23:44 ICT Thứ ba, 14/05/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Nét riêng và giá trị lịch sử của các ngôi đình ở Bình Phước (Bài 3) - Kiến trúc, nghệ thuật trang trí trong các ngôi đình

Thứ hai - 20/07/2015 10:33
Nguồn gốc cư dân đã ảnh hưởng đến kiến trúc trang trí trong các ngôi đình ở Bình Phước. Nếu đình ở miền Bắc thường có kiến trúc đồ sộ 5-7 gian, tuân thủ quy luật phong thủy thì đình ở Bình Phước lại mang dấu ấn đặc trưng của cư dân địa phương, ít chi phối bởi quy luật phong thủy. Tuy nhiên đình ở Bình Phước chứa đựng giá trị độc đáo về văn hóa, lịch sử, khác biệt về trang trí, góp phần tạo nên sự đa dạng trong hệ thống kiến trúc đình Việt Nam.

>> Bài 1: Quá trình hình thành và phát triển
>> Bài 2: Đối tượng thờ cúng trong các ngôi đình

Đình ở Bình Phước có thể chia làm hai loại: Loại kết cấu khung gỗ, lớp ngói âm dương, điển hình như đình Thần Hưng Long (Chơn Thành), đình Tân Phú (Bình Long); Loại 2 là kiến trúc mái lợp tôn, trụ bê tông, tiêu biểu như 3 đình ở Hớn Quản: Thần Núi Gió, Thanh An, Tân Khai và đình Thần Hoàng ở Bù Đăng...

Đình ở miền Bắc thường tuân thủ quy luật phong thủy như xây dựng gần các sông, ao, hồ... mặt bằng công trình hình chữ nhật phát triển theo chiều sâu nhờ hai nhà nối tiếp nhau theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, bố cục kiểu chữ Đinh, chữ Nhất, chữ Công. Các ngôi đình ở Bình Phước thường xây dựng theo bố cục sắp chén, đó là nhiều nhà sát nhau trên một khoảng đất rộng, cao ráo, tiện cho việc đi lại, gồm cổng tam quan, tòa tiền điện, nhà sắp lễ, nhà ăn, đền.

Hầu hết các ngôi đình ở Bình Phước đều có không gian xanh, một số ngôi đình còn có  những  cây cổ thụ (sao, sức...) che bóng xuống đình. Trước sân đình có bức bình phong theo quan niệm phong thủy để che chắn những gì không hay, thể hiện sự kính ngưỡng của người trần đối với thần linh. Ngoài ra, đứng ở ngoài không thể nhìn vào chánh điện. Đa phần các bức bình phong được tô vẽ hình hổ, rồng... Ngôi chánh điện được xây dựng 1 gian 2 trái, tường xây gạch, mái lợp ngói âm dương hoặc tôn. Những ngôi đình lợp ngói âm dương trên nóc thường gắn hình lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nguyệt, lưỡng long triều nhật, ông mặt trời nhằm tượng trưng cho âm dương hòa hợp, sung túc, thiêng liêng. Tùy theo kết cấu ngôi đình mà trụ đỡ có khác nhau, từ 4-12 hệ thống cột được làm bằng gỗ nguyên cây hoặc bê tông. Các trụ cột trang trí hoa sen có cột lại đắp hình rồng uốn lượn trên gọi là long trụ. Bước vào trong chánh điện, mỗi đình có sự phân chia khác nhau nhưng thường có ba gian chính: Võ ca (gian trước) dành làm nơi chầu khi diễn ra lễ hội Kỳ Yên, Võ Quy; nhà chầu (gian giữa) thường đặt bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và chánh điện (gian cuối) là không gian riêng để thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Trong không gian này, các bức hoành phi, câu đối, mảng phù điêu được đặt trước chánh điện. Trước long vị ngài Thần Hoàng Bổn Cảnh đặt 1 gương nhỏ, xung quanh có tam sự hoặc ngũ sự, tam sự là cái ly để đốt trầm và hai cái chân đèn, ngũ sự có thêm hai ống cắm nhang, bình, khay, dùng để đựng lư hương, trầu, rượu, gợi bóng dáng ba ngọn núi. Hai bên hương án có đôi hạc đứng trên lưng rùa, mỗi bên bố trí một con ngựa đứng chầu, chữ Thần được đặt bên cạnh hai long hậu giá thần linh. Lỗ bộ trong đình có 10 cặp: 1 cặp biển khắc chữ “Tĩnh Túc” và “Hồi Tỵ” dùng để dẫn đầu đám rước; 1 cặp phủ việt (búa vàng) tượng trưng uy quyền; 1 cặp tay văn, tay võ tượng trưng tài chí; 1 cặp chùy, 1 cặp gươm tượng trưng cho sức mạnh; 1 cặp gậy đầu rồng, 1 cặp cờ tiết mao tượng trưng ân huệ của triều đình; 1 cặp hèo, 1 cặp mác, 1 cặp kích, 1 cặp dáo... Hai bên cửa ra vào một số đình còn trưng bày mỗi bên 1 bộ gõ, 1 bộ trống...

 Nhìn tổng thể, mặc dù không thể so sánh với những ngôi đình ở Bắc bộ nhưng giá trị về kiến trúc, nghệ thuật trang trí của các ngôi đình ở Nam bộ nói chung và Bình Phước nói riêng vẫn chứa đựng giá trị kiến trúc riêng. Tuy không quá độ sộ, nguy nga lộng lẫy, nhưng vẫn hòa quyện tạo nên một tổng thể hài hòa giữa con người với thiên nhiên. Kiến trúc đình là sợi dây kết nối giữa truyền thống và hiện đại, giữa mạch nguồn dân tộc với thế hệ hôm nay, mai sau. Do vậy, việc bảo tồn đình thần nói chung, kiến trúc, nghệ thuật trang trí nói riêng cần được đặc biệt quan tâm.                           

Tác giả bài viết: Trần Luân cập nhật

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước