Đàn ông người Mơnông thi đan gùi
Trước đây, các sản phẩm đan lát từ mây tre phổ biến trong đời sống người Mơnông. Bất cứ người nam nào đến tuổi trưởng thành cũng đều được ông, cha truyền dạy đan các vật dụng sinh hoạt trong gia đình, từ kỹ thuật đơn giản đến phức tạp. Đôi bàn tay khéo léo của họ đã tạo ra các sản phẩm từ những loại cây như tre, nứa, song, mây...
Để có sản phẩm tính thẩm mỹ cao đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn, có kinh nghiệm và mất khá nhiều thời gian (thường 15-20 ngày) từ khâu vào rừng tìm kiếm nguyên liệu như cây mây, song, lồ ô, tre... Đối với tre, lồ ô thì yêu cầu phải thẳng, không bị sâu mọt và không quá già hoặc quá non, sau đó chặt thành từng đoạn, ngâm dưới suối. Các nguyên liệu đều được phơi nắng thật khô, đảm bảo không bị co rút. Riêng dây mây, thì gác bếp khi cần mới lấy xuống, cắt ngắn theo kích thước cần thiết, đem nhúng nước, chẻ ra rồi dùng buộc. Công đoạn vót, chẻ nan cũng là yếu tố quyết định để hoàn thiện sản phẩm đẹp. Do đó, đòi hỏi người đan phải có kinh nghiệm. Chẻ nan mỏng hay dày tùy thuộc từng sản phẩm, chẻ xong phải chuốt sao cho nan có độ mềm, nhẵn và đều, để khi đan các nan khít không tạo kẽ hở.
Đàn ông người Mơnông thi đan gùi
Với kỹ thuật đan theo kiểu cài lóng mốt, lóng đôi, lóng ba hoặc cài nan hình lục giác... kết hợp lối kết, quấn nan rất phức tạp và tinh vi đầy sức sáng tạo, người Mơnông đã tạo ra rất nhiều sản phẩm. Nhưng phổ biến vẫn là các loại gùi, dụng cụ phơi lúa, đánh bắt cá... Đối với các vật dụng thông thường như gùi lúa, gùi củi... người đàn ông Mơnông nào cũng có thể đan nhưng riêng gùi đựng của (gùi có nắp) hay xàng, nia và những sản phẩm được trang trí hoa văn cầu kỳ, phải là nghệ nhân có tay nghề cao. Với các sản phẩm như gùi, nong, nia... của những thợ giỏi còn được dùng để đổi vật dụng cần thiết cho gia đình. Vì vậy, trong một bon, làng, chỉ 1 hoặc 2 người biết đan, thậm chí không có thì phải trao đổi tài sản khác như lúa, heo để đưa sản phẩm đan lát về sử dụng. Ngoài ra, những người thợ giỏi sẽ được mời đến các gia đình khác trong cộng đồng để tham gia nhiều công việc quan trọng của bon. Đây cũng là một trong những niềm tự hào của gia đình, dòng họ.
Để trang trí hoa văn trên các sản phẩm đòi hỏi sự khéo léo, óc thẩm mỹ và kinh nghiệm lâu năm của người đan. Những sợi nan tạo hoa văn được vót trước khi đan và tạo màu từ lá rừng (cây thuộc họ dây leo, lá tròn, có nhựa dính đem về giã nát rồi bôi lên những sợi nan, sau đó đem ngâm dưới bùn khoảng vài ngày sợi nan sẽ có màu đen bóng rất đẹp). Nếu muốn tạo thêm màu khác chỉ cần quét chất liệu này lên nan và để trên gác bếp một thời gian sẽ thành màu nâu đậm, độ đậm nhạt tùy thuộc quét nhiều hay ít (ngày nay họ dùng sơn để tạo màu cho các sợi nan).
Hoa văn trên các sản phẩm đan lát như gùi, nia... thường theo mô típ hình kỷ hà để tạo ra vạn vật như hoa văn lá đậu (nirang ha tuh), hoa văn cành đa (rơ nook mbah jiri), hình đa giác, tam giác, vuông được tạo nên bởi phương pháp đan cài nan, kết hợp nan hun khói, nhuộm màu... Từ bàn tay khéo léo và con mắt thẩm mỹ, người Mơnông đã tạo ra những chiếc gùi, giỏ... kiểu dáng đẹp với hoa văn trang trí sinh động, phong phú. Ngày nay, các sản phẩm đan lát từ mây tre không còn phổ biến nhưng trong một vài bon, làng vẫn còn những người thợ già cần mẫn đan gùi, giỏ đựng cá... góp phần gìn giữ văn hóa độc đáo của đồng bào Mơnông.
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn