23:06 ICT Chủ nhật, 28/04/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động khác

Thể thao dành cho người khuyết tật: Khó mà dễ - Bài 1

Thứ hai - 15/08/2016 10:34
Gia đình NKT Dương Thị Rin ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp tham gia hội thao NKT năm 2016

Gia đình NKT Dương Thị Rin ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp tham gia hội thao NKT năm 2016

Sức khỏe yếu, cơ thể không lành lặn nhưng nhiều người khuyết tật (NKT) vẫn yêu và gắn bó với thể thao. Bởi thể thao không chỉ là sân chơi lành mạnh, bổ ích mà còn giúp NKT có cơ hội được chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và thể hiện nghị lực vươn lên trong cuộc sống, qua đó giúp họ sống vui, khỏe và có ích.

Thường thì NKT hay có tâm lý tự ti, ngại giao tiếp, ngại đám đông. Vì vậy, để NKT đến với thể thao, ngoài sự giúp đỡ tận tâm của gia đình, họ rất cần sự hỗ trợ, động viên từ cộng đồng.

Cán bộ hội bảo trợ - trợ thủ của NKT

Hội thao NKT chính là cầu nối đưa NKT đến với thể thao và gắn bó với bộ môn mà họ yêu thích. Năm 2016, hội thao NKT tỉnh Bình Phước lần thứ 3 thu hút 130 vận động viên (VĐV) đến từ các huyện, thị xã trong toàn tỉnh về tham gia. Sự háo hức, hăm hở của VĐV khuyết tật, cho thấy đây là sân chơi được NKT yêu thích. Chứng kiến nhiều VĐV khuyết tật thi đấu 2-3 nội dung, không ai nghĩ trước đây họ mang tâm lý e ngại.

Chị Đoàn Thị Hà, cán bộ Hội Bảo trợ người tàn tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo huyện Bù Đốp cho biết: Hội thao là sân chơi lành mạnh dành cho NKT, nhưng để vận động họ tham gia là điều không dễ. Đa phần NKT ở các huyện biên giới chưa biết hội thao là gì, do ngại thể hiện khiếm khuyết trên cơ thể trước đám đông. Vì thế, để NKT biết và tham gia hội thao, cán bộ hội bảo trợ các huyện, thị xã phải là đội ngũ tuyên truyền viên tích cực, tận tâm. Họ phải gần gũi, nắm bắt tâm tư, hoàn cảnh từng NKT và khéo léo lựa chọn thời điểm thích hợp đến nhà động viên. Và khi đã có tâm lý tích cực, tin tưởng vào khả năng bản thân, NKT sẽ chủ động đăng ký tham gia hội thao.

Gia đình NKT Dương Thị Rin ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp tham gia hội thao NKT năm 2016

Gia đình NKT Dương Thị Rin ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp tham gia hội thao NKT năm 2016

Chị Hà cho rằng, khi đã vận động được 1 người sẽ có thêm 2-3 NKT cùng tham gia vì họ muốn có bạn cùng đi thi để tìm sự đồng cảm. Tham gia thi đấu, được nhìn những người đồng cảnh ngộ tự tin thi tài năng, được nghe nhiều câu chuyện vượt lên chính mình, NKT càng thêm tự tin vào bản thân và chủ động, gắn bó với những lần thi tiếp theo.

Tại thị xã Đồng Xoài, việc vận động không quá khó và mất nhiều thời gian do NKT sớm được tạo điều kiện tiếp cận thể thao. Thường ngày, NKT ở đây nhìn thấy các dụng cụ tập luyện thể thao ở khuôn viên Tượng đài chiến thắng Đồng Xoài và đông đảo nhân dân tập luyện thể thao nên hòa vào không khí này để rèn luyện bản thân. Họ có thể tập cùng những người bình thường có thể chất, kỹ thuật tốt. Khi hội thao diễn ra, NKT chủ động đăng ký và tập dượt từ trước. Ông Bùi Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Bảo trợ NKT - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo thị xã Đồng Xoài cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng vận động các địa chỉ nhân đạo, nhà tài trợ để có nguồn hỗ trợ VĐV khuyết tật luyện tập, thi đấu thể thao”.

Không chỉ vận động tốt, cán bộ hội bảo trợ, ngành văn hóa - thể thao còn là những trợ thủ sát cánh cùng NKT tại hội thao. Tại hội thao 2016, chúng tôi xúc động trước hình ảnh nhiều cán bộ, nhân viên bế, dìu NKT lên xuống ôtô, xe lăn, xe lắc, bước qua từng bậc thang... đến điểm thi đấu. Việc làm giàu nghĩa tình này trở thành sợi dây tình cảm gắn kết NKT với thể thao và giúp họ có niềm tin để vươn lên. Và đã có những cái tên được xướng lên sau những mùa hội thao, như vợ chồng NKT Vương Gia Vinh - Dương Thị Rin ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp; anh Trần Hữu Doanh ở xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài; chị Ngô Thị Sương ở thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú...

“Bầu bí” thương nhau

Ngoài sự chung tay của cộng đồng, một chỗ dựa không kém vững chắc cho NKT khi tham gia thi đấu là những VĐV khuyết tật khác. Quan sát khu vực sân vận động tỉnh - nơi diễn ra nội dung chạy ngắn, đua xe lăn, xe lắc, chúng tôi thấy nhiều VĐV khuyết tật không nề hà sức khỏe, không để ý bản thân đã thi đấu hay chưa mà chạy dọc hai bên đường đua cổ vũ cho “địch thủ”. Cùng với sự cổ vũ nhiệt tình của người thân và khán giả khiến NKT thêm hào hứng, nỗ lực về đích an toàn.

Và phía sau dãy cổ động viên NKT có những VĐV khuyết tật khác đang lặng lẽ giúp VĐV đồng cảnh thắt từng sợi dây bảo hiểm trên điểm đặt chân xe lăn, xe lắc. Việc làm nhỏ mang ý nghĩa lớn giúp nhiều VĐV khuyết tật kiểm soát đôi chân mất cảm giác của mình, khi xe chạy tốc độ cao. VĐV khuyết tật Hữu Doanh khẳng định: “Tuy thân hình thấp bé nhưng tôi có đôi tay khỏe, đôi chân vững. Giúp được các bạn việc gì là tôi giúp, kể cả thắt dây an toàn ở bàn chân”.

Nhìn các cô, bác, các anh chị tự tin vượt qua nỗi mặc cảm, tự ti để hòa chung niềm yêu thích thể thao của mình với mọi người, chúng tôi cảm nhận được họ đã chiến thắng. Như anh Doanh nói với tôi trong buổi bế mạc hội thao 2016: “Từ sự giúp đỡ của mọi người, tôi đã về đích an toàn”. 

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước