thiệu đến du khách. Trong những năm qua tỉnh đã tổ chức những hoạt động giới thiệu, quảng bá và xúc tiến du lịch nhưng thông tin cung cấp cho du khách và sản phẩm du lịch thực tế còn có nhiều khác biệt làm cho du khách khi đến Bình Phước chưa hài lòng, chỉ đến một lần và ít có khi quay lại. Vì vậy, tuy gần một thị trường rất đông du khách là Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai nhưng du khách biết về du lịch Bình Phước còn hạn chế, thậm chí người Bình Phước cũng rất ít đến các khu, điểm du lịch tại Bình Phước.
Đội ngũ làm du lịch và hướng dẫn viên hiểu một cách tổng thể về văn hóa, lịch sử và các sản phẩm du lịch của Bình Phước còn thiếu và yếu. Nên việc tổ chức và hướng dẫn du khách chưa tạo được những ấn tượng cho du khách khi đến Bình Phước.
Từ thực trạng và nguyên nhân như trên, để du lịch Bình Phước trở thành một ngành kinh tế trọng điểm, đánh thức các tiềm năng bằng sự khám phá của du khách, tỉnh cần xác định lợi thế du lịch của tỉnh là du lịch tìm về địa chỉ đỏ, du lịch sinh thái, tâm linh và tìm hiểu văn hóa bản địa chứ không nên đầu tư các dự án du lịch nhân tạo. Vì như thế sẽ không thể cạnh tranh được với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh cần có sự đầu tư đồng bộ về tiến độ và thời gian để có thể liên kết và đồng loạt đón khách đến tham quan. Tỉnh cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các Công ty lữ hành khi đưa du khách đến Bình Phước, cần kết nối các khu, điểm du lịch với những sản phẩm du lịch cụ thể, có sự kiểm tra đảm bảo sự ổn định về chất lượng; hỗ trợ, tạo điều kiện để các sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh được ổn định và phát triển. Công tác xúc tiến du lịch cần xác định sản phẩm du lịch và đối tượng khách du lịch cụ thể để tiếp cận, giới thiệu và tổ chức. Nếu tạo ấn tượng tốt cho du khách thì thông tin về du lịch Bình Phước sẽ nhanh chóng được giới thiệu trong môi trường internet hiện đại như ngày nay.
Nguồn tin: khoahocthoidai.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn