23:09 ICT Thứ bảy, 21/12/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động du lich

Lạc vào chốn hoang ca

Thứ sáu - 21/07/2017 09:59
Lạc vào chốn hoang ca

Lạc vào chốn hoang ca

“Tháng này có lúa rồi. Con trai đi thăm hum (thăm bẫy – PV) trong rừng, con gái đi tum (sút cá – PV) dưới suối. Chỉ cần có con cheo là mình mời anh em thân mật trên nương rẫy cùng ăn, cùng vui. Chúng tôi cùng uống rượu cần, cùng đánh cồng chiêng, dih dut và hát tam bách có khi thâu đêm suốt sáng. Người Kinh gọi đó là lễ ăn mừng lúa mới” – người con của núi rừng Điểu Sa Roi thổ lộ trong ngôi nhà dài lọt thỏm giữa vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên.

VỀ PHÍA ĐẠI NGÀN

Đi qua trảng cỏ Bù Lạch để đến khu định canh, định cư thôn 8, xã Đồng Nai rồi quẹo về hướng đông bắc chừng 5km là đến Tiểu khu 196 thuộc Ban quản lý rừng Đồng Nai. Tại đây có 30 ha rừng tiếp giáp vùng đệm của Vườn quốc gia Cát Tiên đã giao cho Hợp tác xã (HTX) nông lâm nghiệp Bù Xốp khoanh nuôi bảo vệ. Trong đó có 10 ha khoanh nuôi, 20 ha được chuyển đổi thành rừng kinh tế. Giám đốc HTX là anh Điểu Sa Roi, sinh năm 1973, thường trú thôn 6, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng.

 

Dòng suối bên ngôi nhà dài là mạch nguồn để anh Điểu Sa Roi gắn bó với những làn điệu dân ca của dân tộc mình (ảnh lớn). Điểu Sa Roi đang thổi bài dân ca “Quê Hương” do anh sưu tầm bằng nhạc cụ đàn bầu của người S’tiêng (ảnh nhỏ)

Vọng gác núi rừng được Điểu Sa Roi dựng ngay bên suối giữa đại ngàn quanh năm sương gió bao phủ. Vọng gác này được hình thành năm 2008, thời điểm HTX nông lâm nghiệp Bù Xốp ra đời. Từ khu định canh, định cư của xã Đồng Nai đến được vọng gác nằm ở lưng chừng đồi phải mất 2 giờ men theo đường mòn đồi dốc. Tôi tìm đến vọng gác của anh Điểu Sa Roi vào đầu mùa mưa ở vùng đất chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Con đường không thể dốc hơn, không thể trơn trượt hơn nhưng phải vượt qua nếu muốn tìm gặp anh Điểu Sa Roi. Có nhà cấp 4 ở thôn 6, xã Đồng Nai nhưng cuộc sống của Sa Roi gần như gắn chặt với ngôi nhà dài tranh nứa ở Tiểu khu 196.

Căn nhà dài là nơi ăn, chốn ở cho cả gia đình anh Điểu Sa Roi sau khi lên nương rẫy hay tuần tra bảo vệ rừng. Bên trong nhà có chiếc giường được kết nối bằng những ống lồ ô và mây tre của núi rừng, một ít quần áo đã bạc màu, gạo, mắm, muối, xoong nồi, chén đĩa và dụng cụ đi rẫy thường thấy của người S’tiêng. Giữa nhà còn có bếp lửa không bao giờ tắt được duy trì bằng những cây rừng đã khô mục. Ngoài vườn có đàn gà lai rừng lúc nhúc được anh Sa Roi chăn thả nhằm cải thiện bữa ăn cho gia đình hay mỗi khi đón khách. Xung quanh nhà là đại ngàn quanh năm vang vọng tiếng róc rách của suối giữa tầng tầng, lớp lớp sương gió. Ngay từ thuở lọt lòng, Điểu Sa Roi đã sống và lớn lên cùng núi rừng, cùng tiếng cồng, chiêng, đàn dih dut ngân vang và làn điệu dân ca mà người S’tiêng gọi là tam bách. Những thanh âm ấy cứ ngỡ đã trở thành trầm tích của miền ký ức qua bao cuộc bể dâu, thế nhưng lại ùa về rồi trở nên cuồn cuộn khi được sống với Điểu Sa Roi cả ngày nơi núi rừng xanh thẳm.

SA ROI VÀ CÂY ĐÀN DIH DUT

Tôi biết đến anh Điểu Sa Roi như một nghệ sĩ của núi rừng qua lời kể của bạn bè là người S’tiêng ở xã Đồng Nai và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Phước. Từ lý do này nên lúc đặt chân vào ngôi nhà dài của Sa Roi nơi rừng sâu tôi đã đưa mắt lùng sục mọi ngóc ngách để tìm kiếm nhạc cụ thường dùng của người S’tiêng. Thế nhưng chẳng có loại nhạc cụ nào được cất giữ trong ngôi nhà này cả. Có chăng là những ống lồ ô đang cháy dang dở sau khi nấu cơm lam hoặc canh thụt. Hình như dò đón được ý tôi nên Điểu Sa Roi cất giọng: “Anh cứ ngồi đây nghỉ ngơi cho khỏe đã, lát nữa mình sẽ đàn hát cho anh nghe đến sáng. Gà có rồi, rượu có rồi, đàn dih dut phải đợi một lúc mới có. Mùa này mà vào đến đây chỉ cần một cơn mưa thì mai mới về được”. Vậy là tôi ngồi đợi Sa Roi trên chiếc giường lồ ô được sưởi ấm bằng hơi nóng của bếp lửa đặt giữa nhà dài.

Anh Điểu Sa Roi đang đàn bài hát dân ca “Ngắm trăng” do anh sưu tầm năm 2006 bằng cây đàn dih dut

Sau 15 phút ra ngoài, Điểu Sa Roi trở vào trên tay cầm một ống lồ ô, vài sợi lạt cùng con dao côi. Ngồi bệt xuống đất, Điểu Sa Roi dùng sợi lạt buộc chặt hai đầu ống lồ ô rồi đưa con dao lướt nhẹ trên ống tạo thành những khe hở song song. Nhẹ nhàng dùng mũi dao lòn qua các khe hở để tạo thành dây đàn. Cũng con dao côi ấy, anh chuốt một thanh tre nhỏ khác cắt thành 6 khúc dài chừng 15cm rồi kê vào bên dưới dây đàn để tạo khuôn nhạc. 30 phút là khoảng thời gian để Điểu Sa Roi hoàn thành cây đàn dih dut 6 dây bằng con dao côi. Cũng loại nhạc cụ này người Raglai ở Ninh Thuận gọi là đàn Chapi nhưng chỉ có 4 dây.

Tôi đưa tay cầm cây đàn chưa kịp nói câu gì thì Điểu Sa Roi đã bước ra ngoài. Anh lấy hòn sỏi ném ngang trên mặt đất, phía trước là một con gà đã nằm im bất động. Bước tới cầm con gà đi nhúng qua dòng nước suối mát lạnh rồi anh mang vào đưa lên ngọn lửa trên bếp hơ qua. Vừa hơ vừa nhổ lông rồi nướng gà. “Mình làm thế này mới thơm ngon, làm như người Kinh nó không thơm đâu” – Sa Roi giải thích cách làm gà mà từ trước đến nay tôi chưa từng thấy.

THƯỞNG THỨC HOANG CA

Một con gà mái lai rừng nướng, bịch rượu trắng và cây đàn dih dut là bữa tiệc của Điểu Sa Roi tiếp đãi tôi trong ngôi nhà dài ở giữa Tiểu khu 196 nằm cạnh vùng đệm Vườn quốc gia Cát Tiên.

Tôi được thưởng thức âm thanh cây đàn dih dut qua bàn tay chai sạm, thô ráp bởi nắng, mưa trên nương rẫy của Điểu Sa Roi. Trong thang âm ấy nói rằng: “Đại ngàn gió hát quanh lưng đồi/ Kìa ánh trăng soi muôn trùng/ Lời hát sáng khắp buôn làng ta. Rừng vọng tiếng hát chim theo đàn/ Dòng suối trong xanh soi mây ngàn/ Người về nhớ chốn quê bình yên…”. Đây là lời của bài hát “Ngắm trăng” do Điểu Sa Roi sưu tầm, phiên dịch trong kho tàng âm nhạc dân gian của cộng đồng người S’tiêng từ năm 2006. Với Điểu Sa Roi, cây đàn dih dut là loại nhạc cụ có thể đánh bất kỳ lúc nào khi mình muốn. Khi vui, khi buồn, khi yêu, khi nhớ bạn, nhớ rừng đều có thể đem ra để chia sớt nỗi niềm. Đặc biệt vào tháng 6, tháng 7, lúc lúa đã vào bồ, trai gái trong buôn sóc thường rủ nhau lên nương rẫy phát cỏ, hái rau rừng hoặc con trai đi thăm hum, con gái đi tum dưới suối, tiếng đàn dih dut sẽ là người bạn thay lời tỏ tình cho những chàng trai, cô gái đang độ tuổi trăng tròn. Bởi thế nên khi nhớ người mình yêu chàng trai cũng mang cây đàn dih dut ra đánh, nhớ đêm trăng gặp nhau trong rừng cũng đánh đàn và đánh trong tất cả các trạng thái nỗi nhớ của người S’tiêng.

Ngoài cây đàn dih dut, Điểu Sa Roi còn biết sử dụng thành thạo kèn lá, cồng chiêng và cả đàn bầu 6 ống hết sức độc đáo của người S’tiêng. Người vừa biết hát, biết sưu tầm và phiên dịch dân ca, biết sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc của người S’tiêng như Điểu Sa Roi cả huyện Bù Đăng chỉ còn mình anh. Anh muốn hát nhiều, sưu tầm nhiều để lưu giữ cho con cháu mai sau nhưng không đủ tiền để thu âm, phổ nhạc. Anh muốn truyền nghề đánh cồng chiêng, thổi kèn bầu, đánh dih dut cho con cháu nhưng lớp trẻ bây giờ cứ thờ ơ. Bởi vậy anh thường hát, thường chơi một mình nơi núi rừng hoang vu để nhớ về cách sống, giao tiếp giữa người với người, cách ứng xử giữa người với núi rừng được nâng lên thành nghệ thuật đậm chất văn hóa S’tiêng đang trước nguy cơ mai một.

Mình nhớ rừng lắm! Nhớ nhất là đi thăm hum gặp các cô gái, chàng trai người S’tiêng hát với nhau ngay giữa núi rừng. Mình giữ rừng là giữ không gian cho tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng đàn dih dut còn có đất sống. Rừng che chở mình từ tấm bé. Rừng nuôi mình không chỉ bằng những con cheo, hạt lúa trên đồi nương mà còn bằng những làn điệu dân ca ngân nga, những đêm lửa đỏ rực giữa rừng già thật nồng nàn bên ché rượu cần. Rừng còn giúp mình nói lên tiếng lòng với người con gái mình yêu qua cây đàn dih dut mộc mạc.

Anh Điểu Sa Roi

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước