10:28 ICT Thứ hai, 23/12/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động khác

Dự thảo Luật Du lịch và những bất cập

Thứ hai - 20/06/2016 09:44
Hướng dẫn viên hướng dẫn cho khách du lịch tại nhà trưng bày khu di tích ATK Định Hóa

Hướng dẫn viên hướng dẫn cho khách du lịch tại nhà trưng bày khu di tích ATK Định Hóa

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa công bố dự thảo Luật Du lịch để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân và các cấp, ngành. Dự thảo luật này gồm 9 chương với 83 điều. Nội dung của luật quy định về khách du lịch; tài nguyên du lịch; quy hoạch phát triển du lịch; khu du lịch, tuyến du lịch, điểm du lịch và đô thị du lịch; hoạt động kinh doanh du lịch; xúc tiến du lịch; hợp tác và hội nhập quốc tế về du lịch và quản lý nhà nước về du lịch.

Về điều kiện hành nghề và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, tại Điều 62 của dự thảo Luật Du lịch có quy định như sau: Điều kiện hành nghề hướng dẫn du lịch: Hướng dẫn viên du lịch quốc tế, hướng dẫn viên du lịch nội địa được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên và có hợp đồng với doanh nghiệp lữ hành. Hướng dẫn viên du lịch tại điểm được hành nghề khi có thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn du lịch: Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng các chất gây nghiện; có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, trách nhiệm, có ý thức chấp hành pháp luật;...

Với quy định về điều kiện hành nghề hướng dẫn du lịch như dự thảo luật nêu trên thì không có gì để bàn, nhưng nội dung quy định về điều kiện cấp thẻ hướng dẫn du lịch lại là vấn đề đang gây tranh cãi trong dư luận. Theo đó, dự thảo Luật Du lịch đưa ra yêu cầu để được cấp thẻ hướng dẫn viên thì người xin cấp thẻ phải có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, trách nhiệm, có ý thức chấp hành pháp luật. Thế nhưng, trong nội dung của dự thảo luật này lại không hề có một điều hay khoản nào quy định cụ thể như thế nào là một hướng dẫn viên du lịch có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, trách nhiệm và có ý thức chấp hành pháp luật? Vì thế, không ít ý kiến cho rằng việc xác định điều kiện này hoàn toàn mang cảm tính, chung chung và rất khó thực thi.

Hơn nữa, nếu quy định này trở thành luật thì chắc chắn nó sẽ tạo không ít kẽ hở cho những người có thẩm quyền xét và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch. Bởi lẽ từ thực tế cuộc sống cho thấy, thước đo về giá trị đạo đức, phẩm chất, nhân cách của con người mang tính trừu tượng, cảm tính, không có số liệu hoặc một thước đo đánh giá cụ thể. Vì vậy, nếu đưa tiêu chuẩn đạo đức vào là điều kiện đủ để được cấp thẻ hành nghề thì đây là việc làm chỉ mang tính hình thức. Đó là chưa nói tới việc đạo đức nghề nghiệp, tính trung thực, tinh thần trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật của con người có thể bị thay đổi cùng thời gian và điều kiện sống theo ba hướng là: Tốt hơn, giữ mức và xấu hơn trước khi xin vào làm hướng dẫn viên du lịch. Cuối cùng là ai và cơ quan nào dám xác nhận ông A hay bà B là người có đạo đức nghề nghiệp, trung thực, trách nhiệm và có ý thức chấp hành pháp luật... tốt, xấu hay trung bình?

Điều bất cập thứ hai là trong dự thảo Luật Du lịch chỉ đưa ra yêu cầu về chuyên môn đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế thì chỉ cần tốt nghiệp cao đẳng là đủ, mà không nhất thiết phải là cử nhân như hiện nay. Cụ thể, tại Điểm d, Khoản 2, Điều 62 quy định về điều kiện chuyên môn để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch, như sau: Tốt nghiệp trung cấp trở lên đối với người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa; tốt nghiệp cao đẳng trở lên đối với người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế;...Trong khi đó, hầu hết các ngành hoạt động dịch vụ hiện nay đã và đang đòi hỏi người có trình độ chuyên môn cao. Và nếu yêu cầu chỉ cần trình độ cao đẳng mà đã có thể là hướng dẫn viên du lịch quốc tế liệu có đảm bảo về kiến thức chuyên môn, sự am hiểu về văn hóa thế giới, cũng như ngoại ngữ đối với đặc thù của nghề này?

Thứ ba là tại Khoản 5, Điều 31 của dự thảo Luật Du lịch có quy định như sau: Trong thời hạn sáu tháng kể từ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh, khai thác khu du lịch, Ban quản lý hoặc chủ sở hữu khu du lịch phải gửi hồ sơ đăng ký xếp hạng khu du lịch đến cơ quan có thẩm quyền để thẩm định, xếp hạng cho khu du lịch. Theo quy định như trên thì thời gian 6 tháng sẽ quá dài. Nếu dự án nằm trong tỉnh thì thẩm quyền thẩm định để xếp hạng là của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thì cần gì phải mất tới 6 tháng. Còn đối với dự án, khu du lịch tầm cỡ quốc gia thì ắt Tổng cục Du lịch đã nắm rõ quy mô, tiềm năng... thì thời gian 1 tháng cũng đã là dài.

Dẫu sao thì trên đây mới chỉ là ý kiến của cá nhân người viết bài, rất mong bạn đọc gần xa và các cơ quan chức năng cùng góp ý để dự thảo Luật Du lịch được hoàn thiện hơn và sớm đi vào cuộc sống.

Tác giả bài viết: VH&TT&DL

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: du lịch

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước