Nhanh tay gìn giữ văn hóa dân tộc bản địa ở Bù Đăng
NHỮNG LỄ HỘI ĐỘC ĐÁO VÀ LÂU ĐỜI
Nói đến nét độc đáo trong bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc Xêtiêng, Mơnông và Châu Mạ ở Bù Đăng không thể không nhắc đến lễ hội “Mừng lúa mới”. Đây là lễ hội phổ biến và lâu đời của đồng bào, thường diễn ra sau khi thu hoạch mùa lúa trên rẫy. Theo thông lệ, gia đình nào thu hoạch được 1.000 gùi lúa/vụ (mỗi gùi tương đương 60kg) mới được cúng trâu, dưới mức đó chỉ được cúng heo, gà. Ngoài ý nghĩa là mừng thành quả sau một năm lao động vất vả, lễ hội “Mừng lúa mới” còn thể hiện sự tôn kính của đồng bào với các đấng siêu nhiên, trong đó có thần lúa, thần rừng, thần sông, thần mưa... Thông qua lễ hội, đồng bào mời gọi các thần cùng về ăn mừng và không quên khẩn cầu các thần mùa sau hãy ban cho dân làng được mùa bội thu hơn. Lễ hội “Mừng lúa mới” còn thể hiện sự biết ơn với mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho họ đất đai trù phú, màu mỡ để canh tác, phục vụ cuộc sống.
Đồng bào Xêtiêng múa chiêng, đánh gậy tại lễ hội đâm trâu cổ truyền tổ chức tại trảng cỏ Bù Lạch (Bù Đăng) - Ảnh: Lâm Phương
Cũng như nhiều dân tộc ít người khác, người Xêtiêng, Mơnông và Châu Mạ ở Bù Đăng có các lễ hội với tục hiến sinh để tạ ơn và cầu xin thần linh, trong đó có lễ hội quay đầu trâu là lễ hội lâu đời nhất, cũng thường diễn ra vào thời điểm thu hoạch mùa màng xong. Lễ hội được tổ chức để kết bạn giữa dòng họ này với dòng họ khác, giữa làng này với làng khác hoặc mừng chiến thắng, hay vừa thoát khỏi hoạn nạn. Trong chừng mực nào đó, lễ hội quay đầu trâu của người Xêtiêng ở Bù Đăng còn là hình thức vay - trả ơn nghĩa với cộng đồng. Thông qua lễ hội, đồng bào Xêtiêng còn thể hiện tinh thần đoàn kết, đùm bọc anh em trong cùng dòng họ, hoặc giữa dòng họ này với dòng họ khác (thường là hai bên thông gia) hoặc giữa làng này với làng kia. Ngoài ra, lễ hội còn mang tính khích lệ, động viên các thành viên trong dòng họ, trong làng xóm tích cực lao động, sản xuất để có của ăn của để và như vậy mới có điều kiện làm lễ quay đầu trâu mời anh em, họ hàng về ăn mừng.
Cồng chiêng - biểu tượng văn hóa của đồng bào bản địa ở Bù Đăng
Bên cạnh những lễ hội độc đáo và lâu đời kể trên, người Xêtiêng ở Bù Đăng còn lưu truyền nhiều loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc khác, mà đáng kể nhất là nghệ thuật hát nói, hát kể (tâm - pơt). Đây là hình thức chuyển tải những truyền thuyết, huyền thoại của người Xêtiêng nói về nguồn gốc của mình; về lai lịch các vị thần; về tình yêu lứa đôi và cả những sinh hoạt thường ngày của đồng bào. Người Xêtiêng với bản tính đôn hậu, trầm lắng và yêu ca hát. Và để phục vụ nhu cầu ca hát, nhảy múa của mình, đồng bào Xêtiêng đã sáng tạo ra nghệ thuật cồng chiêng - một loại hình nghệ thuật dân gian vô cùng độc đáo, biểu tượng đáng kể nhất về nghệ thuật dân gian không chỉ trong cộng đồng người Xêtiêng. Với những người Xêtiêng lớn tuổi, cồng chiêng đã trở thành máu thịt, là sức mạnh tinh thần mang yếu tố đặc thù không gì có thể thay thế được.
SẼ CHỈ CÒN LÀ KÝ ỨC!
