Cố võ sư, huấn luyện viên Trần Đăng Khoa (thứ 2 từ trái sang)
Suốt đời cống hiến cho nghiệp võ, cố võ sư Trần Đăng Khoa luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò hôm nay.
Cố võ sư, huấn luyện viên Trần Đăng Khoa (thứ 2 từ trái sang) cùng học trò tại giải vô địch các câu lạc bộ muay Thái toàn quốc tháng 5-2014
Sinh ra cùng võ, mất đi vì võ
Sinh năm 1982 trong một gia đình có truyền thống võ học (4 đời) ở Quảng Ngãi nên dòng máu võ thuật đã ngấm một cách tự nhiên trong Trần Đăng Khoa. Ngay từ nhỏ, cậu bé Khoa đã sớm bộc lộ những tố chất thiên phú của một người tập võ. Những đường quyền, bước di chuyển ảo diệu của võ thuật cổ truyền khiến cậu đắm say. Khi trưởng thành, sau một thời gian tham gia các giải phong trào, Khoa được gọi vào đội tuyển võ thuật tỉnh Quảng Ngãi và sớm khẳng định tên tuổi khi trở thành kiện tướng quốc gia.
Sau thời gian học tập tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia III (nay là Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng), với nhiệt huyết tuổi trẻ, khát khao cống hiến, năm 2006, anh chuyển vào Bình Phước lập nghiệp với vốn duy nhất là “tài năng võ học”. Được giao nhiệm vụ tuyển chọn và huấn luyện vận động viên (VĐV) võ thuật cho thể thao của tỉnh, võ sư Trần Đăng Khoa đã phải đi cơ sở ròng rã mấy tháng liền để tìm những gương mặt có tố chất và triển vọng.
Ông Phan Hoàng Phú, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển pencak silat tỉnh bồi hồi nhớ lại: “Ấn tượng đầu tiên về thầy, đó là một người có vóc dáng nhỏ nhắn, hơi gầy và đậm chất thư sinh. Nhưng khi tôi được tận mắt chứng kiến những cú đá cao chân đầy nội lực, bước di chuyển mau lẹ, dáng vẻ thư sinh ấy hoàn toàn biến mất mà thay vào đó là một võ sư tài năng. Năm 2006, điều kiện tập luyện thể thao còn hạn chế. Nhiều hôm dưới cái lạnh lúc 4 giờ sáng, thầy cùng học trò khởi động rất lâu mới có thể tập luyện. Những vết sẹo, vết chai sần trên da thầy và trò cũng ngày một nhiều vì phải tập trên nền bê tông lởm chởm do thiếu thảm. Chính những lời động viên, an ủi của thầy đã tạo động lực, sức mạnh cho lớp trẻ chúng tôi”.
Những cống hiến lớn lao
Trong suốt sự nghiệp huấn luyện của mình, võ sư Trần Đăng Khoa cùng các học trò đã đem về cho tỉnh nhiều thành tích nổi bật, như: HCV giải trẻ toàn quốc 2008 của VĐV Phan Hoàng Phú, HCV giải võ Let’s Viet 2014 của VĐV Nguyễn Văn Tùng cùng những tấm huy chương tầm cỡ thế giới và châu lục của VĐV Lương Hồng Liên... Qua đó, khẳng định sức mạnh võ thuật Bình Phước trên bản đồ thể thao cả nước và các môn võ cũng là “mỏ vàng” của thể thao Bình Phước trong mỗi đợt tranh tài. Những học trò xuất sắc do anh đào tạo giờ đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong huấn luyện thể thao tỉnh, như: Phan Hoàng Phú, Trần Quang Hiệp (pencak silat); Nguyễn Văn Tùng, Lương Hồng Liên (vật cổ truyền); Lê Văn Tú (muay Thái)...
Không chỉ có công đưa võ thuật đến với thể thao thành tích cao, võ sư Trần Đăng Khoa còn cùng trợ lý Đinh Văn Anh đẩy mạnh việc dạy võ trong quần chúng, phát triển thể thao phong trào. Các lớp dạy võ trên sân tập của Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh hiện luôn duy trì sĩ số từ 50-70 em.
“Thầy là người sống tình cảm, không có ai chê trách, từ học trò của thầy đến những người bộ môn khác. Tôi vẫn nhớ, thầy thường hay nói, trừ khi trò bỏ thầy chứ thầy không bỏ bất kỳ trò nào. Đó cũng là điều tôi học tập từ thầy cho công tác huấn luyện của mình” - huấn luyện viên Phan Hoàng Phú chia sẻ. Những đóng góp của cố huấn luyện viên Trần Đăng Khoa cho nghiệp võ của tỉnh thật đáng tự hào và ghi nhận.
Năm 2014, Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc tổ chức tại Nam Định, các bộ môn do võ sư Khoa gánh trọng trách đã giành 3 huy chương vàng (HCV) trên tổng số 6 HCV của toàn đoàn ở 3 môn thi đấu: Võ thuật cổ truyền, pencak silat và boxing. Dù đang bị bệnh (bệnh vảy nến và nhiễm trùng máu) tới mức đi không vững, phải truyền máu tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng để động viên và khích lệ tinh thần VĐV, anh vẫn đến Nam Định trực tiếp chỉ đạo học trò thi đấu. Do áp lực công việc nên bệnh phát tác nặng, khiến anh qua đời ở Nam Định khi mới 31 tuổi. |
Tác giả bài viết: VH,TT&DL
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn