Toàn cảnh Hội nghị đầu cầu Tp. Hồ Chí Minh
Tới dự Hội nghị có: Đại diện Văn phòng Chính phủ; các Cục, Vụ, Viện, Văn phòng trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện các Sở VHTTDL các tỉnh, thành. Đại diện cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước có Đ/c Lê Văn Quang – PGĐ Sở cùng lãnh đạo các phòng: Nghiệp vụ Văn hóa, Thanh Tra Sở, Xây dựng nếp sống Văn hóa và Gia đình, Ban Quản lý di tích tỉnh tham dự.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo Sơ kết thực hiện Công điện 162/CĐ-TTg ngày 09/02/2011 của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, du lịch. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc tổ chức lễ hội đã và đang xuất hiện những biểu hiện tiêu cực, phản cảm. Thực trạng này đang làm giảm giá trị chân thực vốn có và làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa của nhiều lễ hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Xuất phát từ thực trạng đó, ngày 09/02/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 162/CĐ-TTg nhằm chấn chỉnh, nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới.
Đánh giá việc thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu rõ những công việc đã triển khai thực hiện theo Công điện số 162/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ra Thông báo số 282/TB-BVHTTDL ngày 11/02/2011 chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện của Thủ tướng Chính phủ.
Về phía Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, đã thành lập 05 đoàn kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội, tiến hành kiểm tra tại các địa bàn có lễ hội lớn như Phú Thọ, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận… Việc kiểm tra được tiến hành vào hai thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Tân Mão.
Về phía các địa phương, các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đều tổ chức các đoàn kiểm tra công tác tổ chức lễ hội, rà soát kế hoạch tổ chức, điều chỉnh nội dung, chương trình lễ hội phù hợp…
Đánh giá sơ kết kết quả đạt được sau 3 tháng tổ chức thực hiện Công điện số 162/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có thể nhận thấy việc tổ chức và quản lý lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể:
Một là, cấp ủy, chính quyền các ngành, đoàn thể chính trị và xã hội đã nhận thức rõ hơn tầm quan trọng, tính cấp thiết mà Công điện 162/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra.
Hai là, Các lễ hội đã làm tốt công tác an ninh trật tự, không có ăn xin chèo kéo khách, cờ bạc, đốt đồ mã, giao thông được phân luồng hạn chế tối đa ùn tắc, vệ sinh môi trường được thực hiện tốt, người thu gom rác và thùng rác được bố trí nhiều nơi gây ấn tượng và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người đi lễ tiểu biểu như: Yên Tử - Quảng Ninh, Đền Gióng - Hà Nội, Bái Đính - Ninh Bình. Lễ hội Chùa Hương - Hà Nội năm nay đã có nhiều chuyển biến đáng kể, khắc phục được hiện tượng mà báo chí đã nêu của mùa lễ hội năm trước, tạo ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân tham gia lễ hội.
Ba là, đối với các lễ hội lớn tiêu biểu phía Nam, UBND các tỉnh, thành phố đã chỉ đạo Ban quản lý di tích, lễ hội xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, chống ùn tắc giao thông, phòng chống cháy nổ, tạo thuận lợi cho nhân dân tham dự lễ hội, đã để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp.
Bốn là, việc thực hiện nếp sống văn minh tại một số lễ hội lớn đã có chuyển biến tích cực.
Năm là, các cơ quan thông tấn báo chí đã góp phần tích cực cùng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê phán những tiêu cực trong lễ hội; không quảng bá các hoạt động lễ hội có tính thương mại, có hình ảnh phản cảm.
Báo cáo sơ kết của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục và đề xuất phương hướng quản lý, tổ chức lễ hội trong thời gian tới.
Tại Hội nghị trực tuyến, các đại biểu đã phát biểu nhiều ý kiến, tập trung vào các vấn đề xung quanh việc quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó đáng chú ý là phát biểu của bà Lê Thị Minh Lý, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa (Bộ VHTTDL) nêu rõ, việc tổ chức một số lễ hội thời gian qua có sự sai lệch xuất phát từ việc nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Bà Lý cũng đề xuất cần sớm xem xét tổng thể di tích vật thể và phi vật thể đồng thời có phương án kiểm kê đối với các di sản văn hóa, lập hồ sơ để từ đó có chiến lược bảo vệ. Việc này không phải của riêng các cơ quan chức năng mà cũng rất cần sự tham gia của cộng đồng.
Đồng quan điểm với bà Lý, ông Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam cũng nêu lên thực tế rằng nhu cầu tâm linh của người dân rất lớn trong khi đó những hiểu biết của họ về những nghi thức lại rất hạn chế. Đây là một mâu thuẫn cần tháo gỡ. Ông Quang đưa ra giải pháp bằng hình thức đối thoại (đối thoại với cộng đồng, đối thoại với truyền thông, đối thoại với nhà khoa học)…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị các Cục, Vụ, Viện và các đơn vị có liên quan cần phối hợp xây dựng các văn bản quy định các vấn đề cụ thể trong việc quản lý, tổ chức lễ hội đồng thời tăng cường cán bộ theo dõi công tác quản lý lễ hội.
Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cũng đề nghị các địa phương tiến hành sơ kết Công điện 162/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tham mưu cho UBND nhằm làm tốt công tác thống kê di sản văn hóa phi vật thể trong thời gian tới để các lễ hội thật sự góp phần làm đẹp đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta và bạn bè quốc tế.
Tác giả bài viết: Nguyễn Cao Lương - Sở VH,TT&DL Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn