08:06 ICT Thứ tư, 13/11/2024

Trang nhất » Tin tức » Hoạt động văn hóa

Di tích lịch sử Hồ Cầu Trắng

Thứ ba - 02/06/2015 07:29
Di tích lịch sử Hồ Cầu Trắng

Di tích lịch sử Hồ Cầu Trắng

Di tích lịch sử quốc gia Hồ Cầu Trắng nằm nghiêng mình soi bóng xuống hồ Cầu Trắng trong xanh, phẳng lặng bên đường ĐT748, cách trung tâm xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh gần 1km.

Địa danh Hồ Cầu Trắng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt khoảng thời gian 1967-1975, là nơi Bộ chỉ huy Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Quân y (B2) tập kết đóng quân để chuẩn bị cho chiến trường miền Nam, trong đó chủ yếu tập trung cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Tháng 6-2009, Tổng cục Hậu cần xây dựng công trình tưởng niệm gồm các khu chính: Khu nhà bia tưởng niệm các chiến sĩ hy sinh và chưa tìm thấy hài cốt, hội trường khu nhà truyền thống Cục Hậu cần miền Nam, bia tưởng niệm liệt sĩ quân dân y miền Nam. Công trình do Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng xây dựng trên diện tích 4.500m2 với kinh phí 3,5 tỷ đồng, trong đó 1,2 tỷ đồng từ đóng góp của các nhà hảo tâm tại TP. Hồ Chí Minh.

 

Nhà bia, nhà truyền thống Tổng cục hậu cần (B2) khang trang ở di tích Hồ Cầu Trắng

 

Công trình nhằm thể hiện tấm lòng tri ân của cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng của Tổng cục Hậu cần đối với địa danh lịch sử Hồ Cầu Trắng. Công trình có khu trưng bày lưu niệm với 2 phần chính: Phần 1, trưng bày giai đoạn xây dựng các vùng căn cứ, dựa vào nhân dân, thực hiện hậu cần tại chỗ, bảo đảm cho đấu tranh chính trị tiến lên vũ trang khởi nghĩa. Nhiều hình ảnh và hiện vật được trưng bày như Quân nhu B2 làm kho, lán trong rừng, kho gạo căn cứ B2, rẫy mì, bộ đội nuôi heo, xưởng may quân trang và các trưng bày liên quan khác. Phần 2, trưng bày những hiện vật, hình ảnh từ giai đoạn 1961 đến tháng 4-1975. Hệ thống tổ chức hậu cần chiến trường hình thành và phát triển, bảo đảm các lực lượng vũ trang chiến đấu thắng lợi. Phần này giới thiệu những hình ảnh tiêu biểu về công tác đảm bảo hậu cần của Cục Hậu cần miền Nam, từng bước hình thành xây dựng tổ chức, củng cố và phát triển, tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho các đơn vị chủ lực miền và quân khu, phục vụ lực lượng vũ trang trên chiến trường.

Việc xây dựng nhà bia, nhà trưng bày của Tổng cục Hậu cần đã góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử ngành hậu cần Quân đội nhân dân nói chung và hậu cần Miền nói riêng trong tình hình hiện nay. Ngày 13-9-2011, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng đã trao quyết định bàn giao cụm công trình nhà bia, nhà truyền thống Cục Hậu cần miền (B2) cho Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Bình Phước quản lý, khai thác, sử dụng.

Ngày 26-10-2009, Ban liên lạc truyền thống Quân y miền Đông (B2) cũng đã khởi công xây dựng nhà bia tưởng niệm, nhà truyền thống, nằm ở vị trí giữa nhà bia chung và nhà bia, nhà truyền thống của Tổng cục Hậu cần.

Tại địa danh Hồ Cầu Trắng, đã có hơn 9.000 liệt sĩ, trong đó có 500 liệt sĩ quân y và hơn 8.500 liệt sĩ là thương binh từ các chiến trường miền Đông Nam bộ trong chiến tranh chống Mỹ được chuyển về đây. Chiến trường Đông Nam bộ trong chiến tranh chống Mỹ có 34 bệnh viện và 13 đội điều trị quân y cơ động và đã cứu chữa hiệu quả cho hàng chục ngàn thương, bệnh binh từ các chiến trường chuyển về. Sau chiến tranh, Ban liên lạc truyền thống Quân y miền Đông Nam bộ (B2) đã phối hợp các địa phương nỗ lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.

Địa danh Hồ Cầu Trắng là di tích lịch sử tham quan, giáo dục tinh thần yêu nước cho  các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế. 

Tác giả bài viết: Trân Luân cập nhật

Nguồn tin: Báo Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

 
 
 

---

HT phát triển Du lịch

Thắng cảnh Bình Phước