Các lễ hội truyền thống của đồng bào bản địa ở Bù Đăng làm sống lại “không gian thiêng”, đưa con người trở về với cội nguồn, không chỉ tôn lên nét đẹp văn hóa dân tộc mình mà còn đề cao giá trị nhân văn sâu sắc, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, củng cố tình đoàn kết, niềm lạc quan; đồng thời là nơi vui chơi giải trí sau mùa vụ lao động vất vả. Nhưng điều đáng quan tâm là hiện nay, những sắc thái độc đáo của văn hóa dân tộc bản địa trên đất Bù Đăng nói riêng, trong cộng đồng các dân tộc bản địa ở Bình Phước nói chung đang dần bị mai một. Dẫu đời sống của một bộ phận đồng bào đã khá lên nhiều so với trước; trong cộng đồng các dân tộc bản địa đã có nhiều triệu phú, tỷ phú với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, nhưng đời sống văn hóa của đồng bào lại đang nghèo dần đi. Ngày xưa đồng bào tự đóng góp và đứng ra tổ chức lễ hội, mà làng nào cũng tổ chức. Còn bây giờ, mỗi năm, ngành văn hóa - thể thao và du lịch chỉ phối hợp với địa phương để phục dựng một vài lễ hội. Có người nói, ngày xưa vật chất không đầy đủ như bây giờ nhưng không gian sống của đồng bào phù hợp để tổ chức lễ hội. Bây giờ, sự tác động của cuộc sống hiện đại khiến đồng bào có nhiều mối quan tâm hơn. Không gian sống, sản xuất của đồng bào cũng thay đổi nên việc tổ chức các lễ hội truyền thống không còn đậm chất dân gian như trước. Nhưng đáng nói nhất là lớp trẻ người dân tộc bản địa ngày nay không còn nhiều người quan tâm và có ý thức bảo vệ, gìn giữ nét độc đáo của dân tộc mình.
NHANH TAY BẢO TỒN CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA ĐỒNG BÀO BẢN ĐỊA
“Ngày xưa, các gia đình bậc trung sau một mùa lúa thường cúng lúa mới. Nhưng bây giờ đồng bào có còn mấy hộ làm lúa đâu. Có làm thì diện tích cũng nhỏ hẹp nên rất ít hộ thu được 1.000 gùi. Tục trả của ngày xưa, nhà trai phải chuẩn bị 2 con trâu, 2 cái xà lung. Bây giờ tục trả của vẫn còn nhưng đã bị biến tướng đi nhiều. Vì kiếm xà lung khó nên nhiều đám quy thành vàng. Hai chiếc xà lung tương đương 1,2 cây vàng nên nhiều hộ trả của bằng vàng. Đồng bào cũng chạy theo thị trường rồi, buồn lắm. Nếu không có cách bảo vệ thì văn hóa truyền thống của đồng bào chỉ còn là ký ức thôi!”. Ông Điểu Hơl, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh |
Cùng với việc đầu tư nghiên cứu, phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa, Nhà nước đã và đang đầu tư một nguồn kinh phí đáng kể để xây dựng Khu bảo tồn văn hóa sóc Bom Bo. Đây là một dự án văn hóa lớn, được triển khai xây dựng trên diện tích 113,5 ha với kinh phí khoảng 200 tỷ đồng, gồm khu bảo tồn được thiết kế theo đặc thù văn hóa đồng bào Xêtiêng với 2 nhà dài, khu làng nghề truyền thống; khu du lịch sinh thái; khu tái định cư của đồng bào. Hiện đã hoàn thành 2 nhà dài truyền thống với kinh phí 4,2 tỷ đồng, 3 phòng học của điểm Trường tiểu học Xuân Hồng trong khu vực dự án. Đầu năm 2015, UBND tỉnh đã thông qua dự án nhà đón tiếp thuộc khu bảo tồn. Nhà đón tiếp được xây dựng với diện tích 1.075m2, kinh phí 19 tỷ đồng sẽ mô phỏng kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống của người Xêtiêng. Công trình này nhằm phục vụ việc đón tiếp các đoàn tham quan, du lịch, đồng thời tổ chức các lễ hội của địa phương. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong tháng 9-2015.
Về phía UBND huyện Bù Đăng những năm qua đã có chế độ khuyến khích khôi phục các làng nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát, rèn, làm rượu cần ở các xã có đông đồng bào bản địa như Đồng Nai, Thọ Sơn, Bom Bo, Đắk Nhau, Đoàn Kết và Trường phổ thông Dân tộc nội trú Điểu Ông. Các trường phổ thông trên địa bàn huyện cũng đã đưa nội dung giáo dục truyền thống văn hóa các dân tộc bản địa vào chương trình giảng dạy. Một số xã đã xây dựng được đội văn nghệ gồm các diễn viên là người dân tộc. Hằng năm, UBND huyện đều tổ chức liên hoan văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số. Bù Đăng cũng là huyện duy nhất trong tỉnh thực hiện được chương trình phát thanh tiếng Xêtiêng trên sóng của Đài truyền thanh huyện với thời lượng 3 kỳ/tuần... Có thể coi đây là những việc làm thiết thực để gìn giữ những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào bản địa ở Bù Đăng và Bình Phước. Nhưng cần phải nhanh tay hơn nữa!
Tác giả bài viết: Trân Luân cập nhật
Nguồn tin: Báo Bình Phước
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn