19:12 ICT Thứ năm, 16/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Cục Hậu cần Miền

Thứ năm - 24/09/2015 10:56
Di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Cục Hậu cần Miền

Di tích lịch sử quốc gia Căn cứ Cục Hậu cần Miền

Tháng 10 năm 1963, Phòng Hậu cần Miền được thành lập. Để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng của chiến trường miền Nam, ngày 10 tháng 12 năm 1964, Trung ương Cục và Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Cục Hậu cần Miền trên cơ sở phát triển Phòng Hậu cần Miền. Cục Hậu cần Miền là một đơn vị chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ngày 07/4/1972, Lộc Ninh được giải phóng, trở thành “thủ phủ” của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.  Năm 1973, để phù hợp với tình hình mới, Bộ Chỉ huy Miền đã rời căn cứ từ huyện Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) về căn cứ Tà Thiết (Lộc Ninh – Bình Phước) vàCục Hậu cần Miền chuyển từ Campuchia về lập căn cứ tại khu vực Hồ Cầu Trắng (xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh) mang mật danh V.104, để thuận lợi cho việc tiếp nhận hậu cần theo đường vận tải chiến lược 559, cũng để tiện chỉ huy, chỉ đạo các lực lượng phía trước, phía sau của Cục Hậu cần Miền, phục vụ kháng chiến, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân 1975giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.Khu vực nàyvừa có rừng rậm, vừa có hồ nước tự nhiên rất rộng, vừa gần tuyến vận chuyển từ biên giới Campuchia sang, từ Tây Nguyên xuống phía Tây Bắc Sài Gòn nên rất thuận lợi cho công tác tổ chức lực lượng bảo đảm hậu cần, và tiếp nhận sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Miền. Các cơ quan, trụ sở của Cục Hậu cần Miền chủ yếu được làm bằng tre, cây rừng và lợp lá trung quân.

Để chuẩn bị trực tiếp cho chiến dịch Hồ Chí Minh, Cục Hậu Cần Miền  được giao nhiệm vụ hậu cần chiến dịch, trên cơ sở thế trận hậu cần Miền, lực lượng được tăng cường, hậu cần chiến dịch nhanh chóng điều chỉnh phù hợp với quyết tâm của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đảm bảo phục vụ cho 5 hướng tiến công vào giải phóng Sài Gòn. Đồng thời, chỉ đạo các Đoàn Hậu cần tích cực, chủ động chuẩn bị lực lượng, vật chất kỹ thuật sẵn sàng phục vụ đầy đủ, kịp thời cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta.

Do chủ động, tích cực chuẩn bị theo phương án tác chiến, các đoàn hậu cần đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Là lực lượng “đi trước về sau”, đảm bảo kịp thời, đầy đủ vật chất cho các lực lượng tác chiến, một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trải qua gần 40 năm sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, di tích Cục Hậu cần Miền tại khu vực  Hồ Cầu Trắng chỉ còn là địa điểm. Để thể hiện tấm lòng tri ân mang đậm tính nhân văn, nghĩa tình đồng đội. Di tích Địa điểm Cục Hậu cần quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1973 -1975) được xây dựng năm 2009 đến năm 2010, gồm có:Nhà bia tưởng niệm và Nhà trưng bày lưu niệm Cục Hậu cần Miền; Hội trường; Nhà bia tưởng niệm và Nhà tưởng niệm Quân,dân y.

Di tích Địa điểm Căn cứ Cục Hậu cần Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (1973-1975) là nơi giáo dục, học tập truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ của đất nước. Di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia ngày 10/3/2014.

Tác giả bài viết: Lê Phương

Nguồn tin: Ban Quản lý di tích

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: hậu cần, chỉ huy, miền

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước