Một pha tranh chấp bóng tại giải vô địch bóng đá huyện Lộc Ninh năm 2013
Sân bóng đá mini (5 và 7 người) đang phổ biến vì chi phí đầu tư không quá lớn, khả năng thu hồi vốn nhanh. Bên cạnh đó, thi đấu bóng đá mini dễ tập trung, tiết kiệm nhiều thời gian, gọn nên được ưa chuộng. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 94 sân bóng đá mini trải đều ở 10 huyện, thị. Cũng vì lẽ đó, bóng đá 11 người ít được quan tâm. Mấu chốt của vấn đề là sân chơi này quá tốn kém về mặt kinh phí tập luyện cũng như tổ chức thi đấu, khó tập trung người chơi và điều kiện sân bãi chưa đáp ứng.
Để khơi dậy phong trào này, huyện Lộc Ninh tiên phong tổ chức giải bóng đá cấp huyện dành cho 11 người. Ông Nguyễn Quốc Cần, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao huyện cho biết: “Năm 2008, huyện tổ chức giải bóng đá dành cho 11 người nhưng chỉ được 1 năm. Sau đó có quá nhiều sân cỏ nhân tạo dành cho bóng đá mi ni mở ra, được mọi người chọn lựa nên huyện cũng theo thị hiếu của người dân để tổ chức. Đến năm 2013, tại Đại hội thể dục - thể thao huyện, chúng tôi tổ chức thi đấu môn bóng đá 11 người và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Vì thế trong năm nay, huyện quyết định khơi dậy lại sân chơi này”.
Theo ông Nguyễn Quốc Cần, việc quan trọng đầu tiên là tham khảo ý kiến người dân rồi lập kế hoạch chi tiết để vừa đảm bảo có nhiều đội bóng tham gia vừa tiết kiệm chi phí cho ban tổ chức lẫn các đội.
Kinh phí cho giải đấu năm nay khoảng 40 triệu đồng nhưng thu hút tới 15 đội, với gần 300 vận động viên. Bà Lê Thị Thanh Thủy, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao huyện Lộc Ninh cho biết: “Để giảm chi phí tổ chức, chúng tôi tận dụng tối đa vật lực hiện có như lưới, bóng... và vận động cán bộ, công nhân viên tranh thủ thời gian ngoài giờ phụ giúp. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với các lực lượng khác như y tế, công an... để đảm bảo thành công cho giải đấu. Đặc biệt, giải thưởng cao là động lực để thu hút nhiều đội tham gia”.
Tuy là xã nghèo nhưng Lộc Phú đi đầu khi giải đấu được phát động. Anh Lê Văn Hải, cán bộ văn hóa của xã cho biết: “Ngay sau khi có công văn chỉ đạo tham dự giải đấu, chúng tôi lên kế hoạch chi tiết vận động đoàn viên thanh niên tham dự. Trong đó, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền trên loa truyền thanh, cuộc họp ở ấp và nói rõ mục đích, ý nghĩa của giải đấu. Vì thế, khi phát động, người dân hưởng ứng rất nhiệt tình, từ đó đội bóng được thành lập dựa trên sự tự nguyện. Lộc Phú còn nhiều khó khăn nên chúng tôi chủ yếu sử dụng nội lực, anh em bảo ban tập luyện để tiết kiệm chi phí...”.
Với cách làm thiết thực này, phong trào bóng đá 11 người đang được khơi dậy mạnh mẽ ở Lộc Ninh. Đây là cách làm hay mà các địa phương khác có thể học hỏi.
Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn